“Bình thường mới ở đây phải bỏ chữ “mới” trong ngoặc, bởi còn bệnh nhân Covid-19, nghĩa là công việc của tất cả chúng tôi vẫn y thế. Chỉ khác là giờ đây khi hết ca làm việc, bước ra cổng bệnh viện thấy lòng bớt trĩu nặng, đêm về giấc ngủ yên hơn. Số bệnh nhân nặng giảm rõ rệt, số ca mắc mới ít hẳn, vất vả, áp lực 10 phần đỡ được 5, 6 rồi, nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì diễn biến dịch bệnh khó nói trước điều gì”, Ths, BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trải lòng trong cuộc trò chuyện với Báo Đà Nẵng về trạng thái bình thường mới ở nơi đang được ngành y tế giao nhiệm vụ là cơ sở duy nhất của thành phố hiện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ths, BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng |
* Bác sĩ chia sẻ rõ hơn về trạng thái bình thường mới của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện nay?
- Khi dịch bệnh xuất hiện và bùng phát, ở giai đoạn nào, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng đảm đương 2 nhiệm vụ song song là tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 và khám, điều trị ngoại trú, nội trú bệnh nhân lao và các bệnh phổi thường quy. Tổng giường bệnh của bệnh viện là 130, trong đó số giường tối đa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 là 100 và linh động san sẻ số giường bệnh khi bệnh viện tách đôi để bảo đảm 2 nhiệm vụ cùng lúc.
Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, bệnh viện dã chiến dừng hoạt động, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là cơ sở y tế duy nhất tại thành phố được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện có 53 bệnh nhân Covid-19 còn điều trị tại đây, diễn tiến bệnh chủ yếu ở mức trung bình (ít bệnh nhân nặng) theo phân cấp mức độ bệnh của Bộ Y tế. Ngoài ra, bệnh viện đang có 90 bệnh nhân lao và các bệnh phổi điều trị nội trú. Chúng tôi cũng đã khởi động lại các dự án cộng đồng, bởi nhiệm vụ của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng còn làm công tác phòng, chống lao theo chương trình chống lao quốc gia, đồng thời quản lý chương trình Hen và COPD toàn thành phố.
Về nhân lực, khi Covid-19 bùng phát mạnh, ở khoa nặng có thể cần đến 50 y bác sĩ, nhân viên y tế làm việc chia đều 5 ca/ngày. Lực lượng được Sở Y tế huy động, bổ sung về. Còn nay, lượng bệnh nhân Covid-19 đã qua giai đoạn căng thẳng nên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có thể tự chủ nguồn lực. Mỗi ê-kíp khoảng 10 người có thể đảm đương nhiệm vụ. Chúng tôi xoay vòng theo hình thức mỗi ê-kíp làm việc liên tục 1 tháng tại khu Covid-19, xong ra nghỉ và làm các nhiệm vụ của nhóm khác. Bất kỳ ai cũng luân phiên tham gia hoạt động liên quan đến tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa theo hình thức tự nguyện, vừa theo sự sắp xếp, phân công của đơn vị.
Một trạng thái bình thường mới nữa có thể nhận thấy đó là tinh thần của lực lượng y tế đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cán bộ, nhân viên y tế toàn thành phố nói chung và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nói riêng đã trải qua quá trình thực tiễn nâng cao chuyên môn và khả năng ứng phó dịch bệnh lây lan trên diện rộng nên có thể tự tin hơn. Nhiều người được về với gia đình sau giờ làm việc, kết nối các hoạt động xã hội, cộng đồng.
Ths.BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (thứ 5, từ trái sang), chúc mừng bệnh nhân Covid-19 xuất viện. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
* Nguyên nhân nào giúp bệnh viện có thể bước vào trạng thái bình thường mới như hiện nay?
- Lý do là thành phố đã bao phủ vắc-xin đạt tỷ lệ rất cao, ở nhiều độ tuổi, nhất là nhóm người già nên giảm được lượng người nhiễm bệnh hoặc trở nặng. Lý do nữa là thành phố hiện đủ thuốc (dạng viên dành cho người nhẹ và tiêm dành cho bệnh nặng) và trang thiết bị y tế như máy theo dõi bệnh nhân, máy thở, dụng cụ hồi sức… để đáp ứng nhiệm vụ điều trị người mắc Covid-19 trên địa bàn. Trình độ của lực lượng y tế cũng trưởng thành hơn nhiều trong công tác phòng, chống dịch.
