-Con ra ngoài biển xem bạn trai đi lượm ve chai kìa!
Vừa đi chợ về, chưa kịp đặt chiếc giỏ xuống, Diệu nghe mẹ nói. Cô ngạc nhiên, vì lúc sáng cô ra chợ, anh nói đi loanh quanh ngắm cảnh cho biết quê cô, chớ lượm ve chai gì đâu. Diệu vội ra bờ biển, theo hướng mẹ chỉ. Cô bỗng ngồi xuống, ôm bụng cười ngặt nghẽo. Dáng anh cao lòng khòng, đang kéo theo bao tải đựng rác, chốc chốc lại cúi xuống, nhặt lấy những vỏ chai nhựa, mảnh lưới vụn... trên bờ. Có lúc, anh loi choi chạy xuống mép nước, vớt những bao nilon bị sóng đánh dập dềnh. “Cái tật, không bỏ được!” - Cô trách yêu trong lòng.
Cô quen Minh ở trường đại học. Cô bị hấp dẫn bởi người con trai hoạt bát, nhanh nhẹn, năng nổ trong các hoạt động phong trào sinh viên của trường. Trên mọi mặt trận, ít thiếu bóng anh. Nhưng có lẽ “món” anh khoái nhất là... dọn vệ sinh môi trường. Lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường, anh cùng nhóm bạn xăng xái tham gia công tác tuyên truyền và cùng nhặt phế liệu, phân loại rác thải..., không từ nan việc gì. Cô và anh quen nhau, yêu nhau cũng từ những buổi đi dọn rác như vậy. Nhưng khi yêu nhau rồi, cô mới biết, Minh thuộc hàng “thiếu gia”, cha mẹ anh là thương nhân giàu có ở thành phố lớn nhất nhì miền Trung này. Lúc đó, cô đâm ngại, vì mình chỉ là một đứa con gái gia đình ngư dân nghèo khó ở miệt hải đảo xa xôi, với tới Minh như “đũa mốc chòi mâm son”. Đôi lúc cô mắc kẹt trong nỗi mặc cảm ấy. Minh chỉ cười, bảo: Cũng chưa biết ai là “mâm son”!
***
Chờ cha tắm rửa xong xuôi sau chuyến đi biển sáng về, Diệu dọn mâm cơm nóng hổi lên bàn. Cả nhà ríu rít ngồi vào bàn, không khí thêm phần vui vẻ bởi con gái đi học ở xa về; nhưng cũng giữ một khoảng lặng bởi sự có mặt của chàng trai phố thị. Mẹ Diệu xởi lởi xới cơm cho Minh: “Nhà ăn đạm bạc, chỉ mấy món tươi ở quê vậy đó con!”. Minh “dạ” đáp lễ, rồi quay qua ông Hương như gợi chuyện: “Hôm nay đi biển vui không bác?”. Ông Hường mệt lã người sau chuyến đi biển xuyên đêm, làm nhẹ ly rượu thuốc, từ tốn: “Biển giã ngày càng cạn kiệt. Bữa nay chỉ được vài con tôm hùm nhí, bán luôn rồi về! Không như trước đây, dù cuối mùa, nhưng bà con ngư dân mỗi ngày lặn bắt cũng được hàng chục, có khi cả trăm con tôm hùm giống; sáng ra thương lái đã chờ chực sẵn trên bờ lập chợ, mua bán xôn xao. Hồi đó làm ngày ăn cả tháng…”. “Dạ, con nghĩ rồi biển cũng ngày càng cạn kiệt, không chỉ do sức đánh bắt ngày càng lớn mà quan trọng nhất là ô nhiễm. Ngư dân mình đã quen xả rác thải xuống biển, không biết chính điều đó hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến các loài sinh vật là nguồn nuôi sống họ bao đời nay”. Ông Hường đặt chén cơm đang và dở xuống bàn, trầm ngâm: “Anh nói đúng rồi! Nhưng thử hỏi ai nghĩ ra, làm ra mấy thứ đó để ngư dân thải xuống biển? Ngư dân xứ này bao đời trước đâu có biết đến ghe máy, rò điện, máy sục hơi, đèn cao áp; rồi túi nilon, chai nhựa… Tiện lợi quá chừng! Bà con ngư dân thấy cái chi tiện thì dùng thôi. Mấy thứ đó ở đâu ra?”. Diệu nhìn cha, rồi khều nhẹ chân Minh dưới gầm bàn. “Chiều con dẫn bạn ra chỗ bờ kè coi thử. Không chỉ người dân xứ này xả ra, mà rác thải từ các nơi khác theo sông, theo sóng… dồn về, đầy ứ ra đó, làm sao xử lý hết!” - Thấy mình dường như quá lời, ông Hường dịu giọng, bưng chén và nốt chỗ cơm…
