* Bát âm trong dàn nhạc cổ truyền, có người nói là 8 loại âm thanh, có người lại cho đó là 8 nhạc cụ. Vậy cách hiểu đúng là như thế nào? (Trần Hà Lam, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
- Bát âm, Điển cố Văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1997) giảng là: “Tám thứ tiếng của 8 loại nhạc cụ khác nhau trong âm nhạc: kim là tiếng chuông, thạch là tiếng khánh, ty là tiếng đàn, trúc là tiếng sáo, bào là tiếng sinh (sáo có nhiều ống ghép lại trong một cái bầu), thổ là tiếng huân (một loại nhạc cụ bằng đất thời cổ), cách là tiếng trống, mộc là tiếng trúc (một thứ nhạc cụ thời cổ bằng gỗ, hình như cái đấu vuông, trên rộng dưới hẹp, dùng dùi đánh)”. Sách này cũng dẫn hai câu thơ trích trong “Hoa điểu tranh năng”: Bát âm điệu mới rất hay/ Họa mi nổi tiếng xưa nay đã nhiều.
Dàn nhạc cổ truyền tại Hội làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Cố GS. Trần Văn Khê lúc sinh thời đã viết trong bài “Âm nhạc Đạo Cao Đài” đăng trên blog của ông ngày 15-5-2013: “Người ta thường tưởng rằng bát âm là trong dàn nhạc có tám nhạc cụ, khí cụ khác nhau nhưng thực ra bát âm là của Trung Quốc để nói đến tám âm thanh cơ bản dùng phối hợp làm dàn nhạc lễ bên Trung Quốc qua Việt Nam ngày xưa”. Và GS. Trần Văn Khê đã giảng rõ hơn về bát âm như sau:
Thạch: từ nhạc cụ làm bằng đá (không phải đàn đá trên Tây Nguyên ngày nay mà là cái khánh hình thước mộc bằng đá, được đẽo ra để có âm thanh nhất định). Nhạc lễ Việt Nam, Trung Quốc hay nhạc lễ của Triều Tiên đều có thanh đá đặc biệt và Việt Nam gọi là “đặc khánh”.
Kim: là tiếng chuông, nhưng không phải chuông gia trì dùng để gõ theo tụng kinh đạo Phật hay Cao Đài mà là chuông lớn Đại hồng chung hay 12 chuông nhỏ gọi là biên chung.
Ty: là tiếng tơ. Ngày xưa đờn Trung Quốc là “qin” và “se” tức là cổ cầm (gu qin), “se” tức là sắt. Cả hai được gọi chung là cầm sắt theo cụm từ “sắt cầm hảo hiệp”. Trong nhạc cung đình Việt Nam, hai nhạc cụ cầm, sắt có mặt trong dàn thiết nhạc tức là dàn nhạc để trưng bày trong các cuộc tế lễ lớn như lễ Nam Giao mà không biểu diễn.
Trúc: nghĩa là tre, tiếng trúc là tiếng của sáo trúc ngày xưa.
Cách: nghĩa là da, những tiếng trống bằng da thì có trống lớn, trống nhỏ, đại cổ, tiểu cổ… dùng trong nhạc lễ.
Mộc: là gỗ, không phải là song lang hay phách bây giờ mà là 2 nhạc cụ gọi là “chúc” và “ngữ”. “Chúc” là thùng bằng gỗ, nhạc công dùng búa gõ vào đáy hoặc 4 phía thùng đó làm thành tiếng mộc là tiếng của gỗ. “Ngữ” là nhạc khí hình con cọp có 24 cái răng trên lưng cọp và nhạc công dùng miếng gỗ đánh lướt lên trên.
Bào: là trái bầu, nhạc khí là ống sanh (hay “sênh”), có 14 hoặc 17 ống sậy, trong lòng có “lưỡi gà” (anche libre) cắm vào trong một trái bầu, khi được thổi, hơi vào đầu trái bầu, tay bấm nút trên ống sậy thì nghe âm thanh mà người Trung Quốc cho rằng giống tiếng chim phụng.
Thổ: là đất. Nhạc cụ bằng đất nung, người Việt Nam gọi là ống “huân”, hình tròn như quả trứng ngỗng lớn, một lỗ để thổi và 6 lỗ để bấm.
Bách khoa Toàn thư Việt Nam (tra trực tuyến tại bktt.vn) cũng giải thích bát âm có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ, nhưng giảng thêm rằng: “Khi du nhập vào Việt Nam, quan niệm bát âm đã được Việt hóa. Bát âm được hiểu là 8 loại nhạc cụ với 8 âm sắc khác nhau: nhị, hồ, sáo, nguyệt, tam, bồng bộc, cảnh, sênh tiền”.
Ngày nay, nhiều nơi còn sử dụng cả guitar phím lõm để tạo thêm hiệu ứng âm thanh cho dàn nhạc cổ truyền.
ĐNCT