Những ngọn đèn đường…

.

Tôi từng có những tháng năm tuổi trẻ sống xa nhà, thường bất chợt nhớ quê vào lúc chiều nhá nhem. Giờ ấy là nhớ tiếng cơm sôi, nhớ mảnh sân trước nhà đàn gà lục tục kéo nhau về đòi ăn, nhớ chiếc áo lấm bùn của người thân sau một ngày vất vả ngoài đồng. Cứ mỗi lần nỗi nhớ nhưng nhức trên cánh mũi, như vượt sức chịu đựng của mình, tôi từ biệt phố xá để trở về. Đường về nhà hơn một trăm cây số, trời sập tối lúc nào không hay. Khi bóng tối tràn ngập, đường càng xa hun hút. Tôi sợ những đoạn đường không một bóng nhà. Hai bên là cánh đồng và những rặng cây thì thào tiếng gió. Tôi men theo những mảng sáng tít hút phía xa hắt ra từ ngôi nhà nào đó, lúc ấy mới thấy tha thiết thèm những cột đèn đường đến mức nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trước kia, đèn đường thường chỉ có ở thành phố, thị xã hoặc những khu dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. Nhiều năm trở lại đây, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, những con đường quê đã được thắp đèn. Mô hình “Thắp sáng đường quê” không chỉ giúp người dân ở khu vực nông thôn đi lại thuận tiện hơn, mà còn giảm thiểu tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Khỏi phải nói khi lần đầu tiên thấy ánh đèn sáng lên lúc màn đêm buông xuống, những người nông dân quê tôi đã vui mừng thế nào. Ánh đèn rực rỡ mang lại diện mạo mới cho nhiều làng quê. Đường sáng, người dân không còn ngại ra đường. Cơm xong, những cụ ông hẹn nhau đến nhà chơi cờ, uống nước chè; phụ nữ ghé hỏi nhau chuyện đồng áng, mùa màng. Trong làng có lễ hội thì tối hôm trước í ới gọi nhau túm tụm giã bánh giày. Lúa gặt lúc chiều thì tối đến gọi nhau giã cốm. Làng xóm vì thế mà rộn rã, vui tươi. Không còn cảnh cứ trời tối là nhà nào biết nhà đấy, cửa đóng then cài.

Ở nhiều vùng quê, từ khi có đèn đường, tinh thần rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao của người dân cũng được nâng cao. Buổi tối, mọi người thường đi bộ tập thể dục. Trên bãi đất trống tại nhiều thôn, xóm, người ta dựng sân bóng chuyền. Ban ngày, bận làm đồng nhưng cứ tầm tám giờ tối, sau khi xong xuôi cơm nước thì mọi người tập trung đánh bóng. Người già, trẻ con mang ghế ngồi xung quanh cổ vũ. Dưới ánh đèn đường, có những pha bóng chuyền mang thương hiệu “nông dân” đẹp chẳng kém gì dân chuyên nghiệp. Cũng từ đó, nhiều giải bóng chuyền của thôn, xã, huyện được tổ chức thường niên. Những bàn tay còn vết nhựa sắn, phèn đỏ đâu chỉ biết cầm cuốc cầm cày, đâu chỉ biết đến lúa, ngô, khoai sắn. Chắc có nhiều người như tôi, hễ đi đâu đó xa quê là thấy nhớ những tiếng cười vui vẻ cất lên ở sân bóng chuyền, nhớ vài câu vui đùa tếu táo, nhớ những cuộc chuyện trò rôm rả giúp tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn.

Thỉnh thoảng những bóng đèn vụt tắt. Ngay lập tức bóng tối tràn đến, lấp đầy. Vài người đi đường khựng lại, ngó lên cột đèn bảo “cháy bóng rồi”. Những chiếc bóng đèn thường được lắp trước cổng nhà dân nên người ta coi bóng đèn đường là một phần thân thuộc trong đời sống. Sáng hôm sau trong chiếc làn đi chợ về kiểu gì cũng có chiếc bóng đèn. Chẳng cần phải chờ đợi ai, đàn ông trong nhà sẽ tự ngắt cầu dao điện để thay vì họ không thể nào sống thiếu khoảng sáng hiền hòa ấy khi đêm xuống.

Tôi nhớ những ngày mới chuyển về thị xã xây nhà. Buổi tối nằm trong căn lều dựng tạm ngay sát vệ đường, tôi thường giật mình trở giấc bởi tiếng xe lao đi vun vút trong đêm. Tỉnh dậy, tôi leo lên ngôi nhà đang xây dở ngó cả đoạn đường dài thẳng tắp đếm được mười bảy cột đèn. Nhưng trong đó có bốn cột đèn tối om, ba cột đèn chập chờn, thỉnh thoảng lóe sáng đỏ lòm rồi thình lình tắt ngấm. Kể từ đó, đêm nào mất ngủ, tôi cũng đứng ngắm chúng, lập lòe. Điện đô thị đâu thể tự ý thay như bóng điện ở quê. Cuối năm ngoái, người ta thay những chiếc bóng đèn bị hỏng để đón xuân. Tôi như đọc được sự rạng rỡ trong thứ ánh sáng tươi mới ấy. Những con mắt trên đường dài hun hút đã trở thành bạn đồng hành tin cậy. Không bao giờ biết bỏ rơi ai…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.