Việc sắp xếp con người làm sao cho phù hợp thật sự là bài toán để góp phần mang lại hiệu quả chống dịch. Từ nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở các bệnh viện công, tư và các chuyên ngành khác nhau được Sở Y tế phân bổ về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong thời điểm căng thẳng dịch bệnh, chúng tôi xác định tất cả ở chung “Bệnh viện Covid-19”, mọi người trên cùng một chiếc thuyền vượt bão. Để vượt sóng, mỗi người “nắm một tay chèo” sao cho vừa phát huy năng lực, vừa không gây áp lực quá sức. Công tác bố trí bệnh nhân, phân tầng bệnh và đánh giá để cho xuất viện cũng được tính toán, cân nhắc.
* Như bác sĩ chia sẻ, nỗi lo bùng dịch vẫn thường trực, vậy kịch bản để ứng phó hiện nay là gì?
- Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, nên kịch bản ứng phó khi có tình huống mới phát sinh cũng theo sự điều hành chung. Riêng với bản thân, mỗi tối tôi lướt nhanh các báo để nắm tình hình dịch trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố lân cận để đánh giá nguy cơ đối với địa phương mình. Hoạt động đi lại, giao thương nới lỏng hơn thì khả năng mầm bệnh lây lan từ nơi này đến nơi khác cũng cao hơn. Nếu tỉnh, thành phố xung quanh xuất hiện nhiều ca mắc, ở đây chúng ta ngay lập tức chuẩn bị giường bệnh, phân tầng và nhiều kế hoạch liên quan.
Một yếu tố khác, không dám nhận là thành quả, bởi đối với dịch bệnh này không thể biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ dám nói là may mắn khi 2 năm qua Bệnh viện Phổi Đà Nẵng giữ được an toàn bệnh viện. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ khó khăn khi không chỉ ngăn dịch từ ngoài vào mà phải giữ không để dịch từ trong ra, cũng như không được để xuất hiện nhiễm chéo trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và những khu bệnh khác. An toàn bệnh viện hiện nay là một trong những yếu tố then chốt nên các quy trình kiểm soát, phân luồng từ cổng vào đến lối ra không khác so với lúc dịch bùng phát mạnh.
* Nhiều người chia sẻ họ thay đổi quan niệm về cuộc sống sau khi chứng kiến mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, là người luôn ở tuyến đầu, bác sĩ có suy nghĩ như thế nào?
- Dịch bệnh càng cho tôi thấy cuộc đời này thật là ngắn ngủi. Có người mới còn đó nhưng rồi ra đi chóng vánh. Văn hóa chúng ta coi trọng nghĩa tử là nghĩa tận, người mất được tổ chức chu đáo trong sự tiễn biệt ấm cúng của gia đình, tình thân, nhưng sự ra đi vì Covid-19 quả thật khốc liệt.
Cuộc đời quá ngắn nên chúng ta càng phải trân trọng từng giây phút này, hãy cho đi nhiều hơn khi còn sống. Trân quý cuộc sống không có nghĩa sống vội, sống gấp hay dễ dãi với nhau mà ngược lại cần sống chậm để cảm nhận nhiều hơn và kỹ lưỡng, chu toàn hơn với từng việc mình làm.
Đối với công tác lao phổi, không biết sau Covid-19, có nhiều sinh viên y khoa thay đổi suy nghĩ chọn theo chuyên ngành này hơn không. Đây là ngành rất cần nhân lực y tế khi tỷ lệ người tử vong vì các bệnh liên quan đến lao và các bệnh phổi trên toàn thế giới được xếp ở nhóm cao. Từ nhiều năm nay, bác sĩ ít theo chuyên ngành này, nhất là lao, vì nhiều lý do. Tôi rất mong có thêm những bác sĩ trẻ chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực gian nan nhưng cũng nhiều ý nghĩa này.
THU HOA thực hiện