Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các thiết bị đọc sách điện tử lần lượt ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho người đọc. Sách điện tử thu hút một lượng lớn độc giả trẻ, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Các thiết bị điện tử là phương tiện hữu ích giúp các bạn đọc trẻ có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Đ.G.H |
Hiện nay, đa số học sinh, sinh viên không có nhiều thời gian cho việc đọc sách giấy. Do đó, các thiết bị điện tử như smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng là phương tiện hữu ích giúp họ có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi.
Tìm kiếm nhanh, tiết kiệm chi phí
Chị Lê Vũ Kim Tuyền, sinh viên báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, chị thường tranh thủ thời gian rỗi để đọc sách điện tử trên Wattpad, Waka, Ebook với các thể loại sách liên quan đến văn học như: tản văn, truyện ngắn và sách chuyên khảo.
“Với sự phát triển của công nghệ số, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh để đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Việc tìm kiếm sách cũng rất nhanh. Người đọc muốn sách gì chỉ cần gõ tên sách là có thể tìm ra ngay. Bên cạnh đó, sách điện tử rẻ hơn sách giấy nên tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, so với thể loại sách điện tử văn học thì các loại sách về học thuật vẫn chưa được upload (đăng tải) nhiều trên các nền tảng trực tuyến nên việc tìm kiếm còn khá khó khăn. Bên cạnh đó, việc phân loại sách chưa rạch ròi, dễ gây nhầm lẫn cho người đọc. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều thư viện điện tử hơn và tích hợp được nhiều đầu sách, nhiều thể loại để người đọc có thể tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả”, chị Tuyền đề xuất.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thiên Nguyện (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho hay, anh bắt đầu đọc sách điện tử từ năm 2012 khi còn học lớp 10. Anh chủ yếu đọc truyện, tiểu thuyết trên các trang web về truyện. Chỉ cần vào Google Chrome là có thể tìm kiếm được các thể loại sách yêu thích. Truyện nào có phí thì sẽ tìm link để đọc.
“Cá nhân tôi nghĩ, lợi ích đầu tiên của đọc sách điện tử là tiện lợi vì mình không cần phải cất công đến tận nhà sách, cũng không cần phải mang sách bên mình, chỉ cần vài thao tác là có thể đọc được nội dung. Lợi ích thứ hai là tiết kiệm thời gian, chỉ cần lưu lại chỗ đã đọc là có thể mở ra đọc lại lần sau. Khi tôi vào link đọc sách thì đọc đến đâu, web sẽ hiện đến đó. Dù tôi có thoát ra thì trình duyệt Chrome vẫn lưu ở đó, chỉ cần đừng tắt trang web. Lúc nào muốn đọc lại thì tiếp tục vào Chrome để vào lại link web đó đọc”, anh Nguyễn Thiên Nguyện giải thích.
Tuy nhiên, theo anh Nguyện, một số trang web chỉ cho đọc miễn phí vài chương, vài trang đầu nên khá bất tiện cho người đọc. Bên cạnh đó, nhiều trang chen quảng cáo quá nhiều gây rối mắt. Nhiều trang đăng file ảnh rất nặng nên khi mạng yếu thì không thể xem được. Còn với sách PDF thì phải tải về máy rất bất tiện. Hiện nay, sách điện tử đa phần là sách kỹ năng sống, truyền cảm hứng, còn tiểu thuyết thì ít hơn. Nhiều bạn đọc cũng muốn đọc sách điện tử của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng nhưng chưa biết cách đăng nhập, có lẽ do công tác truyền thông chưa tới được với công chúng.
Nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc
Để nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc trên địa bàn thành phố, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số như: xây dựng các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số tích hợp; bạn đọc có thể mượn, trả sách điện tử, sách số, đọc sách số trên mạng...
Đến nay, thư viện đã số hóa khoảng 90% kho sách địa chí và đưa lên trang opac.thuvien.danang.gov.vn để phục vụ bạn đọc. Thư viện đã cấp quyền sử dụng cho bạn đọc và cung cấp user miễn phí cho người dân sử dụng hai trang mạng: thuviendientu.thuvien.danang.gov.vn và sachdientu.thuvien.danang.gov.vn; đồng thời cung cấp sách điện tử có bản quyền đến bạn đọc.
Bên cạnh đó, thư viện tham gia Liên hợp thư viện thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia để mua quyền truy cập sử dụng chung các cơ sở dữ liệu như: cơ sở dữ liệu tài liệu khoa học và công nghệ Việt Nam; bộ cơ sở dữ liệu ProQuest Central; cơ sở dữ liệu Credo Reference... nhằm cung cấp bạn đọc nguồn tài nguyên số trên các lĩnh vực nghiên cứu về khoa học và công nghệ.
Chia sẻ về ý nghĩa của chuyển đổi số trong thư viện đối với việc phát triển văn hóa đọc, bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cho biết, chuyển đổi số góp phần đưa thư viện trở thành không gian mở để học sinh có thể chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, là nơi các em hình thành và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, phát triển các kỹ năng mềm. Học sinh có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi trên nền tảng số chứ không nhất thiết cầm sách giấy hay đọc sách tại thư viện. Chức năng tìm tài liệu của thư viện cũng được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng, người dùng chỉ cần thực hiện tìm kiếm một lần trong cơ sở dữ liệu của thư viện, hệ thống sẽ trả về các kết quả phù hợp bao gồm cả các tài liệu truyền thống, tài liệu số và các tài liệu trên cơ sở dữ liệu điện tử. Chuyển đổi số còn cho phép người dùng có thể quản lý thông tin cá nhân hay lịch sử mượn trả tài liệu, lịch sử đặt và sử dụng phòng học nhóm hay các khoản phí, tiền phạt liên quan. Thêm vào đó, người dùng hoàn toàn có thể thực hiện gia hạn tài liệu hay đặt lịch các dịch vụ tư vấn của thư viện.
“Trong thời gian tới, Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, hợp đồng, thuê, mua các cơ sở dữ liệu sách số; chú trọng tài nguyên giáo dục mở; trong đó duy trì phát triển thư viện số, thư viện điện tử; xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong nước và nước ngoài; hợp tác trong bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số, sách số. Bên cạnh đó, thư viện tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp cho bạn đọc các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện mọi lúc, mọi nơi”, bà Lê Thị Bích Phượng nhấn mạnh.
Toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố hiện có hơn 354.800 bản sách giấy, hơn 6.900 bản tài liệu băng đĩa, hơn 7.460 bản sách điện tử, khoảng 500.000 tài liệu số. |
ĐOÀN GIA HUY