Với khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, việc chọn cây trồng phù hợp trong nội đô Đà Nẵng khá khó khăn. Đây không chỉ là bài toán nan giải cho các nhà quản lý quy hoạch mà còn đối với giới chuyên môn. Làm sao để có một thành phố xanh với nhiều chủng loại cây đặc trưng mang dấu ấn riêng vẫn còn là niềm mong mỏi của nhiều người dân hiện nay.
Tuyến đường Bạch Đằng là khu vực đất nhiễm mặn nên chỉ thích hợp trồng các loại cây có rễ đi ngang. Ảnh: Đ.H.L |
Ảnh hưởng từ công trình đô thị
Chia sẻ về khó khăn trong việc trồng cây xanh ở nội đô, ông Lê Huy Hoàng, Phó phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, do quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng ngày càng nhiều, vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, dẫn đến thiếu không gian để phát triển cây xanh. Các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, xà cừ, muồng tím… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Trong khi đó, những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc cũng làm cây xanh dễ ngã đổ.
“Việc cắt tỉa cành, nhánh chính của cây trong quá trình chăm sóc trước đây làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây xanh ở giai đoạn sau; từ đó tạo ra nhiều chồi bất định, cành nhánh thứ cấp rất dễ bị tét, gãy khi có mưa giông. Đặc biệt, tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại do vướng mặt tiền nhà, quan điểm “phong thủy” hay thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ”, ông Lê Huy Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đơn vị thi công hạ tầng thường sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình thi công gần gốc cây. Điều này khiến cây xanh bị xâm hại như thân tróc vỏ, gãy cành nhánh, rễ bị đứt và phơi lộ trên mặt đất, thậm chí gây nghiêng cây buộc phải đốn hạ khẩn cấp để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa hệ thống lưới điện dẫn đến tình trạng xung đột lưới điện với cây xanh. Cây xanh bị khai quang nhiều lần để bảo đảm an toàn điện nên thường bị lệch tán, thân nghiêng… mất mỹ quan đô thị và dễ gãy đổ trong mùa mưa bão.
Tăng cường quản lý, giám sát
Để bảo đảm chọn cây trồng phù hợp cho nội đô, ngay từ giữa năm 2014, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3852/QĐ-UBND về tiêu chí chọn cây xanh công cộng. Các loại cây phải đáp ứng yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; hạn chế làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không; phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và mang bản sắc địa phương.
Theo đó, một số loại cây được thành phố khuyến khích triển khai trồng như: lim xẹt, muồng tím, giáng hương, lộc vừng, bàng Đài Loan, ngọc lan trắng, hoàng hậu, muồng hoàng yến, Osaka đỏ, sò đo cam, phi lao, bằng lăng tím, hồng lộc, tử vi, chuông vàng, mù u, muồng đen, long não, dầu rái, lát hoa. Bên cạnh đó, thành phố cũng hạn chế trồng những cây có đặc điểm sinh học gây ảnh hưởng đến sự an toàn, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, đặc biệt là những loại cây ăn quả thu hút côn trùng, cây có hoa quả tạo ra mùi khó chịu hoặc cây có rễ ăn nổi, rễ phụ phát triển mạnh làm hư hại, mất mỹ quan công trình, cụ thể như: bàng ta, bàng vuông, dừa, bách tán, hoàng nam, sa kê, phượng vĩ, nho biển, tra, chẹo, muồng hoa đào, hồng diệp, me, sưa, sấu, sao đen, sà cừ, đa gáo, sa la, đề, da, sộp, muồng trắng, sữa, viết, trứng cá, keo... Một số cây có độc tố, chất gây nghiện hoặc có đặc điểm gây nguy hiểm cho con người cũng bị cấm trồng gồm: cô ca cảnh, đùng đình, gòn, lòng mức, me keo, thông thiên, trúc đào, vông đồng…
Theo KTS. Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường Việt Nam, việc trồng cây xanh trong nội đô phụ thuộc vào địa chất, thổ nhưỡng của vùng đất đó. “Đà Nẵng có nhiều thổ nhưỡng khác nhau. Ở khu vực nhiễm mặn như hai bên bờ sông Hàn thích hợp trồng cây rễ đi ngang như bàng, lộc vừng, phượng... Nhược điểm của các loại cây này là thường rụng nhiều lá, dễ gãy đổ. Còn ở những vùng đất cao như Hòa Cường, Phước Tường, khu vực sân bay phù hợp với các loại cây rễ chồi đâm sâu xuống lòng đất và không gặp nước lợ như bằng lăng, sao, xà cừ, lim... Ưu điểm thân cứng, tránh gió bão, nhiều lá và có thể lấy gỗ”, ông Hồ Duy Diệm giải thích.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, thời gian qua, công tác cải tạo cây xanh nội đô đã được đẩy mạnh triển khai. Nhiều tuyến đường không chỉ trồng mới mà còn được thay thế nhiều loại cây phù hợp, tạo sự đồng bộ. Điển hình như các loại cây hoa sữa trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã được thay thế các loại cây muồng tím, lim xẹt, giáng hương; tuyến đường Bạch Đằng trồng nhiều hoa hoàng hậu; tuyến đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý trồng nhiều cây giáng hương… Tuy nhiên, việc cải tạo cây xanh rất dễ làm ảnh hưởng đến cây xanh cổ thụ, lâu năm. Để tránh xảy ra tình trạng này, ngày 4-2-2016, UBND thành phố cũng đã ra Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Về vấn đề này, ông Lê Huy Hoàng cho biết, trong quá trình triển khai cải tạo cây xanh, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng luôn tuân thủ các quy định này. “Đối với việc chặt hạ, di dời cây xanh công cộng là cây cổ thụ, cây được bảo tồn trồng mới cây khác chủng loài đã được quy hoạch trên cùng tuyến đường, tại những khu vực công trình có yêu cầu cao về kiến trúc, cảnh quan đô thị, phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố trước khi cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, việc giám sát công tác trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa và thay thế cây phải được triển khai thực hiện theo đúng quy trình, được quy định tại Quyết định số 06/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố và Quyết định số 195/QĐ-SXD của Sở Xây dựng về việc ban hành Quy định tạm thời liên quan đến thiết kế, kỹ thuật trồng, chăm sóc, duy tu bảo dưỡng cây xanh bóng mát công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ông Hoàng nêu rõ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG