Trồng hoa dịch vụ - xu hướng mới của các nhà vườn

.

Những người ưa xê dịch tại Đà Nẵng đã có một lựa chọn khác: ngắm sắc hồng quyến rũ của hoa tam giác mạch cao nguyên Hà Giang, hòa mình giữa cánh đồng hoa cánh bướm, hướng dương Quảng Nam, Nghệ An ngay tại vườn hoa thành phố mình.

Anh Trần Phong (phải) cùng người em lên ý tưởng cho việc xây dựng Panorama thành điểm đến thường xuyên trong thời gian tới. Ảnh: TIỂU YẾN
Anh Trần Phong (phải) cùng người em lên ý tưởng cho việc xây dựng Panorama thành điểm đến thường xuyên trong thời gian tới. Ảnh: TIỂU YẾN

Có thể nói, xu hướng trồng hoa phục vụ khách đến chụp ảnh đang là làn gió mới trong hoạt động du lịch trải nghiệm, thu hút sự quan tâm của không ít người dân.

1. Sắc xuân dường như vẫn còn ở lại vườn hoa Panorama (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) khi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của vạt hoa cánh bướm vẫn nhẹ nhàng khoe sắc. Anh Trần Phong - chủ vườn hoa - vừa dọn dẹp lại đám hướng dương, tam giác mạch, vừa chuẩn bị ý tưởng cho mùa hoa mới. Chỉ tôi xem vô số mầm xanh mới nhú khỏi lớp đất tơi, anh bảo vườn mới xuống giống hoa tam giác mạch, gần 2 tháng nữa sẽ bung sắc, đón khách về thăm.

“Mới rải hạt hơn nửa tháng mà mầm xanh đã nhú cao rồi, giống hoa này khá khỏe và phù hợp với thời tiết, khí hậu Đà Nẵng. Tết vừa qua, nhiều khách đến Panorama uống cà phê tỏ ra thích thú với vườn hoa tam giác mạch nên tôi tiếp tục gieo vụ mới, với mong muốn nhiều người biết đến loài hoa này”, anh Phong nói.

Sự háo hức của các vị khách trước những vạt hoa tam giác mạch bung nở dưới nắng chiều khiến Trần Phong sung sướng. Anh nói cảm giác ấy giống những lần anh theo chân ba mẹ ra vườn - mấy chục năm về trước. Làng anh, với danh xưng Phước Mỹ, mấy mươi năm trước là làng hoa, có hàng chục hộ dân theo nghề.

Quanh năm, những vạt hoa thược dược, lay ơn, cúc, vạn thọ… thay nhau bung nở, mang lại cuộc sống ấm no. Cái cảm giác bình yên khi được ngắm và chạm vào những đóa hoa tươi nguyên, xanh rì sự sống cũng khiến anh thích thú như bây giờ. Anh bảo, đó chính là những ký ức đẹp mà anh muốn bất kỳ người dân nào của thành phố mình cũng chạm đến.

“Đem quê về phố” là ý tưởng ban đầu của Trần Phong khi muốn tạo một không gian đầy hoa cỏ giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng. Không chỉ hoa, anh còn dựng ở góc vườn một đụn rơm, một mái nhà tranh, một cây đu đủ, một ô cửa sổ ký ức - nơi người ta có thể tựa người ngắm nhìn mảnh vườn xinh đẹp, hồi tưởng về quá khứ, tuổi thơ…

“Tôi muốn gom hết ký ức tuổi thơ vào giữa khu vườn đầy hoa, nhưng tất nhiên là không thể được nên phải chọn lọc ra vài thứ. Mỗi ngày, ngồi uống cà phê nhìn ra khu vườn, tôi vui khi khách đến tạo dáng bên đụn rơm hay trong mái nhà tranh, nơi có cần ăng-ten bằng nhôm nằm vắt vẻo, bởi tôi tin rằng, những khung cảnh ấy sẽ chạm vào ký ức mỗi người, giúp họ thêm yêu thương, trân trọng những giá trị cuộc đời”, anh Trần Phong chia sẻ.

