Huế là xứ sở của những cơn mưa. Và mưa cũng làm nên nét đặc trưng của Huế. Ai từng đến Huế, ở Huế, đều biết mưa Huế. Huế có những ngày mưa ào đổ, giống như phương nam. Có khi là cơn mưa tầm tã, nhà và phố ngập chìm trong nước. Cảnh vật Huế có thể thay đổi, song có một cái không thay đổi, nếu phải thay đổi thì không còn là Huế, đó là mưa.
Mưa làm nên nét đặc trưng của Huế. Ảnh: DOÃN QUANG |
Mưa Huế không giống mưa Hà Nội. Mưa Huế không giống mưa Sài Gòn. Nghĩa là mưa Huế rất Huế. Nỗi niềm chi rứa về Huế, trước hết là nỗi niềm về những cơn mưa Huế. Tố Hữu trong Nước non nghìn dặm, nhớ Huế là nhớ mưa: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
Nguyễn Bính, những ngày tháng tha hương, đến Huế, ở xóm Ngự viên, đã viết Trời mưa ở Huế (1941), thốt lên: Trời mưa ở Huế sao buồn thế!/Cứ kéo dài ra đến mấy ngày. Điệp khúc này lặp lại đến 4 lần, khắc sâu thêm đến mưa Huế buồn, mưa Huế dài.
Và, điều nữa, điều mà mọi miền khác không thấy, chính là mưa Huế có màu, có sắc. Màu sắc ấy chính là sự khuếch tán ánh sáng theo quy luật vật lý, tạo nên nét riêng về mưa Huế. Nói như GS. Lê Bá Thảo, người con của Huế, đó là Nhịp điệu đặc sắc của tự nhiên (Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục, 1977, trang 14). Đặc điểm địa lý tự nhiên này vừa đa dạng, vừa tương phản, vì thế, đã làm nên một sắc thái của Huế.
Phương Xích Lô và Bảy màu mưa Huế
Người nhận ra sắc màu của những cơn mưa Huế là Phương Xích Lô. Phương Xích Lô tên thật là Nguyễn Văn Phương (SN 1951 tại Thừa Thiên Huế), làm thơ và đăng trên nhiều báo, mất vào năm 2002 tại Quảng Trị. Ngày trước, ở Huế, nhắc Nguyễn Văn Phương, ít người biết đến, nhưng Phương Xích Lô thì trong giới hành nghề xích-lô, giới văn nghệ sĩ đều biết. Đó là gã làm thơ tự nhận đệ tử Bùi Giáng.
Một bài thơ của Phương Xích Lô được nhiều người yêu thích là Bảy màu mưa Huế. Bài thơ có 4 khổ, 16 câu. Khổ nào cũng có màu và bắt đầu từ “Anh dắt em về”. Mỗi lần “dắt em về” là mỗi lần mưa Huế thay màu. Bài thơ nói bằng giọng Huế, đúng kiểu Huế. Huế không nói “đưa” mà là “dắt”. Dắt qua những ngã đường xanh lá, những cảnh trí xưa cũ, rồi chia tay, em vào nhà với mạ. Bắt đầu từ cơn mưa đầu hạ: Anh dắt em về cơn mưa đầu hạ/ Mưa đỏ bên đường hay ánh phượng soi?/ Tóc em ướt mềm như từng ngọn lá/ Chiếc nón bài thơ em để mô rồi?
Hạ về. Ở Huế, có những con đường hoặc một góc phố, vào hè, phượng thắm đỏ, rực rỡ. Một màu đỏ khó quên của huyết phượng, đỏ cả một cung đường, một góc phố, một khoảng trời. Vào hè, nhiều cây ra hoa như bằng lăng, điệp vàng, muồng hoàng yến. Song, với Huế, phượng vẫn là gam màu nổi bật nhất. Thêm cơn mưa, mưa rơi trên những cánh phượng, mưa ánh lên sắc đỏ giữa bầu trời, khiến sợi mưa lung linh kỳ ảo. Chiếc nón bài thơ em để mô rồi, không che cơn mưa hay chỉ là một câu hỏi tình tứ khi nhìn những sợi tóc mềm, mềm như từng ngọn lá của em. Chao ôi “mô rồi”, thương quá cái giọng Huế trữ tình!
Khổ thứ hai, chỗ lạ của những câu thơ này, đó là sự pha màu của thi sĩ - họa sĩ. Bắc qua sông Hương, có nhiều cầu. Cầu mới, cầu Phú Xuân, cây cầu nối hai bờ, hai khu vực sinh hoạt của nội thị, nhà thơ đã nhìn từ xa đến gần, màu sắc đan xen nhau: Anh dắt em về ngang qua cầu mới/ Mưa đen trên trời, mưa tím dưới sông/ Áo trắng em chừ như tranh lập thể/ Ai đã tô lên những mảng mây hồng ?
