* Tôi nghe ông nội mỗi khi nói tới tự dạng chữ Đức 德 viết theo lối Hán văn thường đọc câu ca Chim cu mà đậu cành tre/ Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm, rồi bảo đây là cách chiết tự. Chiết tự là gì? (Hoàng Ngọc Anh, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, giảng về chiết tự chữ Hán. Ảnh: V.T.L |
- Theo Từ điển Tiếng Việt, chiết tự (động từ) có hai nét nghĩa: (a) phân tích chữ Hán ra từng yếu tố, căn cứ vào nghĩa của các yếu tố mà đoán việc lành dữ, theo một thuật bói toán ngày xưa; (b) dựa theo nghĩa của các yếu tố cấu thành mà xác định nghĩa của cả chữ hoặc của cả từ. Câu ca trên là một trong những mẹo nhớ chữ Hán của người xưa, thuộc nét nghĩa (b).
Theo phân tích của TS. Nguyễn Thị Hường trong bài viết Chiết tự - Một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 5 (54), năm 2002, tr77-82, chiết tự nảy sinh trên cơ sở nhận thức về hình thể của chữ Hán, cách ghép các bộ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.
Chữ Hán luôn có sự kết hợp nổi bật của ba mặt: hình - âm - nghĩa. Và chiết tự trong những chữ Hán đã phát huy đặc điểm cấu trúc ba mặt này để tạo nên nét riêng độc đáo so với chiết tự ở những hệ thống văn tự khác.
Để dễ nhớ, chiết tự thường được thể hiện dưới dạng thơ hoặc văn vần qua hàng loạt các bài thơ, câu đố chiết tự, rất cuốn hút đối với người học chữ. Những câu chiết tự kiểu như: Cô kia đội nón chờ ai/ Hay cô yên phận đứng hoài thế cô (chữ An 安) đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học chữ Hán (đặc biệt là với trẻ nhỏ).
Người ta còn dùng câu đố chiết tự để thử tài chữ nghĩa, thử tài suy đoán của nhau. Ví dụ, khi ra câu đố Hai người đứng giữa cội cây/ Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao là chữ gì? Người giỏi chữ Hán sẽ nghĩ đến tự dạng chữ Lai 來. Chữ này hai bên có hình hai chữ Nhân 人, ở giữa có chữ Mộc 木. Hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 ban đầu là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng cho biết, chiết tự là một trong những hình thức “trực quang” để người học chữ Hán dễ nắm bắt các con chữ. Chương trình dạy chữ Hán online của ông có nhiều video, trong đó có video nói về chiết tự.
Ông dẫn bài thơ Không chồng mà chửa của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong đó có hai câu mà ông cho là tuyệt cú: Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,/ Phận liễu sao đà nảy nét ngang. Chữ Thiên 天 trong duyên thiên (duyên trời định) một khi “nhô đầu dọc” tức là có thêm nét “nhô” lên thì thành ra chữ Phu 夫 nghĩa là chồng. Chữ Liễu 了 chỉ người con gái có thân hình mảnh mai “liễu yếu đào tơ”, nếu “nảy nét ngang” thành ra chữ Tử 子 nghĩa là con. Cả 2 câu thơ tóm gọn ý đã nêu ở tựa đề: cô gái chưa có chồng mà đã có con.
ĐNCT