2. Thời tiết mùa xuân khá hợp để cây ra hoa. Tại Haly Farm (thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), tam giác mạch đang khoe sắc cả một góc vườn. Phan Thiên Lý (SN 1984) - chủ Haly Farm - bảo rằng chính chị cũng bất ngờ trước vẻ đẹp thuần khiết và sức sống bền bỉ của loài hoa tam giác mạch. “Thời gian đầu, gia đình mình chỉ có ý định trồng chơi, tạo vẻ đẹp cảnh quan cho khu vườn, nhưng khi thấy cây đẹp quá, mình muốn chia sẻ nó với nhiều người”, Lý nói về lý do gầy dựng Haly Farm thành điểm check-in (đánh dấu nơi mà mình đang có mặt bằng việc ghi lại những tấm ảnh rồi đăng trên mạng xã hội), phục vụ người dân Đà Nẵng.

Khu vườn của gia đình Lý trước đây trồng keo lá tràm, đất đai bạc màu, đá sỏi trộn lẫn rễ cây nên khi chị có ý định trồng hoa, không ít hàng xóm can ngăn, bảo làm vậy chỉ phí tiền vì hoa không thể sống trên đất này. Song Lý vẫn quyết định theo đuổi giấc mơ hoa. Một mặt, chị phác họa khu vườn theo mô hình ruộng bậc thang; mặt khác,thuê nhân công lượm lặt đá sỏi, rễ cây, đổ giá thể cải tạo đất. “Công sức và kinh phí cải tạo nhiều vô kể, lắm khi vừa đổ đất, gieo hạt xong thì gặp trời mưa, đất trôi, hạt trôi, phải đổ đất, giá thể xuống hạt lần nữa. Cũng thật mừng vì lúc khó khăn nhất mình đã không bỏ cuộc, để bây giờ có cả vườn hoa xinh”, Lý cười tươi.

Lần đầu trồng hoa diện tích lớn, Lý gặp không ít khó khăn vì như chị nói: “Tôi chỉ có sở thích trồng hoa chứ không có kinh nghiệm gì”. Ngoài làm quen cách trồng, chăm sóc hoa trên vùng đồi, chị tập thích nghi với những cơn mưa chiều tại miền núi Hòa Ninh. Nhiều buổi chiều ra vườn, Lý xót xa khi thấy cây ngã rạp vì gió. Tuy vậy, với tình yêu dành cho hoa cỏ, Lý đã mở rộng diện tích đất trồng hoa lên hơn 1.000m2 và sẽ tiếp tục lấp đầy 5.000m2 còn lại.

“Haly Farm đang từng bước hoàn thiện với mong muốn trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn tại xã Hòa Ninh. Trong tương lai, ngoài hoa, mình dự định hình thành khu cắm trại phục vụ khách qua đêm. Ước mơ vẫn còn nhiều lắm và mình sẽ cố gắng hoàn thiện nó”, Lý cho hay.

Đi giữa khu vườn đầy hoa với những lối nhỏ xuôi theo con dốc thoai thoải, chúng tôi có thể hình dung bao công sức, mồ hôi của người làm vườn. Luôn ở bên, đồng hành với con gái, bà Nguyễn Ngọc Lanh nói khu vườn giúp gia đình bà gắn kết, vui vẻ và khỏe mạnh hơn.

Ngoài cúc bách nhật, thạch thảo, cánh bướm, tam giác mạch, hướng dương đang khoe sắc, một góc Haly Farm được bà Lanh dùng để trồng thử nghiệm các giống hoa mới. “Thật vui khi chia sẻ khu vườn với tất cả mọi người, chúng tôi hy vọng mỗi người sau khi đến đây, trở về sẽ thấy tâm hồn tươi vui, hạnh phúc hơn”, bà Lanh hy vọng.

Chị Phan Thiên Lý đang chăm sóc vườn tam giác mạch tại Haly Farm. Ảnh: TIỂU YẾN
Chị Phan Thiên Lý đang chăm sóc vườn tam giác mạch tại Haly Farm. Ảnh: TIỂU YẾN

3. Với giá vé vào cổng 30.000 đồng/người/lượt, năm 2020, vườn hoa hướng dương tại Tâm An Farm thuộc thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) tạo nên làn sóng check-in khi mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến thăm quan, chụp ảnh. Trước đó, vườn cúc họa mi rộng gần 300m2 được Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) trồng năm 2019 cũng được nhiều người tìm tới. Chị Nguyễn Thị Linh Anh (SN 1998, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho hay bản thân thích hoa cỏ nên mỗi khi nghe đâu đó có vườn hoa, cô đều rủ nhóm bạn tới check-in.

