Công nghệ hữu ích thu gom rác thải trên bề mặt nước

.

Nhóm nghiên cứu Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã chế tạo thành công thiết bị tự động thu gom rác thải trôi nổi trên bề mặt nước ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Với đặc điểm nhỏ gọn, dễ vận hành, hiệu quả cao, chi phí thấp, thiết bị có thể lọc sạch môi trường nước và hoạt động liên tục 24/7.

Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn  (thứ hai, từ trái sang) cùng nhóm nghiên cứu tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn (thứ hai, từ trái sang) cùng nhóm nghiên cứu tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.

Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải có tính địa phương và toàn cầu, đặc biệt ở các cảng cá, hồ nước và hạ lưu sông bởi không chỉ làm bẩn nguồn nước, ô nhiễm hệ sinh thái mà còn gây mất mỹ quan công trình, đô thị. Trăn trở về điều này, nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn, các sinh viên năm cuối Phan Văn Đà, Huỳnh Tấn Ngọc và Trịnh Văn Duy (ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) chung tay tìm tòi, sáng tạo sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ cộng đồng.

Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn - Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Hiện nay, việc thu gom rác trôi nổi khá khó khăn, chủ yếu dựa vào lao động thủ công, thiếu thiết bị có tính tự động hóa, chuyên dùng. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu một số loại máy thu gom rác tự động thuộc các dự án trong và ngoài nước, nhưng để ứng dụng thì tốn kém kinh phí nhập khẩu thiết bị cũng như chuyển giao kỹ thuật. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu gần 1 năm do phải tìm vật liệu, tính toán lực hút của máy bơm, hệ thống nổi ngăn rác tràn ngược ra ngoài... để làm cho được máy thu gom rác thải tiết kiệm chi phí”.

Cơ chế hoạt động của thiết bị thu gom rác thải như thùng rác nổi lướt trên bề mặt nước bằng cách bơm nước vào thiết bị với hệ thống bơm chìm phía dưới. Phía trên là hệ thống nổi có khả năng cân bằng giữa lực hút của máy bơm và sức đẩy của bề mặt nước, giúp hút rác vào, đồng thời ngăn rác trôi ra ngoài.
Bên cạnh đó, thiết bị không chỉ thu các loại rác thải có kích thước lớn mà còn thu các loại vi nhựa có kích thước nhỏ bằng một bộ lọc bổ sung. Bằng cách hoạt động như một bộ lọc rác, thiết bị cũng có thể làm sạch nước khỏi các chất hữu cơ bị ô nhiễm như lá cây, rong biển, v.v...

Khó khăn nhất của nhóm là tìm các nguyên liệu và thiết kế chế tạo thiết bị phù hợp với chi phí thấp. Sinh viên Phan Văn Đà cho biết, qua quá trình nghiên cứu, sáng chế, thiết bị thu gom rác thải nổi trên mặt nước của nhóm đã dần được hoàn thành với những tính năng, tiện ích hiệu quả như: vận hành hoàn toàn tự động, liên tục, lắp ráp không quá phức tạp, giá thành sản phẩm phải chăng với kích thước gọn, phù hợp với các dạng thủy vực thông dụng ở địa bàn miền Trung cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước.

Theo bà Ông Thị Cẩm Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng và Môi trường, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đây là thiết bị rất hữu ích giúp thu gom nhanh chóng rác thải trên mặt nước, bảo vệ và làm sạch môi trường cảng cá cũng như các khu vực nước bị ô nhiễm tương tự. Sáng kiến này cần được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đối tác hỗ trợ để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện, tăng công suất hút thu gom rác và có thể nhân rộng, ứng dụng thực tế. Nếu đưa vào sử dụng, kể cả tiền nhân công, chi phí cho một thiết bị khoảng 15 triệu đồng tùy vào thủy vực và kích thước của thiết bị.

Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu, Phó Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, khoa sẽ luôn hỗ trợ, động viên nhóm nghiên cứu, đồng thời đề xuất nhà trường hỗ trợ nhóm kết nối, quảng bá sản phẩm, từ đó hy vọng có thêm nguồn kinh phí đầu tư để hoàn thiện về công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần làm sạch, đẹp môi trường nước vì cuộc sống của cộng đồng.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.