Quả ngọt kết hoa chốn biên thùy

.

Giữa sắc xanh chen lẫn sương mù, những cánh rừng biên giới Việt - Lào vắt qua huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) thời điểm cuối năm nổi bật bởi sắc vàng của những cây cam núi Gary mùa sai quả.

Chàng trai trẻ Ríah Dung, Bí thư Đoàn xã Gary, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), người đã tạo ra mạng lưới giải quyết đầu ra cho cây cam quê mình.
Chàng trai trẻ Ríah Dung, Bí thư Đoàn xã Gary, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), người đã tạo ra mạng lưới giải quyết đầu ra cho cây cam quê mình.

Thứ cam có vỏ dày màu vỏ vàng đậm, hương cam thơm ngào ngạt và mọng nước xứng danh đặc sản núi rừng Tây Giang ngày nay mang theo hy vọng đổi đời cho đồng bào Cơ tu nơi đây.

Sắc cam nơi núi rừng biên giới

Đi trên các nẻo đường liên thôn, đường lên rẫy hay lối vào các ngọn đồi xã Gary những ngày cuối năm không khó để bắt gặp hình ảnh nổi bật của cây cam núi. Giữa sương mù và hơi lạnh núi rừng, những cây cam trĩu quả chín vàng rực rỡ.

Quả cam núi Gary trông không giống bất cứ loại cam nào tại các tỉnh miền Trung hay các vùng miền khác, bởi màu sắc và hương vị đặc trưng. Không ai biết cây cam Gary có nguồn gốc từ nơi nào, sinh sôi từ bao giờ, chỉ biết cứ vào tháng 11 và 12 hằng năm thì cả ngàn cây cam sai quả chín rộ, làm thức quà cho bà con thưởng thức lúc nông nhàn. Cụ Ríah Nhóot, già làng Cơ tu, xã Gary, bảo rằng cây cam núi có lẽ đã mọc tại nơi này cả trăm năm trước. Nay có những gốc cam tuổi đời tới vài chục năm, cây càng già thì quả càng ngon ngọt.

Chỉ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 170km nhưng người đi xe giỏi cũng mất gần một ngày mới tới được Gary. Mùa cam chín lại trùng mùa mưa lũ, con đường chênh vênh như sợi chỉ mỏng kết nối nơi này năm nào cũng sạt lở vài bận, giao thông với bên ngoài thật khó khăn. Những năm trước, người thưa mà quả nhiều, cây cam chín rục rồi rụng quả đầy ra gốc, người dân không buồn thu hái.

Nhưng từ mùa cam năm 2021, những quả cam núi đã bắt đầu hành trình về xuôi, đến với người tiêu dùng thành thị tại Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. Sự chuyển biến đó có đóng góp rất lớn của Ríah Dung - Bí thư Đoàn xã Gary, chàng thanh niên mang khát vọng biến cây cam thành cây trồng chủ lực, giúp bà con quê hương thoát nghèo.

Ríah Dung ý thức được quả cam Gary có đủ mọi yếu tố của loại quả ngon, chỉ thiếu đầu ra. Với kiến thức và các mối quan hệ của mình, Ríah Dung tập hợp bà con vào một mạng lưới để tạo ra nguồn cung đủ lớn. Tiếp đó, anh vào mạng quảng bá giống cam Gary và kết nối với các đối tác từ Đà Nẵng, Tam Kỳ đưa xe lên tận nơi thu gom tiêu thụ. Ngay trong vụ mùa đầu tiên, Ríah Dung và bà con đã thắng lớn với khoảng 40 tấn cam được bao tiêu sạch sẽ. Không chỉ bày bán nơi vỉa hè hay các chợ, quả cam Gary còn có chỗ đứng trên kệ các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ.

Mơ về vùng cam Gary rộng lớn

Tiết trời cuối năm là lúc cây cam núi Gary chín vàng trên dãy Trường Sơn.Ảnh: TRẦN THẮNG
Tiết trời cuối năm là lúc cây cam núi Gary chín vàng trên dãy Trường Sơn. Ảnh: TRẦN THẮNG

Sở hữu 150 gốc cam, ông Ríah Vúc (60 tuổi, ở thôn Ating, xã Gary) năm nay mới biết ngoài nuôi bò thì trồng cam cũng hái ra bộn tiền. Mùa cam đầu tiên tham gia chuỗi cung ứng của Ríah Dung, ông Ríah Vúc đã thu cả chục triệu đồng. Vuốt phẳng mấy tờ tiền bán cam trên tay, ông Ríah Vúc bảo sẽ dành để trả công thợ còn mắc nợ lúc xây căn nhà mấy năm trước.

Trong khi đó, chị Ríah Thị Câu (31 tuổi, ở thôn Arooi, xã Gary) cười tươi khi nhận tiền bán mấy tạ cam. Từ nay, chị sẽ không lo lắng cái ăn, cái học của các con nữa. Nhờ cây cam, các con sẽ có thêm tập vở, bộ quần áo mới để xúng xính đến trường với bạn bè. Hơn 200 hộ dân tham gia mạng lưới của Ríah Dung sẽ có cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn từ chính những gốc cam vườn nhà.

Ríah Dung không giấu tham vọng về một vùng cam Gary Tây Giang rộng lớn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Con đường thật dài, nhiều chông gai nhưng đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Bên cạnh những gốc cam già, anh và bà con đã trồng mới thêm 240ha cây cam con và đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng cam lên 1.000ha, trồng sang các xã bên cạnh. Những bà con có chung chí hướng thoát nghèo từ cây cam được Ríah Dung hỗ trợ cây giống miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, tham gia mạng lưới cung ứng của anh. Những gốc cam mới trồng nay đã xanh tốt trên các cánh rừng biên giới, mang theo ước vọng làm giàu lúc tiết trời sắp vào Xuân.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, do đường sá xa xôi, thương lái e ngại chi phí vận chuyển cao nên những năm trước, mỗi khi tới mùa cam, huyện phát động cán bộ, công chức mua cam giúp dân mỗi người vài tạ. Bài toán đầu ra cho cây cam khó giải trong nhiều năm vì tư thương mua cam với giá thấp thì bà con không bán, còn mua theo giá thị trường thì không mua nổi vì chi phí vận chuyển cao. Do đó, có thời gian huyện chủ trương hỗ trợ cước vận chuyển, khuyến khích tư thương lên mua cam. Theo ông Mia, huyện Tây Giang đang tính toán cơ chế đặc thù như miễn giảm thuế để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, thu mua hàng nông sản, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Giống cam có nhiều đặc điểm quý

Nhóm chuyên gia Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phân tích các chỉ số sinh hóa cho thấy hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả cam Gary Tây Giang khá cao, đạt 10,2%. Hàm lượng nước quả đạt 71,8ml/quả, hàm lượng vitamin C đạt 35,91 mg/100g. Quả cam có màu vàng tươi, vị ngọt đậm và rất thơm. Những đặc tính nổi trội về chất lượng quả cho thấy sự khác biệt mang tính bản địa của nguồn gen cam Tây Giang. Ngoài ra, cây cam có năng suất quả cao, chống chịu tốt với điều kiện khô hạn, dễ canh tác, vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nên có thể khai thác theo hướng ăn hoặc chiếc xuất tinh dầu, làm mứt…, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.

TRẦN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.