Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997) đến nay, Đà Nẵng đã có một vị trí pháp lý cần thiết và xứng tầm để phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từ đó tạo nên nhiều thay đổi rõ rệt ở thành phố bên sông Hàn.
Nhiều cây cầu lần lượt nối đôi bờ sông Hàn. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM |
Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 1997, vấn đề vị trí pháp lý của vùng đất này tiếp tục được các cấp có thẩm quyền tập trung giải quyết. Động thái đầu tiên là phân công Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ năm 2000-2002. Động thái thứ hai là công nhận Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách các đô thị loại I theo Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg ngày 15-7-2003 của Thủ tướng Chính phủ - cùng với Hải Phòng vào tháng 5-2003.
Phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh
Động thái thứ ba là ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, định hướng đến năm 2020, phấn đấu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước; phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”.
Động thái thứ tư là trên cơ sở tổng kết 10 năm và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó định hướng đến năm 2030, phấn đấu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”; đến năm 2045, phấn đấu đưa “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Động thái thứ năm là chủ trương cho Đà Nẵng cùng 9 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16-1-2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ sau 4 năm tính từ khi dừng việc thí điểm này vào giữa năm 2016, cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tiếp tục được chọn thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội. Với những động thái mang tính lịch sử như vậy, có thể nói, đến nay Đà Nẵng đã có được một vị trí pháp lý cần thiết và xứng tầm để phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từ đó tạo nên nhiều thay đổi rõ rệt ở thành phố bên sông Hàn.
Diện mạo đô thị thay đổi
Thay đổi trước tiên của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1997 là về diện mạo đô thị. Trước hết, có thể thấy người Đà Nẵng ngày nay đã “đàng sau quay” để nhìn ra biển, để biến một số con đường ven Biển Đông và ven vịnh Đà Nẵng thành bao lơn ngắm biển, thành những vọng-hải-đài-dưới-đất. Có lẽ đây là đổi thay rõ nét nhất của diện mạo đô thị Đà Nẵng khoảng hơn 2 thập niên trở lại đây, khởi đầu từ việc hình thành hai tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước và Sơn Trà - Điện Ngọc. Nhờ ngày nào cũng trông ra biển mà người Đà Nẵng ngày nay có khả năng nhìn lại lịch sử tường tận hơn, bởi lịch sử Đà Nẵng mấy trăm năm qua luôn gắn với những con tàu đến từ phương xa vào ra cửa biển. Tất nhiên những con tàu đến từ phương xa vào ra cửa biển Đà Nẵng xưa nay không chỉ là các chiến hạm Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công ở Vũng Thùng năm 1858 hay các khu trục hạm Mỹ đổ quân vào Red Beach Two năm 1965, mà còn là các thương thuyền và các con tàu ngoại giao, chẳng hạn như Chiến hạm USS Curtis Wilbur DDG-54 của Mỹ cập cảng Đà Nẵng ngày 28-7-2004 và trở thành con tàu hải quân đầu tiên của Mỹ đến thăm hữu nghị Đà Nẵng kể từ ngày giải phóng thành phố gần 30 năm trước đó.
Diện mạo đô thị Đà Nẵng cũng thay đổi đáng kể dọc theo các bờ sông. Rõ nhất là dọc bờ sông Hàn và bờ sông Cẩm Lệ, người Đà Nẵng ngày nay cũng không ngừng “đàng sau quay” để tạo thêm ngày càng nhiều những vọng-giang-đài-dưới-đất. Nhờ ngày nào cũng trông ra sông mà người Đà Nẵng ngày nay ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của nguồn nước và sự thất thế/bị động của một địa phương nằm ở hạ lưu sông bởi khả năng phải đối diện với nguy cơ, chẳng hạn nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của hàng triệu cư dân thành phố là rất lớn.
