Trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn tổ chức năm 2020, tôi khá ấn tượng với quan điểm kinh doanh của người phụ nữ đoạt giải nhất: “Không đầu hàng số phận”, bởi nó khá giống quan điểm của một diễn giả khuyết tật mà tôi yêu thích - Nick Vujicic (Mỹ): “Trong cuộc đời không có khuyết tật nào lớn hơn quyết định đầu hàng số phận”
Chị Nguyễn Thị Thanh Thu nỗ lực từng ngày để phát triển chuỗi cơ sở Thanh Thu Bakery. Ảnh: H.L |
Người phụ nữ đặc biệt ấy là Nguyễn Thị Thanh Thu, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, chủ cơ sở Thanh Thu Bakery. Với đôi chân khuyết tật, chị Thu gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, từng mặc cảm, tự ti. Nhiều lúc Thu có suy nghĩ buông xuôi, nhưng khi tuyệt vọng nhất, chị nhớ lời căn dặn của người cha trước khi mất: “Dù đôi chân tật nguyền nhưng trong tư tưởng con phải luôn lành lặn, có như vậy con mới vươn lên thành người có ích”. Cứ thế, chị tự động viên mình cố gắng thêm chút nữa, chút nữa để không trở thành gánh nặng cho gia đình.
Ý tưởng khởi nghiệp của chị Thu ngoài câu chuyện về những chiếc bánh, công thức, màu sắc, mẫu mã, định hướng phát triển, còn là câu chuyện dài về cuộc đời và sự nỗ lực không ngừng nghỉ khi xây dựng chuỗi 6 cơ sở Thanh Thu Bakery nằm dọc tuyến đường Lê Văn Hiến. Thấp thoáng trong đó là hình ảnh những người thợ khuyết tật được chị nhận vào làm việc trong nhiều năm qua. Có những chị khi mới đến làm còn vụng về, làm sai công thức khiến không ít mẻ bánh phải bỏ, nhưng bằng tình thương và sự thấu hiểu, chị Thu không la rầy mà tận tình hướng dẫn lại từ đầu. Trong suy nghĩ của chị, khuyết tật chỉ là sự bất tiện, chứ không phải là bất hạnh, nếu bản thân luôn cố gắng từng ngày.
Câu chuyện của chị Thu làm tôi nhớ đến anh Trương Tấn Dũng (SN 1982, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), công tác tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố, cơ sở Thanh Khê. Lần tôi gặp Dũng, anh đang cố gắng nắm tay, giúp một cậu bé vẽ hình bông hoa trên tờ giấy A4. Dũng nói cậu bé muốn vẽ hình bông hoa tặng mẹ nhưng đôi tay co quắp không thể di chuyển theo ý mình. Dũng hết cầm tay rồi thả tay để cậu bé tự vẽ. Nhiều chục phút trôi qua, bông hoa hình thành, hơi méo mó nhưng ngập tràn yêu thương và niềm vui của bạn nhỏ.
Sinh hoạt tại cơ sở Thanh Khê hơn 10 năm, Dũng trở thành người anh, người bạn, người truyền cảm hứng của những đứa trẻ khuyết tật nơi đây. Mỗi ngày, Dũng đều đặn di chuyển trên xe lăn đến căn phòng được bố trí vài chiếc bàn nhỏ, nơi anh hướng dẫn các em vẽ, hát, múa theo động tác từ đơn giản đến khó. Chưa kể trước mỗi dịp lễ, Tết, thầy trò Dũng bắt đầu luyện tập các tiết mục văn nghệ, biểu diễn tại trung tâm hoặc các hội thi do Hội Người khuyết tật thành phố tổ chức. Bữa đó, Dũng chỉ cười thật hiền khi được hỏi về giấc mơ và trả lời rằng cuộc sống của anh đã đủ niềm vui, chỉ mong tụi nhỏ luôn vui, khỏe và sống cuộc đời bình an.
Ngoài sự lạc quan của chị Thu và Dũng, những câu chuyện đẹp về nghị lực sống của người khuyết tật khiến nhiều người cảm phục. Có lần tôi chứng kiến cảnh một người khách ngồi giữa quán cà phê có nhã ý tặng anh thanh niên câm, điếc 200.000 đồng mà không cần lấy kẹo cao su. Thế nhưng, thay vì vui vẻ nhận món quà này, anh nhất định giúi vào tay vị khách 10 vỉ kẹo và nở nụ cười cảm ơn. Có thể, hành động giúp đỡ của vị khách không sai, nhưng chưa thật sự khéo léo, bởi mỗi người khuyết tật đều mong muốn được xã hội đối xử như một con người bình thường. Cách từ chối sự giúp đỡ của anh thanh niên khuyết tật khiến tôi tin rằng, anh đã và đang nỗ lực từng ngày để có thể tự nuôi sống bản thân, để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
HUỲNH LÊ