Không đợi đến chiều, sau bữa cơm, chờ Diệu rửa chén bát xong, Minh hối ra chỗ bờ kè mà ông Hường chỉ, như một cách chuộc lỗi vì sự hớ hênh trong ăn nói của mình. Hai người đạp xe dưới những rặng dừa xanh mát, ra phía kè biển. Dưới cái nắng lấp lóa đầu hè, đập vào mắt Minh là một bãi rác thải nổi dập dềnh trên mặt nước: bao nilon, lưới, ván gỗ, vỏ chai nhựa, vỏ dừa… đủ màu sắc và không thiếu một thứ gì. Váng dầu nổi lên, đen sệt. Mấy con mòng biển chao xuống đớp mồi rồi vụt bay lên, như sợ bẩn lông. Mùi xú uế theo cơn gió xộc thẳng vào mặt. Dù đã quen với cảnh này trong những lần đi tình nguyện dọn vệ sinh môi trường bãi biển, khu dân cư… nhưng Minh vẫn rùng mình.
***
Chiều buông, tỏa những ráng vàng nhẹ lên bầu trời xanh ngăn ngắt. Sóng mang hơi mát từ mặt biển, theo gió lăn tăn vỗ bờ. Trong nắng chiều, những ghềnh đá lớn nhỏ với nhiều hình dáng sinh động, lô nhô trên mặt biển xanh. Thiên nhiên ban tặng cho xứ sở này thắng cảnh độc đáo với những ghềnh đá đen kỳ vĩ cùng bao câu chuyện chứa đựng màu sắc huyền bí, đầy tính nhân văn… Như cụm đá kia, theo Diệu kể, là câu chuyện cảm động về duyên vợ chồng, tình mẫu tử, nghĩa anh em; cả gia đình líu ríu chở che cho nhau, can trường bám chặt vào nhau trước cơn phong ba bão táp… Lần đầu đến xứ này, Minh choáng ngợp trước vẻ đẹp từ sự kiến tạo của tự nhiên. Theo anh tìm hiểu, thì những ghềnh đá xếp chồng lên nhau ấy với bao câu chuyện kỳ bí, là sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người, sinh sống bên nhau bao đời. Sự trở mình của trái đất hàng trăm triệu năm qua, đã tạo nên vóc hình của những ghềnh đá gốc đen bóng như mun này.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cùng với đó, trong trí tưởng tượng của con người, những hình dáng độc đáo được kiến tạo, bào mòn qua hàng tỷ tỷ con sóng của biển mặn, lúc ầm ào dữ dội, lúc êm đềm mơn man…, trở thành những câu chuyện thấm đẫm tình người. Dưới tầng tầng lớp lớp đá và san hô với những hang hốc, nếp gấp ấy, là nơi trú ngụ của một loài thủy sinh có giá trị lớn: tôm hùm. Đặc biệt, từ khi người dân vùng ven biển miền Trung phát triển nghề nuôi tôm hùm, thì nguồn tôm hùm giống tự nhiên - mà dân đảo hay gọi là tôm hùm nhí - ra đời, mang lại thêm một nguồn thu đáng kể. Diệu kể, hằng năm, mùa đánh bắt tôm hùm nhí diễn ra sôi nổi nhất là từ đầu mùa xuân cho đến chớm hạ. Nhưng cùng với giá trị ngày càng lớn của tôm hùm nhí - do người ta chưa nhân giống được, nảy sinh những cách bắt theo kiểu tận diệt. Với thiết bị hiện đại để lặn bắt sâu hơn, dài hơi hơn, ngư dân cũng chế ra cách bắt bằng lưới mành và bẫy san hô. Lưới mành quét ngang đáy biển thì không loại nào thoát được, kể cả loại tôm nhí chưa đủ tuổi. Với bẫy, người ta lựa những hòn san hô nặng chừng 3-5kg, nối với nhau bằng những sợi dây dài hàng trăm mét; trên những hòn đá đó, đục nhiều lỗ sâu để tôm hùm con vào trú ngụ rồi bắt. Cũng vì tranh giành nhau để đánh bắt, nên nhiều người bất chấp, vét cả những con tôm nhí còn trong veo, chưa đủ ngày đủ tháng; tận bắt những con tôm hùm bố mẹ nên triệt nguồn sinh sản… “Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, vận động người dân đánh bắt chừng mực, nuôi dưỡng nguồn sinh sản…, nhưng họ đâu có nghe. Cứ tận diệt kiểu này thì coi bộ tôm mẹ đẻ không kịp quá!”, Diệu trăn trở.
