Trong nhiều năm, quốc đảo Maldives vẫn duy trì một núi rác khổng lồ ở Thilafushi, phía tây thủ đô Malé. Khói độc hại từ những lần đốt rác mang theo tro bụi đen làm ô nhiễm bầu trời, ảnh hưởng sức khỏe con người.
“Đảo rác” Thilafushi mịt mù khói trước tháng 9-2021. Ảnh: CNA |
Nhìn “đảo rác” Thilafushi, có lẽ không ai nghĩ hòn đảo này từng là một đầm phá trong vắt với rạn san hô tuyệt đẹp. Tuy nhiên, từ năm 1992, khi chính phủ Maldives chọn Thilafushi làm điểm tập kết rác của cả nước, đảo này “nổi tiếng” theo cách không thể ngờ, nhưng nhìn nhận sâu xa thì đây cũng chính là “di sản” cho sự phát triển bùng nổ tại quốc đảo du lịch Nam Á.
Hòn đảo được xây dựng từ rác thải
Giờ đây, giới chức Maldives nhìn nhận “đảo rác” Thilafushi không còn là một thảm họa có thể che giấu. Khi cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, Thilafushi càng gánh thêm áp lực và hình tình ngày càng trở nên ảm đạm. Khoảng 1.200 tấn chất thải các loại được chuyển đến Thilafushi mỗi ngày khiến nơi đây ngập tràn nhựa.
Bộ trưởng Bộ Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Công nghệ Maldives Aminath Shauna thậm chí mô tả Thilafushi là “nguồn gốc của nỗi xấu hổ quốc gia”. “Tất cả chất thải chúng tôi sản xuất từ năm 1992, chất thải nhà bếp, chất thải nhựa, chất thải hóa học, chất thải từ việc xây dựng khu nghỉ dưỡng, mọi thứ đều được đổ vào đầm phá này. Một bãi rác đã trở thành một hòn đảo - một hòn đảo được xây dựng từ rác thải”, Bộ trưởng Aminath Shauna nói. Vị Bộ trưởng này cũng thừa nhận “đảo rác” Thilafushi vẫn được đốt mỗi ngày, nguyên nhân do Maldives không quản lý tốt vấn đề rác thải suốt những năm qua.
Bộ trưởng Aminath Shauna ước tính hằng năm Maldives sản xuất ít nhất 20.000 tấn nhựa và chỉ 5% trong số đó được tái chế. Số còn lại được chôn lấp, hoặc bị đốt, hoặc bị vứt xuống đại dương.
Bầu trời ở Thilafushi luôn mù mịt khói. Ông Guenter Hacklaender, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chịu trách nhiệm hỗ trợ xử lý rác cho Thilafushi, cho biết: “Lần đầu tôi đến đây, nó (Thilafushi - PV) giống như địa ngục. Những người làm việc tại Thilafushi hít thở bầu không khí ô nhiễm. Điều đó dĩ nhiên không tốt cho sức khỏe. Thật kinh khủng!”.
Kỳ vọng sự đổi thay
Kể từ tháng 9-2021, sự đổi thay đáng kể bắt đầu diễn ra ở Thilafushi. Chính phủ Maldives quyết định ngừng đốt rác tại đây. Các nhà chức trách cũng bắt đầu tiến hành quy trình phân loại và đóng kiện rác trước khi đưa đi thiêu hủy ở nơi khác.
Với chiến lược cơ sở hạ tầng đang được áp dụng, chính phủ Maldives ban hành một số đạo luật về nhựa. Việc nhập khẩu nhiều loại nhựa sử dụng một lần đã bị cấm. Tháng 6-2022, một đạo luật được sửa đổi cấm sản xuất loại nhựa sử dụng một lần ở quốc đảo Nam Á này dự kiến sẽ có hiệu lực nhằm loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần cho đến năm 2030.
Đến năm 2024, với sự hỗ trợ của một số nhà tài trợ đa phương, Thilafushi được kỳ vọng sẽ trở thành nơi có hệ thống quản lý chất thải hiện đại, bao gồm cả chất thải cho cơ sở năng lượng, chuyển giao và xử lý rác thải hiện đại ở khu vực Greater Male gồm 32 hòn đảo.
Thực tế, trên toàn bộ gần 200 hòn đảo có con người sinh sống của Maldives, vẫn không thể lường hết những thách thức về rác thải nhựa. Bởi lẽ, thách thức về môi trường ở Maldives không chỉ nằm ở “đảo rác” Thilafushi mà còn ở nhiều nơi khác. Chẳng hạn, đảo Gulhi không có hệ thống chính thức xử lý mọi rác thải. Thức ăn thừa từ các khu dân cư và nghỉ dưỡng bị vứt xuống biển, nhựa chất đống sát bờ biển chờ thiêu hủy khi có gió thuận lợi và không bị thổi ngược lại về phía bãi biển du lịch.
Ông Mohamed Raisan, Tổng Thư ký Hội đồng Gulhi nhìn nhận: “Chúng tôi không có đủ nguồn lực hoặc đủ ngân sách để quản lý tình hình, hoặc thậm chí xây dựng một địa điểm an toàn để đổ chất thải”.
Hơn nữa, các hòn đảo tại Maldives đều trong tình trạng thiếu nước ngọt, dẫn đến sự phụ thuộc vào nước đóng chai và trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng nhựa.
Một nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur cho hay, ô nhiễm nhựa trên các đại dương được dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2040 nếu các chính phủ không hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường.
Hiện tại, các vùng nước xung quanh “đảo rác” Thilafushi đang bắt đầu phục hồi sau khi cải tạo đất để tạo vùng đệm từ rác thải.
Song, sự thay đổi không thể diễn ra một sớm một chiều và cũng khó để Thilafush trở lại là một đầm phá trong vắt. Maldives giờ đây vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Yếu tố có tính quyết định vẫn là phải thay đổi tư duy của con người về vấn đề quản lý rác thải, thay đổi quy trình quản lý hiện tại, xử lý rác thải đúng cách ở hộ gia đình, cộng đồng…
KHÁNH LINH (theo Channel News Asia, BBC)