1.Xóm nhỏ Đông An quê tôi ngày ấy như một hòn đảo xinh xinh nằm giữa vòng tay bao bọc bởi những con sông nhỏ: Sông Trên nối sông Cùng ôm nước đập Ông Khương xuôi về cầu Hào bắc lên xóm Chợ; sông Ngoài tiếp sông Trên từ mặt dưới đập Bà Nang uốn lượn ôm trọn phía dưới xóm, giáp xóm Lưới Thôn Ba, có cầu Ngân, cầu Xuổng đi qua dốc Hầm Ích, Khương Thọ của Tam Hiệp; chảy một vòng quanh quanh ôm trọn phía mặt trời mọc của xóm là con sông Trầu ầm ĩ đục ngầu mùa nước lũ nhưng lại rất êm đềm trong xanh khi trời lập xuân, làm nên một vòng cung nước nhẹ nhàng ngăn cách xóm nhỏ Đông An với Thôn Ba, có cầu tre vườn Giồ, cầu khỉ Ông Phùng bắc qua đồng Phú Quý, sau chia xã thuộc xã Tam Mỹ Đông bây giờ…
Đoạn sông Thu Bồn chảy qua Hội An được gọi là sông Cái hoặc sông Hội An. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Ba dòng sông nhỏ gặp nhau, tụ họp lại phía cuối xóm, cùng xuôi về con đập Giang Trai để tiếp tục làm nên cuộc hành trình miên viễn về phía cầu Bà Dày, cầu Bến Ván rồi hòa vào dòng Trường Giang từ phía bắc luôn dạt dào thủy chung với cuộc trường chinh mênh mang nước lành đổ dọc khúc ruột xứ Quảng, ầm ào đổ về cửa An Hòa, tuôn ra biển lớn từ mấy ngàn năm nay…
Là người xứ ngụt ngàn núi, chúng tôi lại may mắn được sinh ra và lớn lên giữa những dòng sông nhỏ. Sáng thức dậy đã hít thở làn gió sớm từ phía những bờ sông. Trưa ngóng ra bờ sông đón làn gió mát lành mong vợi mồ hôi khi mải miết tát nước, gánh phân dọn bờ cuốc ruộng gặt lúa. Tối vào giấc ngủ mê mệt sau một ngày làm đồng đi núi lội sông cùng với cơn mơ nồng đậm vị hương đồng gió nội ngọt ngào và những ảnh hình xôn xao lay động của con sông quê êm đềm.
2.Ông nội tôi thường kể rằng, khi ông còn nhỏ, những con sông quê bao bọc xóm tôi có rất nhiều tôm cá, ăm ắp các loại cá đồng, rắn rùa, rái cá, bìm bịp, mỏ nhác, chim cuốc… quanh năm. Mỗi năm, khi lụt đầu tháng Mười về, các loại cá lớn nhỏ, nhiều nhất là cá rô, cá tràu, cá mương, cá lúi, cá gáy, cá leo, chình… từ nguồn hăm hở đua nhau theo con nước lũ tràn về đẻ trứng. Bà con tay lưới tay nơm ùa ra đồng bắt mỏi tay không kịp; câu cặm, chà vi, lờ cắm thả xuống một lúc phải vội vàng đi vớt vì tôm, cá cua thi nhau chui vào chật cứng giãy giụa, phá nát cả mấy nan tre già hong khói được chúng tôi kỳ khu gọt đẽo, đan bện làm câu lờ chà vi. Mấy miếng ruộng nếp bên bờ sông đang trổ đòng đòng, cá ào ạt xô vào ăn, chỉ cần lấy cuốc chặn bờ tháo nước ra là trơ lại cả một vũng cá đồng tươi rói phơi mang thở giãy đành đạch, bắt gánh về từng thúng, từng thúng, cả xóm ăn không hết.
