Cách đây vài ngày, tôi nhận lời mời của một người bạn tham gia trò chơi có tên “Refresh (làm mới) ngôn từ”. Trong một tháng, người chơi đăng lên facebook 20 bài viết ngắn dưới 500 chữ, có nội dung về bất cứ điều gì, miễn không vi phạm những quy chuẩn về thuần phong mỹ tục và đạo đức. Trong mỗi bài viết, tôi có quyền gắn tên một người bạn khác để lan tỏa trò chơi này.
Ngắm những con phố vào sáng sớm để tìm kiếm những điều an vui thật lặng lẽ. Ảnh: PHÚC AN |
Đúng như tên gọi của trò chơi, viết lách đôi khi là cách làm mới mình, nhưng hơn thế nữa, nhiều lúc khác, viết lách còn giúp mỗi người tự tìm lấy một con đường để đi sâu vào bên trong, chạm vào nội tại còn chất chứa những điều thầm kín. Với những tay bút có trách nhiệm và tài năng, viết còn là cách để gạn đục khơi trong, để lan tỏa những giá trị tích cực đến nhiều người khác.
Như cá gặp nước, tôi phấn khích tham gia trò chơi. Tôi viết về cây cỏ, hoa lá trong vườn nhà, về những buổi chiều có gió êm ả đi ngang cánh đồng. Một buổi trưa cúp điện khiến không khí trở nên ngột ngạt và gia đình đặc quánh trong im lặng cũng là duyên cớ để tôi gửi đi thông điệp về sự kiên nhẫn.
Mỗi bài sau khi đăng thường nhận được gần trăm lượt like (thích), dăm ba chục comment (bình luận). Bạn tôi bảo, mấy hôm nay dịch dã nên đang ở nhà tự cách ly, may có mấy topic (chủ đề) nho nhỏ dễ thương của tôi để đọc, thấy đời chợt dễ thương và dễ thở hơn rất nhiều.
Đôi khi thế giới online giống như một xã hội thu nhỏ, bạn quan tâm điều gì thì nguồn năng lượng mà bạn tỏa ra tương thích với điều đó. Thuật toán của facebook sẽ đẩy đến cho bạn những nội dung tiệm cận với điều mà bạn tìm kiếm.
Thật may, tôi và người bạn của tôi chỉ thích cái đẹp, thích những điều lặng lẽ và an yên nên từ cửa sổ nhà mình, ngày ngày chúng tôi vẫn thấy ngan ngát một màu xanh. Màu xanh ấy không chỉ dịu mát ở nơi chúng tôi đang đứng, mà nó còn mang đến hương thơm, tựu thành quả ngọt trong lòng mọi người. Liệu còn sự trao đi nào vui hơn thế?
Liên quan đến việc viết lách, nhớ có lần tôi từng hỏi chị - một biên tập viên phụ trách chuyên trang “Một Ngàn Chín Trăm Hồi Đó” trên một tờ báo: “Những chuyên mục như thế này có khả năng thu hút độc giả không, khi nó chỉ chuyển tải những tản văn dạng hoài niệm, cảm xúc về những điều cũ kỹ. Mọi người bây giờ dường như sống nhanh, sống gấp”. Chị trả lời: “ Chỉ cần bản thân mình có giá trị thì khán đài nào cũng đông đúc. Những điều gì càng xưa lại càng xúc động, càng hay. Em chưa biết đấy thôi, chứ độc giả của trang toàn là khách ruột, báo chưa ra kịp thì họ còn ngóng đợi nữa đấy”.
Trong cuộc sống, mỗi sự vật, hiện tượng, câu chuyện đều có cách bày tỏ của riêng mình. Những điều gì càng mới mẻ thì càng bóng bẩy, rực rỡ màu sắc. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là những điều gì cũ xưa kém phần đẹp đẽ, chúng cũng có cách khoe sự lộng lẫy của riêng mình.
Như cách mà tôi và một vài bạn học cũ, mỗi khi có dịp trở về thành phố thường chạy xe dọc những con đường để tìm cho kỳ được những quán ăn bình dân và ám khói. Phần lớn trong số chúng đều đã rất già. Những hàng quán này luôn có những dấu hiệu thật riêng biệt mà chỉ khách quen mới đủ tình cảm để âu yếm, nâng niu. Đó là những cái tên mộc, dễ nhớ: “Quán phở mệ Thìn”, “ Bánh canh o Tí”, “Lẩu bò anh Ba”, “Bún riêu cua chị Tẻo”; đó là cách sơ chế, nấu nướng công phu và rất lành vị. Kiểu như nước phở thì không bỏ nhiều đường và hoa hồi mà là nước ninh xương bò kéo dài trong nhiều tiếng hay để có bún riêu bắt miệng thì phải tỉ mẩn chuẩn bị đúng gạch rạm đồng...
Tìm đến những góc quán quen, với chúng tôi, đâu chỉ là để thưởng thức món ăn mà còn để hít hà mùi khói, để ngắm nhìn một bờ tường cũ kỹ phủ đầy rêu, để hỏi han một người bà, người chị đã qua bao mùa mưa nắng đời người. Chúng tôi đến quán như đang trở về nhà.
Mỗi sáng, ta thức dậy và cho đi những điều an vui thật lặng lẽ. Mỗi sáng, thức dậy để kiếm tìm những điều cũ xưa, thân thương thật lặng lẽ. Lặng lẽ chính là một món quà mà chỉ khi dành đủ thời gian, chúng ta mới có thể đón nhận được.
MINH THI