- Nhưng anh nghĩ, đó chỉ là một phần nguyên nhân. Quan trọng nhất là việc biển ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, tàn phá môi trường sống của các loài thủy sinh, gây hệ lụy về lâu dài. Em tưởng tượng “núi” rác nilon, chai nhựa… tồn tích qua hàng trăm năm sau, không phân hủy được thì chắc nó sẽ thay thế những ghềnh núi đá xinh đẹp này mất! - Trong lòng Minh dậy lên một nỗi ưu tư. Thổn thức, rung động trước cái đẹp, cần phải tìm cách bảo vệ cái đẹp, dẹp cái xấu, thì mới mong vẻ đẹp ấy được trường tồn. Đó là quy luật muôn đời rồi…
***
Thế là, mùa hè năm ấy, làng biển rộn ràng đón những sinh viên tình nguyện. Đổi rác lấy gạo, lấy sách vở, lấy túi đi chợ bằng vật liệu hữu cơ… Không chỉ đám trẻ rảnh rang trong mùa hè, mà các bà, các cô cũng nhặt nhạnh rồi phân loại rác thải để đổi lấy những thứ mình cần. Những đám rác dập dềnh ngoài bờ kè, bên bờ biển… dần giảm đi. Nhưng Minh vẫn trăn trở, bởi nguồn lực có hạn, không đủ kéo dài chiến dịch tình nguyện này. Những món quà sinh nhật lưu giữ làm kỷ niệm, anh cũng đem đi bán, nhưng chẳng thấm tháp gì. Anh sực nhớ đề án năm ngoái viết còn dở dang, trong đó đề cập việc bảo vệ môi trường bền vững hơn bằng cách tác động đến ý thức của cộng đồng thông qua các hoạt động thiết thực.
Ngày tham gia các hoạt động phong trào, tối đến, Minh và Diệu cắm đầu vào máy tính hoàn thiện đề án để kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước. May mắn, cuối cùng, đề án cũng lọt vào “mắt xanh” của một tổ chức phi chính phủ. Họ đồng ý tài trợ cho giai đoạn hai năm đầu, với việc chuyển đổi thói quen sử dụng túi nilon đi chợ bằng các vật dụng làm từ dừa - nguyên liệu đầy ắp ở quê Diệu. Các bà, các chị ngoài việc bán buôn, làm lụng hằng ngày, tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm những chiếc giỏ, chiếc túi đi chợ từ xơ dừa; nhóm tình nguyện của Minh không chỉ phân phối lại cho xã đảo, mà còn mang đi tiêu thụ ở các nơi… Nguồn vốn chắt chiu, dành dụm đó cũng đủ nuôi chương trình “đổi rác lấy quà” sôi động mà đội sinh viên tình nguyện triển khai.
***
Minh nắm tay Diệu, thong dong đi dọc bờ biển. Nắng xuân trải dài trên bãi cát trắng tinh tươm. Từng con sóng lăn tăn xô nhẹ vào bờ, mơn man trên hai đôi chân trần. Minh nhìn hút ra xa, thấp thoáng mấy chiếc thuyền neo đậu xen lẫn trong những ghềnh đá, nơi những ngư dân đang vào vụ lặn bắt tôm hùm nhí. Nắng vỡ ra loang loáng trên màu đá đen bóng, nhấp nhô giữa biển xanh ngăn ngắt. Trong lòng Diệu bỗng rung lên những nốt nhạc vui. Cô mơ về ngày mai, quê cô mỗi ngày một xanh hơn, từ đất liền ra đến tận khơi xa. Tay cô ấm lên trong lòng bàn tay Minh, như biển mỗi lúc ấm lên dưới ánh mặt trời…
NGUYỄN THÀNH