Cá thúng thời ông nội kể tôi chỉ được nghe, nhưng mùi cá rô mề đồng nướng trên bếp lửa củi mù u cay chảy nước mắt thì tôi đã được thưởng thức. Con cá rô to đùng còn giãy đành đạch, mà mỡ đã nhỏ tràn xuống tắt bếp, một mùi thơm kỳ vĩ bắt đầu theo khói và gió tỏa ngây ngất khắp xóm. Cái mùi thơm cá rô đồng nướng buổi ấy, khi gió lạnh mùa đông đã quần thổi, mưa đông đã giăng mịt bầu trời sau một ngày lội đồng bắt cá nước lũ đầu mùa về co ro bên bếp lửa rực đỏ, thật tình tôi không thể tả được, mà sau này và bây giờ cũng không còn có thể tìm ra ở bất cứ nơi đâu, dù nó vẫn luôn thơm ngát trong ký ức tuổi thơ…
3. Nhưng lũ đầu mùa chỉ có một lần trong năm.
Để luôn có cá đồng ăn, chúng tôi đi cắm câu đặt lờ thả chà vi quanh năm.
Chuyện bữa cắm câu đầu tiên, tôi viết lại trong Triền sông thơ ấu, được NXB Kim Đồng chọn làm tên chung cho tập truyện, chính thực là câu chuyện bữa đầu tiên trong đời năm lớp 6, tôi hăm hở hối… mẹ đi cắm câu với tôi, cùng sự chỉ bảo, la rầy rất kỹ mà thiệt là khó tiếp thu bằng cách hoa tay múa chân liên hồi của bác Sáu vốn bị bệnh câm điếc bẩm sinh mà rất vui tính, ham làm, rành đủ thứ nghề như cha tôi, và đặc biệt luôn… thương nhất thằng cháu vụng về, chỉ biết suốt ngày ngồi một xó đọc sách, học bài.
Để chuẩn bị buổi chiều tối đi cắm câu, từ sáng hay chớm chiều, tôi, Út Kỳ Ba Châu và mấy anh em trong xóm đã chạy qua đồng Phú Quý lội ruộng bắt rốc, men bờ chụp nhái làm mồi. Nhái rốc nhiều vô kể, mò xuống gốc rạ hay lúa non là quơ lên một đống ngọ nguậy, chắc khừ. Đám rốc, tức cua đồng bây giờ, là đặc sản đắt giá, chứ hồi ấy chúng tôi đố thèm ăn dù đói meo quanh năm. Khi nào nổi hứng mới đốt lửa nướng hoặc kẹp rau má, băm ra đổ trứng vịt ăn chơi, mà cũng rất mau ngán, lại dễ bị say, chóng mặt, đau đầu liền mấy ngày nên cũng chẳng đứa nào thích.
Có bữa, tôi và Út Kỳ lội đồng Nuộc cắm câu. Cứ hắn cắm một cần thì tôi một cần men theo bờ sông Ngoài. Mờ sáng hai thằng hú nhau đi giở, cần hắn cắm trước luôn chỏng chơ trơ mồi, cần tôi cắm sau lại giãy đành đạch cá tràu, cá leo, cá chình…, gỡ muốn đuối tay. Cả trăm cần đều vậy.
Hãi hùng nhất là lần hai thằng cắm câu trên đồng sông Trên ngày cuối chiến tranh. Tối mịt hai thằng cắm hết câu lọ mọ về tới đồng Bộng thì gặp anh Bảy Quyền trong xóm Nghĩa quân vác súng lên đồn 36 gác. Sáng hôm sau, tôi vốn sợ ma, không kêu Út Kỳ được nên hối mẹ dẫn đi giở câu. Hai mẹ con vừa ra tới đám ruộng sau nhà thì bỗng nhiên hoảng hốt nghe đạn nổ loạn xạ um trời trên phía xóm Trong, hai mẹ con hớt hãi chạy vào nhà lại.