Lần này, Anh dắt em về ngang qua cầu mới, màu đen của những đám mây vần vũ trên trời và màu tím ở dưới sông. Một sự tương phản. Màu tím của bầu trời hay màu tím của những chiếc áo dài thướt tha trên những con thuyền qua lại trên sông. Không rõ. Song, có điều chắc chắn là, tím, một-màu-riêng của Huế. Sắc tím Huế, một nét dịu dàng, đằm thắm, một ám ảnh khôn nguôi, một khung trời thương nhớ, một sâu kín, lắng trầm, một sắc lạnh ngẩn ngơ... tạo hóa ban cho Huế và những người con gái Huế. Nói đến Huế, không thể không nói đến màu tím.
Điều đặc biệt của khổ thơ là nhà thơ nói đến bức tranh lập thể, sao vậy? Chúng ta biết, tác phẩm của họa sĩ lập thể, các bề mặt của mặt phẳng giao nhau không theo quy tắc phối cảnh, nên tính đồng hiện làm bức tranh có chiều sâu. Ở đó, người họa sĩ nhìn hiện thực theo hướng tập hợp, chia thành các mặt khác nhau, các góc cạnh khác nhau. Khổ thơ là sự hòa điệu của các màu: đen, tím, trắng và hồng, làm nên một bức họa về thiên nhiên, đa sắc, vắt qua cây cầu và dòng sông. Đấy chính là bức tranh lập thể về Huế.
Tiếng nói của thương yêu
Đến khổ thứ ba, khi qua Đại Nội, khi dọc Hoàng thành, nhà thơ mới nói đến “con đường tình yêu”. Hoàng thành nằm giữa thiên nhiên, nối nhau với các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, những hàng cây lưu niên, những mái ngói lưu ly... tạo nên một màu xanh ngút mắt, dịu dàng, cổ kính nằm dưới bầu trời, tất cả như bừng tỉnh, sau bao lớp rêu phong hưng phế, thức dậy, cùng với mưa xanh, đã đánh đắm tâm hồn của những người đang yêu.
Trong Đại Nội, cây cỏ hoàng cung chỉ xanh và xanh, màu chủ đạo này là nét riêng đáng yêu của Huế: Anh dắt em về ngang qua Đại nội/ Con đường tình yêu chạy dọc Hoàng thành/ Những đám rêu xưa giật mình tỉnh giấc/ Đắm hồn mình trong những giọt mưa xanh.
Khổ thơ cuối, cả hai dắt nhau về nhà xưa vườn cũ. Ta lại gặp nét riêng của Huế. Vườn Huế. Không gian Huế là không gian vườn, nhà Huế là nhà-vườn. Người Huế gắn với vườn. Vườn Huế là nơi trú ngụ, nơi gửi gắm khát vọng giao hòa giữa con người và tự nhiên. Vườn Huế là bài thơ đồng nội, gần gũi, thơm thảo, đôn hậu của một đời người, một bóng mát đi về, nương náu của bao tâm hồn xa xứ. Nơi bài thơ, nhà xưa vườn cũ, một tiếng nói của thương yêu.
Lại thêm, những đóa hoa vàng ánh sắc trong mưa, khiến các câu thơ lấp lánh, mới mẻ. Thương hơn, đó là, em vào với mạ, còn anh, với mây trắng nhạt nhòa, lang thang tiếp trên những nẻo đường của tình yêu: Anh dắt em về nhà xưa vườn cũ/ Những đóa mưa vàng lấp lánh trên hoa/ Chia tay trước nhà em vào với mạ/ Riêng anh lang thang mưa trắng nhạt nhòa.
Phương Xích Lô là người đưa màu sắc của những cơn mưa Huế vào thơ, thi vị hóa những sợi mưa Huế một cách độc đáo, khiến bao người mãi nhớ, mãi yêu. Chiếc xích-lô ba bánh, bốn mùa mưa nắng, qua những nẻo đường phố Huế, đã gửi lại cho đời một bài thơ hay và lạ. Một bản tổng phổ về sắc màu của những cơn mưa Huế, về mối quan hệ đằm sâu giữa con người và cảnh sắc quanh ta, thiên nhiên gần gũi, trở thành một nơi chốn đi về, náu đậu của tâm hồn bao thế hệ yêu Huế.
Nhớ Huế, nhớ mưa là nhớ Bảy màu mưa Huế của một nhà thơ rất đỗi mến thương, có tên dân dã: Phương Xích Lô.
NGUYỄN VĂN PHƯƠNG Bảy màu mưa Huế Anh dắt em về cơn mưa đầu hạ |
HUỲNH VĂN HOA