GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN THỨ 14-2021

Lan tỏa tình yêu Hà Nội

.

Nhạc sĩ Hồng Đăng - người có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng những tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, vừa được vinh danh với Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14-2021.

Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội do nhà báo Hồ Quang Lợi,  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo trao tặng. Ảnh: HÒA NGUYỄN
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội do nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo trao tặng. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái khởi xướng từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác văn học - nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Năm nay, Ban tổ chức đã trao 5 giải thưởng trên 4 hạng mục cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải.

Tôn vinh những người suốt đời cống hiến

Trong các hạng mục của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng Lớn là hạng mục quan trọng nhất. Theo quy chế của giải: “Mỗi năm, chỉ có duy nhất 1 đề cử Giải thưởng Lớn được công bố để trao giải” cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”.

Trải qua 13 mùa giải, nhiều tên tuổi đã được nhận Giải thưởng Lớn: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), GS. Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019) và nhạc sĩ Phú Quang (2020).

Trong mùa giải thứ 14-2021, Ban tổ chức quyết trao Giải thưởng Lớn cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ...

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936, quê gốc Yên Thành (tỉnh Nghệ An), ông ra Hà Nội và học khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Ông không chỉ thể hiện tình yêu Hà Nội bằng những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà còn đóng góp đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam, sau đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội và hiện là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Đa số ý kiến cho rằng, trao giải cho nhạc sĩ Hồng Đăng là xứng đáng. Chỉ xét riêng lĩnh vực sáng tác, Hồng Đăng không chỉ viết nhiều ca khúc Người sông Hồng, Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ… mà còn viết cả thanh xướng kịch, nhạc phim cho rất nhiều bộ phim nổi tiếng như “Hoa sữa” (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), “Lênh đênh” (phim Đời hát rong), “Biển hát chiều nay” (nhiều phim về đề tài biển), “Nỗi nhớ đêm đại dương” (phim Những hạt muối của biển), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (phim Những ngôi sao nhỏ), “Không gian xanh” (phim Vùng trời)... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc trao giải cho nhạc sĩ Hồng Đăng là hơi muộn, bởi ở tuổi 85, ông không thể đến nhận giải thưởng. Chính nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng xứng đáng được đề cử từ sớm hơn nữa.

Mạch ngầm

Bên cạnh Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho Triển lãm ảnh và cuốn sách Hà Nội 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Được tổ chức vào tháng 10-2020, triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Cùng với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được ra mắt bạn đọc Việt Nam. 130 bức ảnh màu và đen trắng sắp xếp theo 3 chủ đề: Hà Nội đời thường, Trẻ em thời chiến và Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò đã mang tới cho các nhà nghiên cứu, bạn đọc Việt Nam những hình thần chân thật nhất, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh… Nhiếp ảnh gia Thomas Billhard không đến Việt Nam để nhận giải thưởng này, nhưng qua thư, ông bày tỏ: “Tôi thật hạnh phúc khi những bức ảnh mà tôi đã chụp ở đất nước các bạn 50 năm trước nhận được sự chú ý cho đến hôm nay”.

Ban tổ chức quyết định trao 2 giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội cho 2 đề cử bằng phiếu nhau. Cụ thể: Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội thứ nhất được trao cho Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của Thành phố Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan; giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội thứ hai được trao cho đề xuất Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh do Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.

Còn giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho “Chiến dịch tiêm vắc-xin tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng, chống Covid-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch”. Chiến dịch “thần tốc” tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng đã về đích đúng tiến độ, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô, từng bước nới lỏng giãn cách, dần đưa Hà Nội về trạng thái “bình thường mới”.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.