Trong lúc hàn huyên bên ly cà phê, hội bạn của tôi bắt đầu… khoe con. Người này có con đoạt giải cấp thành phố, người kia có con đang nỗ lực để vào trường chuyên. Một người khác kể rằng, con đang học lớp 10 mà thi IELTS đạt 8.0 và sẽ “săn” học bổng để học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp THPT…
Ở bàn bên kia, hội chị em bày tỏ lo lắng khi con đi học thêm hết môn này đến môn kia; con không đi học thêm thì thua bạn bè, còn đi học thì vất vả quá, nào là tiếng Anh, tiếng Nhật, Toán tư duy, đàn, cờ vua…; chưa kể học thêm các môn văn hóa để bổ sung kiến thức cho chương trình ở lớp.
Hóa ra, cả cánh đàn ông lẫn phụ nữ đều đau đáu chuyện học hành của bọn trẻ và hầu như cha mẹ nào cũng cảm thấy nở mặt nở mày khi con mình học giỏi, đạt thành tích này, giải thưởng kia.
Nhìn lại mình, tôi thấy bản thân sao mà… lạc hậu! Ở bậc tiểu học và THCS, con tôi chỉ học… “trường làng” - học đúng tuyến. Tôi không hề có ý nghĩ xin cho con vào trường lớn, trường điểm.
Việc học của con rất nhẹ nhàng. Bậc tiểu học, con vừa học, vừa chơi theo đúng kiểu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ngoài học văn hóa, con còn tham gia các hoạt động ngoại khóa về văn hóa - thể thao ở trường. Bậc THCS, con học không nổi bật trong lớp nhưng chẳng bao giờ bị điểm kém. Tôi hỏi, con thích môn Toán thì sao không thử thi vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Con trả lời, vào đội tuyển, đi thi cấp thành phố mà không có giải thì xấu hổ lắm!
Từ đó, tôi không hỏi con về việc tham gia đội tuyển học sinh giỏi nữa. Nhiều năm nay, câu hỏi thường trực của tôi vẫn là “hôm nay con có vui không?”. Và tôi thực sự thấy hạnh phúc khi con ríu rít kể chuyện về trường, lớp, thậm chí còn “méc” đủ thứ chuyện…
Thành ra, khi ngồi chung với hội khoe con thì tôi chẳng biết nói gì cả. Nhưng tôi hiểu rất rõ về năng lực của con mình và muốn trẻ phát triển tự nhiên. Tôi thường nhỏ to với con rằng, cha mẹ không bắt buộc con phải học thật giỏi, nên con cứ cố gắng hết sức mình, nếu không đạt điểm cao thì cũng không sao, quan trọng là con thấy vui và yêu thích việc học tập. Mỗi lần như thế, cu cậu cười tít mắt và hứa cố gắng học tập chăm chỉ để không phải có tên trong… top cuối của lớp!
Những ngày qua, dư luận chấn động về những vụ học sinh tự tử do áp lực học hành. Thật xót xa! Vấn đề đặt ra là cha mẹ đừng biến yêu thương thành áp lực với con trẻ. Mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ thì không sai, nhưng cần hiểu trẻ muốn gì, thích làm gì. Trẻ càng lớn, việc làm bạn với trẻ không hề dễ, tốt nhất cần thể hiện sao cho bọn trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe con.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 800.000 người chết do tự tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm hơn 26% và trẻ cố gắng tự tử lên đến gần 6%. Những con số này có lẽ làm những bậc cha mẹ giật mình. Hóa ra, bệnh trầm cảm thật đáng sợ vì có thể khiến chúng ta mất đi người thân bất kỳ lúc nào nếu cảm giác cô độc, yếu ớt, bất lực đó không được giải tỏa.
Một thống kê trong nước vừa được công bố cũng rất đáng suy ngẫm: Trong tổng số 2.226 giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, có đến 2.096 giải thuộc về các trường chuyên, năng khiếu. Vậy thì cũng nên xem xét lại mục tiêu đào tạo của trường chuyên là gì, có phải để bồi dưỡng nhân tài, đào tạo tinh hoa hay không, hay để tìm kiếm giải thưởng...
Việc có một đứa con bình thường đã là hạnh phúc. Vì vậy, tốt hơn vẫn là nên để các con học tập trong niềm vui. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố cần được xem xét và thay đổi từ phía ngành giáo dục. Riêng từ phía cha mẹ, thay vì hỏi về điểm số của con, hãy hỏi trẻ rằng “hôm nay con có vui không?”.
ĐỨC HOÀNG