Bán mà được nhận

.

Xe bánh mì trước cổng trường đại học lúc nào cũng đông nghẹt người mua. Tíu tít sinh viên xếp hàng thì không nói, đằng này gần xa người ta cũng tới kiên nhẫn chờ. Có phải xe bánh mì duy nhất đâu, xung quanh thiếu gì xe bánh mì khác. Ngoài bánh mì, còn có cả xe xôi, xe bánh ướt, xe bún xào… Chẳng hiểu sao duy nhất xe bánh mì ấy, cái xe cũ sờn với người chủ cũng đậm màu thời gian, lại mua may bán đắt quá chừng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chẳng thuộc dạng tò mò, nhưng mỗi lần đi ngang qua cổng trường, tôi không thể không chú ý đám đông đang chờ đợi ở xe bánh mì đó. Một sáng rỗi rãi thời gian, ngay ngày sinh viên nghỉ học, tôi tấp vô mua một ổ. Bánh cũng ngon, hơi bình thường khi cũng chả, thịt, rau, dưa chua, tức đâu khác chi bán mì ở những hàng quán khác.

Không vội vã gì, tôi ngồi ăn bánh mì tại chỗ. Bà chủ hiền khô, thấy bánh mì hơi khô làm tôi nghẹn thì hào phóng rót cho ly trà đá. Hỏi thăm tôi mấy câu, giọng bà cũng hiền, nghe phảng phất mùi muối biển và những cơn gió nồng hậu xứ xa. Hóa ra bà cùng quê Bạc Liêu với tôi, hèn chi gần gũi. Rồi chúng tôi trò chuyện. Những câu hỏi han bình dị, nhà ở đâu dưới quê, lên đây lâu chưa, chừng nào về thăm… Theo câu chuyện, tôi thấy sao bánh mì ngon lên. Lạ lùng quá.

Và tôi biết nguyên do. Ánh mắt bà chủ khi nói về nghề thì sáng lên như lò than vừa được cời lại lửa, ngời ngời và ấm sực. Giọng như nắng trưa hè đầy gió, rộn cả tiếng ve và vòm lá lào xào. Bà chủ kể, hầu như nguyên liệu đều do bà tự tay làm. Còn lại thứ nào không làm được, bà đặt mối quen lâu năm. Bữa nào mối nghỉ, bà cũng nghỉ theo, chứ nhất định không chịu lấy hàng chỗ khác, dù có rẻ hơn. Tưởng tượng người đàn bà thấp đậm chăm chút ngâm từng hủ dưa chua, dậy sớm khìa thịt, làm nước sốt, thắng mỡ hành…, tôi nghĩ chắc bà yêu nghề lắm.

Vậy mà không. Tôi ngạc nhiên trước câu trả lời, trước cái lắc đầu nhẹ nhàng của bà, giản đơn như trái sao rụng xoay tít trong không trung, chẳng buồn, cũng chẳng hề nuối tiếc. Hóa ra ước mơ của bà khác cái nghề bán bánh mì này. Bà muốn học lên, làm cô giáo dạy Văn. Ngặt nỗi nhà nghèo, mới lớp hai phải nghỉ phụ ba má nuôi em, chữ còn chưa đọc trôi chảy. Đời cứ vậy xô, lúc học được cách làm bánh mì, bà ra xe luôn tới giờ. Xe bánh nuôi được đàn em khôn lớn, phụ chồng bà qua lúc khó khăn, nuôi bầy con ăn học. Bà mang ơn nó.

Bà kể, hồi trước đúng là không thích chuyện bán buôn, càng có ưa gì món bánh mì. Mỗi lần lúi cúi tới khuya, gà chưa gáy phải dậy, sao mà không khỏi tủi thân. Ước mơ một đằng, giờ làm một nẻo, buồn chớ. Thèm đi học, thèm trường lớp, thấy đám con nít xúm xít đồng phục cũng có chút tị ganh. Có lẽ do cảm xúc tiêu cực đó mà bánh làm chẳng mấy ngon, bán ế càng khiến lòng rầu rĩ. Bà ngẫm lại, thôi thì nghề chọn mình, mình phải học cách yêu thương nó trước. Bà ráng. Bà mày mò cải tiến mỗi ngày, cho ổ bánh mì tới tay khách ngon hơn. Lắng nghe phản hồi, chăm chú dõi theo từng khuôn mặt, từng nét cảm xúc và mừng húm khi bánh được lòng khách hơn. Mỗi lần nghe khách khen bánh ngon, bà vui như trúng số. Dần dà, bà thương ổ bánh mì từ lúc nào.

Từ sự thương, bà trân trọng khách hơn. Khi nghĩ khác đi, bà vui vẻ lên. Nhìn sự tươi tắn và hào hứng của bà, khách cũng mến. Người ta đọc được điều đó trong từng ổ bánh mì, trong cách bà bán. Người ta cũng biết bà nhớ thói quen khách hàng ai không ăn hành, ai khoái nhiều ớt. Họ quen với hình ảnh bà bán bánh mì niềm nở, lạc quan và tận tụy. Tôi cười, nói rằng ăn bánh mì bà là nhận luôn năng lượng tích cực, bởi vậy người ta mê. Bà cười đáp lại, không có đâu, người nhận nhiều là bà mới phải.

Bán mà được nhận, nhận nhiều là đằng khác. Nhận tiền thì thôi không tính, bán buôn mà. Bà nhận những nụ cười, những cái gật đầu khen mùi vị. Bà nhận những câu chuyện khách chia sẻ, trong mấy lúc cao hứng khoe họ ghiền bánh mì bà bán. Bà nhận những gương mặt quen, chọn xe bánh mì của bà chứ không phải xe khác, món khác. Bà nhận cả cách yêu thương, trân trọng nghề để rồi nghề đối đãi tốt lành. Nhớ mỗi khi tới lễ tốt nghiệp, đám sinh viên ùa ra khoe tấm bằng, có đứa ăn quen gọi bà bằng má, nói nhờ ăn bánh mì bà bán mỗi ngày mà nó học thành tài nè. Bà khóc. Coi như ước mơ của mình, theo một cách khác, chẳng phải phần nào thành hiện thực sao?

Còn tôi, tôi nghĩ tôi mới là người nhận nhiều hơn cả. Khi ngày mai trở lại công ty, tôi sẽ thử học cách yêu công việc mình làm. Chữ tâm cho đi ắt sẽ nhận lại mà, phải không?

PHÚC GIANG

;
;
.
.
.
.
.