“Hầu như các vườn hoa từng xuất hiện ở Đà Nẵng như vườn cúc họa mi ở Trung tâm Công nghệ sinh học, hướng dương tại Tâm An Farm, thạch thảo tại Cẩm Lệ, cánh bướm tại Hòa Bắc, tam giác mạch tại Panorama, Haly Farm… tôi đều đến tham quan, chụp hình. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu Đà Nẵng tiếp tục hình thành những vườn hoa, để mỗi người đều có thể đến dạo chơi và trải nghiệm”, Linh Anh nói.

Xu hướng trồng hoa dịch vụ đang được người yêu hoa triển khai ở nhiều góc độ khác nhau, cũng giống như sự đón nhận nhiệt tình của người dân khi vườn hoa Panorama mở cửa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là một trong những cú hích giúp anh Trần Phong tiếp tục gieo trồng vụ hoa mới. Hôm chúng tôi đến gặp Phong cũng là lúc anh vừa chạy xe máy từ Huế trở về, mang theo vài cây giống nữ hoàng xanh. Cầm mấy nhánh nữ hoàng xanh 3 phần héo, 7 phần tươi sau chặng đường dài, anh kể có lần đi công tác Đà Lạt, thấy trên đó người ta trồng cây này đẹp quá, nhìn mê mà sợ Đà Nẵng nắng gió quanh năm không trồng được.

Giờ nghe ngoài Huế có người trồng được mấy chục cây, anh chạy xe ra năn nỉ xin vài nhánh về trồng thử nghiệm, nếu sống tốt, hè này Panorama sẽ có thêm loài hoa tuyệt đẹp phục vụ du khách. “Nữ hoàng xanh là loài cây đặc trưng trong các mùa hè ở châu Âu, hoa có màu tím xanh, đẹp, bền và đặc biệt tại Đà Nẵng chưa nơi nào trồng”, anh Phong háo hức. 

Ngoài trồng hoa, Trần Phong còn chuẩn bị xây dựng quán cà phê mô phỏng hình chữ S - hình lãnh thổ Việt Nam - xen kẽ giữa những vạt lúa ngay tại trung tâm Đà Nẵng. “Càng trưởng thành, người ta càng có xu hướng tìm về quá khứ, một mảnh vườn không chỉ cho chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp, mà cho chúng ta nhìn thấy ký ức và sự bình yên trong ký ức đó”, Trần Phong đúc kết.

Trong khi đó, chị Phan Thiên Lý cho biết, giá vé vào cổng 20.000 đồng/lượt/người tại Haly Farm hiện nay không thể bù lại công sức trồng, cải tạo, chăm sóc vườn hoa nhưng giúp gia đình có thêm khoản phí thuê nhân công duy trì việc làm vườn.

Thời gian tới, để khu vườn luôn là điểm đến hấp dẫn, chị cần thời gian tính toán, lên ý tưởng và trồng thử nghiệm các giống hoa khác nhau. Với chị Lý, giá trị kinh tế không phải là yếu tố quyết định để xây dựng Haly Farm, mà đơn giản hơn, chị muốn hòa mình vào thiên nhiên, hoa cỏ và muốn chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt đẹp đó đến với mọi người.

"Tôi muốn gom hết ký ức tuổi thơ vào giữa khu vườn đầy hoa... Mỗi ngày, ngồi uống cà phê nhìn ra khu vườn, tôi vui khi khách đến tạo dáng bên đụn rơm hay trong mái nhà tranh, nơi có cần ăng-ten bằng nhôm nằm vắt vẻo, bởi tôi tin rằng, những khung cảnh ấy sẽ chạm vào trong ký ức mỗi người, giúp họ thêm yêu thương, trân trọng những giá trị cuộc đời”
Anh Trần Phong, chủ vườn hoa Panorama (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà)

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.