Covid-19 tác động đến ngành công nghiệp không khói

.

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) vừa dự báo: Đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ USD doanh thu cho ngành du lịch toàn cầu trong năm nay.

Dự báo của UNWTO được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chật vật ứng phó với việc tăng trở lại số ca nhiễm và một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Cùng với đó là biến thể mới của SARS-CoV-2 có tên Omicron xuất hiện, khiến ngày càng nhiều nước tạm thời triển khai các lệnh cấm đi lại để phòng rủi ro.

Một khách du lịch đáp chuyến bay cuối cùng đến sân bay Rabat (Maroc) trước khi chính phủ Maroc ngừng tất cả các chuyến bay từ các nơi trên thế giới đến quốc gia này kể từ ngày 6-12 do lo ngại biến thể Omicron. Ảnh: AP
Một khách du lịch đáp chuyến bay cuối cùng đến sân bay Rabat (Maroc) trước khi chính phủ Maroc ngừng tất cả các chuyến bay từ các nơi trên thế giới đến quốc gia này kể từ ngày 6-12 do lo ngại biến thể Omicron. Ảnh: AP

Phục hồi “chậm”, “yếu ớt”

Giới chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước vẫn đang nghiên cứu, đánh giá nguy cơ từ Omicron, sớm nhất cũng phải vài tuần hoặc vài tháng nữa mới có thể có những thông tin đánh giá chính xác. Tuy nhiên, nhiều nước chọn giải pháp tạm thời hạn chế đi lại tới Nam Phi và các nước ở nam châu Phi. Tính tới thời điểm UNWTO công bố báo cáo (tức đầu tuần này), tổng cộng 46 quốc gia/vùng lãnh thổ (tương đương 21% quốc gia/vùng lãnh thổ toàn thế giới) đóng cửa hoàn toàn với du khách quốc tế. Trong khi đó, 55 quốc gia/vùng lãnh thổ đóng cửa biên giới một phần với du khách, chỉ 4 nước gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế liên quan Covid-19 là Colombia, Costa Rica, Dominica và Mexico.

Theo báo cáo của UNWTO, số lượt khách quốc tế đến các điểm du lịch toàn cầu trong năm nay sẽ duy trì ở mức giảm khoảng 70-75% so với mức kỷ lục là 1,5 tỷ lượt khách được ghi nhận năm 2019, thời điểm trước Covid-19. Mức sụt giảm của năm nay ước tính cũng tương đương năm ngoái.

Theo cơ quan chịu trách nhiệm xúc tiến hoạt động du lịch của Liên Hợp Quốc, năm ngoái, doanh thu ngành công nghiệp xanh toàn cầu đã mất 2.000 tỷ USD vì Covid-19. Đó cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất vì đại dịch.

Mặc dù UNWTO không đưa ra ước đoán về việc ngành công nghiệp du lịch thế giới sẽ hoạt động ra sao trong năm tới, nhưng tầm nhìn trung hạn của họ cũng phản ánh viễn cảnh chưa mấy tích cực. “Bất kể đã có những cải thiện hơn gần đây, tỷ lệ phủ vắc-xin không đồng đều trên toàn cầu và các biến thể virus mới có thể gây ảnh hưởng tới sự phục hồi chậm chạp và yếu ớt của ngành du lịch”, báo cáo nêu.

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng, việc triển khai các lệnh hạn chế đi lại phòng ngừa biến thể mới Omicron và việc tái áp đặt các lệnh phong tỏa phòng dịch ở một số nước trong những tuần gần đây cho thấy “tình huống không thể đoán định” hiện nay của ngành du lịch thế giới. “Đó thực sự là cuộc khủng hoảng lịch sử trong ngành công nghiệp du lịch, nhưng một lần nữa ngành du lịch sẽ có sức mạnh để vượt qua thực sự nhanh”, ông Pololikashvili bày tỏ tin tưởng vào sự hồi phục của ngành ngay trước ngày diễn ra hội nghị thường niên của UNWTO tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 30-11. “Tôi thực sự hy vọng năm 2022 sẽ tốt đẹp hơn nhiều so với năm nay”, ông bày tỏ.

Quá nhiều ẩn số

Không những đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, ngành du lịch thế giới còn phải chật vật tìm hướng đi trong bối cảnh những khó khăn, khủng hoảng kinh tế thế giới - hệ quả đi kèm với dịch bệnh, giá dầu tăng và những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Pololikashvili kêu gọi các nước cần có sự phối hợp hài hòa hơn trong những quy chuẩn và hạn chế phòng dịch áp dụng trong việc đi lại. Theo vị quan chức của Liên Hợp Quốc, các du khách “hoang mang và không biết phải đi lại như thế nào” khi các quy định nhập cảnh đang rất khác nhau giữa các nước.

Hè năm nay, số du khách tới các điểm du lịch đã đảo chiều, tăng lại nhiều hơn tại khu vực bắc bán cầu. Có được điều này là nhờ vào tỷ lệ phủ vắc-xin đã tăng nhanh, nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại cũng như tâm lý tin tưởng hơn với hoạt động du lịch đã được cải thiện, theo đánh giá của UNWTO. Mặc dù đã có sự cải thiện (về du lịch) trong quý 3 năm nay, nhưng tốc độ hồi phục vẫn chưa đều trên thế giới do các mức độ khác về quy định hạn chế đi lại, do tỷ lệ tiêm chủng và tâm lý an tâm của mọi người”, UNWTO nhận định.

Thực tế, quý 3 năm nay, số khách tới một số đảo ở vùng Caribe và Nam Á, cũng như một số điểm du lịch khác ở nam Âu đã tiệm cận so với mức trước dịch. Nhưng vẫn còn nhiều nước, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang chứng kiến không khí đìu hiu của du lịch khi số khách tới giảm 95% so với năm 2019. Nhiều nơi tại khu vực này vẫn đóng cửa với các hoạt động đi lại không thiết yếu.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AFP, NDTV)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích