Cuối năm 2021, tại hành lang Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình (Bệnh viện Đà Nẵng), ông Huỳnh Quang Diệu (SN 1957, thôn 4, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) buồn bã cầm trên tay hồ sơ bệnh án của con. Con số 120 triệu đồng viện phí được khoanh tròn ở dòng cuối cùng khiến ông suy sụp. Bởi lẽ, vì gia cảnh khó khăn, nhiều năm nay con trai ông không tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Tham gia bảo hiểm y tế giúp người dân tự tin tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đà Nẵng). Ảnh: H.L |
Hôm Huỳnh Nhất Công Khánh (SN 1987) - con trai ông Diệu bất ngờ gặp tai nạn giao thông, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, Khánh được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng ngay trong đêm. Lúc lên xe cấp cứu cùng con, hành lý mang theo của ông Diệu chỉ có sự lo lắng và vài trăm ngàn dằn túi. Sau khi kiểm tra vết thương, bác sĩ chẩn đoán Khánh bị chấn thương vùng đầu, mất máu, gãy chân phải, vùng da tổn thương đang có dấu hiệu hoại tử mạnh. Nếu không nhanh chóng điều trị, nguy cơ cưa chân phải của Khánh rất cao.
Ông Diệu cho biết, Khánh là lao động tự do, thu nhập không ổn định, thuộc đối tượng đóng BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình. Tuy nhiên, lâu nay gia đình ông không quan tâm điều này vì nghĩ mình còn khỏe. Bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Ngoại bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng nhớ lại, bệnh nhân Khánh khi ấy được chỉ định điều trị gấp theo phương pháp phẫu thuật kết hợp xương, làm cố định bên ngoài, nối mạch máu tại khu vực vỡ mâm chày cẳng chân phải, xử lý vùng da hoại tử, ghép da… Không có BHYT, gia đình bệnh nhân phải vay mượn bạn bè, người thân, nhà có gì bán nấy cũng không thể gom đủ số tiền viện phí cả trăm triệu đồng. Trước tình cảnh này, các bác sĩ khoa Ngoại bỏng - Tạo hình ưu tiên cứu người trước, đồng thời liên hệ Phòng Công tác xã hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình ông hơn 80 triệu đồng.
Trước đó, một bệnh nhân tên T.T.D (quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng phải chi trả hơn 300 triệu đồng tiền viện phí do không có BHYT. Trong khi đó, nếu tham gia bảo hiểm, bệnh nhân chỉ cần thanh toán hơn 60 triệu đồng (chi trả 20% chi phí điều trị theo quy định của BHYT và tiền thuốc ngoài danh mục bảo hiểm).
Chị Mai Thị Thu Thảo, công tác tại Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, BHYT giúp nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng kinh tế. Bởi lẽ, với người bệnh nặng, điều trị dài ngày, việc không có BHYT sẽ đẩy họ vào tình huống khó khăn hơn, thậm chí, bị từ chối điều trị do không đủ tiền đóng viện phí. Khi gặp trường hợp này, một mặt bệnh viện tích cực kêu gọi mạnh thường quân trợ giúp gia đình, mặt khác tư vấn bệnh nhân hiểu tầm quan trọng của BHYT nếu không may tai nạn xảy ra.
Từ năm 2016, ngoài đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, người dân đủ điều kiện mua BHYT tự nguyện sẽ tham gia đóng bảo hiểm theo hình thức hộ gia đình (những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú). Trước đó, tại Điều 22, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung 2014 nêu rõ mức hưởng BHYT theo hộ gia đình khi khám, chữa bệnh.
Cụ thể, mức đóng BHYT hộ gia đình được quy định như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến, người tham gia BHYT hộ gia đình được thanh toán 100% chi phí đối với trường hợp chi phí cho một lần khám chữa bệnh (thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám chữa bệnh tại tuyến xã); 100% chi phí đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh (thấp hơn 15% mức lương cơ sở, thấp hơn 223.500 đồng/lần); 100% chi phí khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lớn hơn 8.940.000 đồng).
Trường hợp tự chữa bệnh không đúng tuyến được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1-1-2021 tại bệnh viện tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước…
BHYT là một chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người dân tự tin tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Để bảo vệ người dân, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-2-2021 của Thành ủy Đà Nẵng đặt mục tiêu độ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn đạt 99% năm 2025. Để đạt mục tiêu này, UBND thành phố Đà Nẵng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tổ chức triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối tổng hợp, tham mưu thành phố đánh giá kết quả hằng năm cũng như biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách về BHYT. Đến nay, nhiều địa phương có độ bao phủ BHYT cao, như quận Hải Châu có độ bao phủ BHYT toàn dân trên 99%, trong đó một số phường như Hải Châu 2, Hòa Thuận Tây, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 99,89%.
Hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật BHYT, đề xuất tăng mức đóng BHYT 6% so với mức lương cơ sở đối với người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Với gói BHYT hộ gia đình, dự thảo đề nghị mức đóng người thứ nhất 6% mức lương cơ sở, người thứ 2 trở đi đóng bằng 80% mức đóng người thứ nhất (thay vì 70%, 60%, 50%... như hiện nay).
Theo tính toán của giới chuyên môn, nếu dự thảo được thông qua, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ tăng 1,5% với người thứ nhất, 10% người thứ hai và lần lượt 20%, 30% và 40% với người thứ 3,4,5, so với quy định hiện hành. Đổi lại, BHYT sẽ chi trả thêm một số dịch vụ như hỗ trợ phục hồi chức năng, sàng lọc trước và sau sinh, sàng lọc sớm bệnh mãn tính, điều trị dự phòng bệnh tật và chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi, khuyết tật nặng…
HUỲNH LÊ