Món ăn dưới cánh rừng tràm

.

Những năm qua, nấm tràm trở thành món ăn đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho vùng đất từ Thừa Thiên Huế ra tới Quảng Bình. Món ăn có vị đắng tự nhiên nhưng dư vị rất ngọt ngào, để thương để nhớ đối với người ăn quen, với nông dân trồng tràm và sống quanh rừng tràm.

Nấm tràm được người dân đi hái về sau những cơn mưa đầu tiên báo hiệu mùa giông bão về. Ảnh: LÊ PHI
Nấm tràm được người dân đi hái về sau những cơn mưa đầu tiên báo hiệu mùa giông bão về. Ảnh: LÊ PHI

Đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao

Từ Nam Hải Vân trở vào, giá trị khai thác từ cây tràm kém hiệu quả hơn so với từ Bắc Hải Vân ra tới tỉnh Quảng Bình. Thậm chí, cùng một diện tích trồng cây tràm nhưng từ phía Bắc Hải Vân trở ra, nó tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, tạo thêm chuỗi thị trường khác rất nhộn nhịp khi bước vào đầu mùa mưa.

Điều đặc biệt, giá trị kinh tế và sự khác biệt ấy giữa hai vùng không phải xuất phát từ khối lượng gỗ bán ra hay việc bán được giá. Sự quyết định ấy lại xuất phát từ một… món ăn. Món ăn mang vị đắng tự nhiên nhưng dư vị rất ngọt ngào đối với người nông dân trồng tràm và sống quanh rừng tràm: Món nấm tràm.

Khi miền Trung nắng gắt, rồi bất chợt đổ những cơn mưa như trút nước báo hiệu mùa mưa bão sắp tới thì loài nấm tím lịm này xuất hiện.

Cây tràm lớn rất nhanh, lột xác phổng phao và rụng lá phủ kín mặt đất vào mùa hè. Mưa đến làm nền đất ẩm ướt và những cây nấm nhỏ xíu vươn mình mọc lên. Những cây nấm nhỏ xinh nhanh chóng nhuộm tím cả lưng đồi. Nó chỉ mọc khoảng một tháng rồi biến mất như cách nó xuất hiện.

Người dân từ Thừa Thiên Huế ra tới Quảng Bình kéo nhau vào rừng tràm hái nấm. Trong khi đó, người dân từ Đà Nẵng trở vào chẳng mấy ai biết ăn món này. Vì vậy, họ không tạo ra được thêm chuỗi thị trường cho mình cũng như không thu hoạch để kiếm thêm thu nhập, khai thác hết tài nguyên mà cây tràm mang lại. Do đó, cùng với việc bán thân cây tràm, nấm tràm trở thành món ăn đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho vùng đất từ Thừa Thiên Huế ra tới Quảng Bình.

Những đoàn người kéo nhau vào rừng tràm bạt ngàn để hái nấm về bán. Đầu mùa có thể bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí có lúc 120.000 đồng/kg mà vẫn không có. Những người chăm chỉ có thể hái mỗi ngày tới mấy chục kg nấm. Vào mùa, người bán kẻ mua vô cùng nhộn nhịp. Mùa nấm mọc cũng đúng vào mùa trẻ em tựu trường. Vậy nên, nhiều trẻ em nhờ cây nấm nhỏ xinh ấy mà có quần áo và cặp sách mới vui cùng chúng bạn ở những vùng quê nghèo khó.

Vị đắng và ngọt thanh

Nấm tràm lạ lắm, ăn nhẫn đắng và có vị béo. Những người lần đầu tiên ăn nấm tràm, nếu không kiên nhẫn sẽ rất khó ăn. Nhưng khi đã ăn được thì họ sẽ bị nó mê hoặc  với dư vị đắng cho tới khi đã rời bàn ăn đến lúc uống nước, rồi sau đó phần cổ họng sẽ cảm giác có vị ngọt thanh rất kỳ lạ. Nấm tràm mang vị đắng, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người ăn cũng như bản chất chịu thương chịu khó của người miền Trung.

Nấm tràm có thể dùng để nấu canh, xào với rau khoai lang, nấu cháo lòng, bánh canh, xào thịt ba chỉ, xào nghệ xúc bánh tráng…, ăn vào mùa mưa thì không có món gì “địch” nổi. Bắc chảo lên ngọn lửa bập bùng, cho nấm tràm đã rửa sạch vào xào, bỏ bột nêm đảo cho chín cùng rau khoai lang. Cuối cùng là cắt một vài quả ớt đỏ cho vào rồi đổ ra đĩa. Tất cả các giác quan của bạn sẽ bị đánh thức ngay khi gắp miếng đầu tiên bỏ vào miệng.

Mùa nấm đi qua nhường mặt đất lại cho nước mưa dầm dề. Những ngày nghèo khó, để bảo quản nấm, người dân phơi khô bỏ vào bao gác bếp để ăn dần. Giờ nhà ai cũng có tủ lạnh nên mua nấm về cấp đông ăn quanh năm.

LÊ PHI

;
;
.
.
.
.