Một lúc sau, cả xóm bàng hoàng nghe tin anh Bảy Quyền bị đạn bắn chết trên xóm Trong, mới được khiêng về. Anh Bảy là chàng trai hiền nhất xóm, vừa lấy vợ mấy năm, nghe nói khi đi Nghĩa quân gác tối, anh luôn tháo chốt lựu đạn ra trước khi cài lựu đạn giăng bẫy phòng du kích theo lệnh chỉ huy…
4. Sông quê chảy hiền hòa nhưng cũng có những khi trở giận, cuồn cuộn cuốn trôi mọi thứ, nhất là khi con người vô tình tệ bạc với dòng sông…
Những mùa nước lũ ngập chân cầu, mẹ tôi vẫn thường đi theo tôi rồi dừng lại ở đầu cầu Giồ, lớn lên chút nữa là cầu Ồng Phùng, cầu Ngân trông theo tôi lội nước men theo bờ ruộng xuống đập Giang Trai hay trèo qua Hầm Ích xuống thị trấn đi học. Ấy vậy mà có lần hồi lớp 5, tôi trượt chân té cầu Giồ, nghe ùm một cái đã thấy tối tăm mặt mũi chung quanh toàn nước. May mà lúc đó biết bơi, tôi tự mình trồi lên bới bám chân cầu ì ạch leo lên. Hồi lớp 10, trời tối thui, đi học dưới thị trấn lội bộ về, nước lũ tràn đập, tôi trượt chân ngã ào xuống phía dưới đập Giang Trai, báo hại Út Kỳ kêu ơi ới mấy anh bộ đội đóng quân gần đó nhào hết xuống đạp vớt lên khi tôi đã… lóp ngóp bơi vô chân đập. Rồi tôi nghịch ngợm té mương ngã ao khi mới biết đi, biết chạy; lớn chút nữa đi bắt cá bị nước cuốn, cắm câu lội lũ bị trôi không biết bao nhiêu lần.
Khi xa quê, chúng tôi mang theo trong tâm hồn mình ký ức về những dòng sông nhỏ quê hương, cả những ký ức làm run rẩy tuổi thơ này.
5. Nhưng tràn ngập trong lòng vẫn là những ký ức đẹp, vui với sông quê.
Vui nhất là những dịp chuyển mùa sang xuân, khi trời đã ấm lên sau những ngày đông mưa gió lạnh lẽo, dằng dặc, khi đập Ông Khương, đạp Bà Nang mở tràn, nước các dòng sông được xuôi chảy trở nên trong veo, là mùa lũ trẻ con chúng tôi suốt ngày chạy nhảy ra sông tắm sông nghịch nước đùa giỡn chí chóe inh trời. Lũ trẻ chúng tôi không học bơi theo cách bắt chuồn chuồn cắn rốn như các nơi, mà các anh lớn cứ rình rình ôm choàng lấy, quăng ùm ra giữa dòng sông, rồi một là no nước, hai là… biết bơi! Lần bơi đầu tiên của tôi là cái ôm điếng người quăng mạnh ra giữa sông hình như của anh Tám Nhung hay Hai Trung, Ba Đạo gì đó, quăng tôi rơi tủm giữa dòng sông Trầu, sau một hồi sặc nước ngộp thở tôi lóp ngóp trồi lên và… bơi được!
Lớn lên rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ con người ta vào đời nhiều khi rất cần những cái ôm quăng ùm như thế để… bơi lặn với dòng sông đời!
Và những con sông quê xóm nhỏ Đông An ngày ấy bây giờ vẫn thường dịu dàng thổn thức trong những cơn mơ tôi:
Con sông nhỏ bây giờ còn ai
Lũ đầu mùa trong tôi vẫn chảy
Tôi giật mình lắng nghe cá quẫy
Trong dịu dàng thổn thức cơn mơ
(Sông nhỏ, 1998 - Nỗi lan tỏa của ngày, NXB Văn học, 2004)
NGUYỄN KIM HUY