Còn có thể thấy diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi đáng kể trên các dòng sông. Trong 1/4 thế kỷ qua, nhiều cây cầu đã lần lượt nối liền hai bờ sông như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Bãi Dài, cầu Sông Yên, cầu Khe Răm, cầu Trường Định…
Và còn có thể thấy diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi đáng kể dọc theo các con đường - đường qua cầu, đường ven biển, đường ven sông, đường ven đô và đường nội thành. Tính từ đầu năm 1997 đến cuối năm 2020, trên địa bàn Đà Nẵng đã có 2.406 con đường được đặt tên, gồm 981 con đường được đặt tên danh nhân và 1.425 con đường được đặt tên đất tên làng hoặc mỹ từ (số con đường được đặt tên từ thời thành lập Tourane đến trước năm 1997 là 85, gồm 67 con đường được đặt tên danh nhân và 18 con đường được đặt tên đất tên làng hoặc mỹ từ).
Năng lực hội nhập quốc tế
Một thay đổi cũng rất đáng kể của vùng đất Đà Nẵng/Hòa Vang từ sau năm 1997 là năng lực hội nhập quốc tế ngày càng được thừa nhận. Về vận tải đường không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng được xem là sân bay quốc tế thứ ba của đất nước, sau Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Năm 2015, The Guide to Sleeping in Airports - trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới - từng xếp Sân bay quốc tế Đà Nẵng vào vị trí 23 trong bảng xếp hạng 30 sân bay tốt nhất châu Á (năm này Việt Nam còn có Sân bay quốc tế Nội Bài xếp vị trí 28). Năm 2016, The Guide to Sleeping in Airports xếp Sân bay quốc tế Đà Nẵng vào vị trí 29 trong bảng xếp hạng 30 sân bay tốt nhất châu Á (năm này Sân bay quốc tế Nội Bài vươn lên vị trí 19). Đáng chú ý, trong kết quả xếp hạng của Skytrax - một hãng tư vấn đóng trụ sở ở Vương quốc Anh, Sân bay quốc tế Đà Nẵng lần đầu tiên lọt top 10 sân bay được cải tiến nhất thế giới năm 2020.
Về vận tải đường biển, Cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và đang đóng vai trò là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây EWEC - cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết vùng. Cảng Đà Nẵng đã đón không chỉ Chiến hạm USS Curtis Wilbur DDG-54 của Mỹ hồi tháng 7-2004 mà còn đón nhiều chiến hạm cập cảng nhằm bày tỏ thiện chí hòa bình và thể hiện sự ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam về vấn đề Biển Đông nói chung và về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng.
Năng lực hội nhập quốc tế đặc biệt được bộc lộ khi thành phố được tham gia tổ chức các sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước. Khi Hà Nội trở thành nơi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC 2006, cùng với Hội An, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III). Nhận trọng trách ấy, Đà Nẵng đã tích cực chuẩn bị chu đáo trên nhiều mặt. Chẳng hạn, Furama Resort đầu tư 3 triệu USD xây dựng Cung hội nghị quốc tế - địa điểm chính diễn ra các cuộc họp, trong đó có phiên họp toàn thể SOM III. Tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng và Hội An cũng được gấp rút hoàn thành trước ngày khai mạc. Đặc biệt, Đà Nẵng điều phối rất hiệu quả lực lượng “sĩ quan liên lạc” và tình nguyện viên phục vụ hội nghị… Đây cũng là tiền đề để một lần nữa Đà Nẵng được chọn và được giao giữ vị trí trung tâm khi Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã thay mặt cả nước và cùng cả nước đảm đương rất tốt nhiệm vụ này của mình và cái mà Đà Nẵng thừa hưởng từ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính là “thương hiệu Đà Nẵng” được thể hiện hết sức ngoạn mục trong suốt thời gian diễn ra sự kiện ngoại giao - chính trị tầm cỡ này, từ việc bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối cho hàng vạn người tham dự diễn đàn, trong đó có không ít nguyên thủ quốc gia của các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, cho đến những nụ cười Đà Nẵng hiếu khách, thân thiện và khoan dung.
BÙI VĂN TIẾNG