Nơi đất liền ở thành phố Đà Nẵng đón ánh bình minh đầu tiên trong ngày là mũi Nghê, còn gọi mũi Đà Nẵng. Đây là dãy núi ở phía đông bán đảo Sơn Trà, điểm cuối cùng của vỉa núi có mỏm đá nặng hàng chục tấn trông giống con nghê, một linh vật hiện hữu trong sự tưởng tượng của con người giống như rồng.
Vùng biển mũi Nghê. Ảnh: THÁI MỸ |
1. Hình dáng con nghê đứng tách biệt với dãy núi đá nên giá trị thiên tạo càng hấp dẫn và kéo theo những câu chuyện huyền bí đậm nét nhân văn. Có người bảo tảng đá đó giống con sư tử biển ngồi ngẩng cao đầu nhìn vào vách núi, xoay tấm lưng ra biển cả mênh mông như để chở che gió dông, bão tố.
Dân gian lưu truyền rằng, ngày xưa ghe thuyền của dân chài các làng Thọ Quang, Mân Thái ra khơi đánh cá đều phải đi qua vùng nước sát vỉa núi đá này. Đây là vùng biển gần bờ tuy bình lặng nhưng có lúc bỗng chảy xiết, cuốn xoáy nhấn chìm tàu thuyền, gây thảm họa đối với bao gia đình ngư dân nghèo khó. Kẻ gây ra nạn lật thuyền, chết chóc này chính là con thuồng luồng khổng lồ nằm dưới đáy biển quấy phá. Bà con làm lễ cầu khấn thì một con sư tử biển với cặp sừng trắng to lớn bỗng xuất hiện húc chết con thuồng luồng gian ác để bà con yên tâm ra khơi, vào lộng. Sau khi diệt được kẻ thù, con sư tử bỗng hóa đá để được mãi mãi canh giữ vùng nước non, trời biển nơi đây…
2. Mũi Nghê là thắng cảnh độc đáo được tạo hóa ban phát cho Đà Nẵng. Song, không nhiều người dân bản địa được đặt chân tới đây để đón ánh nắng sớm nhất lúc ban mai, hít thở bầu không khí trong lành từ biển và hòa mình trong làn gió nồng nàn vị mặn, bởi việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn do địa hình, núi non hiểm trở.
Đường đi khó khăn là thế, vậy mà nhóm bạn câu cá chúng tôi vẫn chinh phục mũi Nghê bằng đường bộ. Từ sáng sớm, các tay câu chở nhau bằng xe máy theo đường Hoàng Sa để lên núi Sơn Trà. Con đường nhựa nhẵn bóng ngoằn ngoèo ngập lút trong màu xanh bạt ngàn giữa một bên là rừng, một bên là vực sâu thăm thẳm của biển. Khi đến đoạn rẽ phía cây đa di sản nghìn năm tuổi thì gửi xe vào bãi để bắt đầu đi bộ. Túi đựng cần câu, thức ăn, nước uống và các đồ dùng cần thiết mang vai, giày vải buộc thật chặt rồi lần lượt men theo con đường mòn gập gềnh đá núp dưới cánh rừng nguyên sinh rậm rạp về phía đông để xuống dần vực biển.
Gần một giờ hòa mình dưới những tán rừng ngút ngát cũng là khoảng thời gian đáng giá cho các tay mê câu cá đón nhận nhiều mùi vị thoang thoảng của rừng và tận hưởng bao âm thanh lạ lẫm của hàng trăm loài chim chóc. Từng đàn khỉ đông đúc nhảy, chuyền trên các cành cây chỉ cách vị trí của người vài mét nhưng chúng không hề biết sợ bởi sự thân thiện, gần gũi giữa chúng với con người. Đôi khi chúng tôi còn trông thấy cả gia đình nhà voọc chà vá chân nâu, loài nữ hoàng đặc biệt quý hiếm trên thế giới đang sinh sống an toàn ở núi Sơn Trà.
Ra khỏi cánh rừng xanh mát, dò dẫm xuống dãy đá núi lởm chởm và mũi Nghê bắt đầu hiện ra trước mắt. Đến nơi lại thấy một nhóm khác thuê những chiếc ca-nô chuyên chở người đi câu từ trong bờ ra mũi Nghê. Họ ngồi trên ca-nô lướt từng ngọn sóng tung bọt trắng xóa nhấp nhô, toàn cảnh núi Sơn Trà hùng vĩ lọt vào tầm mắt, đặc biệt là ngắm được “con Nghê” bảng lảng trong mây khói từ xa cho tới gần.
3. Hầu hết các tay câu chọn đi bằng đường biển chủ yếu để được ngắm mây trời, non nước, các cụm san hô rực rỡ sắc màu lắc lư, nhún nhảy theo từng đợt xô đẩy của sóng ngầm. Nếu đi bằng ca-nô, người câu cá chỉ ngồi trên tàu buông cần bởi tại mũi Nghê toàn đá, không có bãi cát, sóng thường xuyên đập mạnh nên ca-nô không thể cập bờ. Ở vùng nước xung quanh mũi Nghê chủ yếu câu được cá mú đỏ thân nhỏ, cá ngân, cá phèn đá, cá liệt, cá mó.
Điều thú vị nhất là phía bên trong tảng đá hình nghê ngồi chầu là một cái hồ, được tạo thành từ các hòn đá to che chắn xung quanh. Nước biển, cá tôm trong hồ lượn lờ, biến động theo các khe hở của đá. Hồ không sâu, không sóng nhưng tua tủa các rạn san hô và vô vàn sinh vật biển nên mấy anh chàng đi câu tới đây bằng con đường rừng đều có dịp ngụp lặn trong làn nước mát rồi trèo lên các tảng đá quanh bờ thả câu.
Phong cảnh mũi Nghê là sự giao hòa giữa núi rừng với biển cả. Được trải nghiệm ở vùng nước nơi đầu sóng ngọn gió này tuy có mệt nhọc đôi chút nhưng khi nhìn thấy con nghê đá ngồi chầu giữa non xanh, nước biếc, được nhẹ nhàng thả cần, kéo cá thì lòng bỗng nhẹ tênh...
THÁI MỸ