Lệnh cấm xuất khẩu gà của Malaysia khiến Singapore đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt gà tươi và món “cơm gà quốc gia” đang gặp khủng hoảng.
Giá gà đã tăng từ nhiều tháng trước ở Singapore và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ảnh: CNN |
“Khủng hoảng cơm gà” ở Singapore là dấu hiệu mới nhất của tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra trên toàn thế giới, một phần do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Malaysia cấm xuất khẩu gà từ ngày 1-6
Ông Mohammad Jalehar từ những năm 1990 đã nghe cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống ở Singapore vì nguồn cung bị cắt từ phía Malaysia. Lúc đó, Jalehar còn rất trẻ. Giờ đây, ở tuổi 50, người đàn ông này bán gà cùng vợ tại một khu chợ ở quận Bedok South cảm thấy lịch sử đang lặp lại khi lệnh cấm xuất khẩu gà của Malaysia có hiệu lực từ ngày 1-6-2022 cho đến khi giá cả và nguồn cung ổn định trở lại.
Ông Jalehar cho biết, các nhà cung cấp gà đang yêu cầu tăng giá, thêm hơn 1 USD/con gà. Ông lo lắng vì không đủ tiền nhập thêm gà và không biết khách hàng có chịu mua giá cao hơn hay không. Ông Foo Kui Lian, người sáng lập Tian Hải Nam - chuỗi cửa hàng cơm gà nổi tiếng nhất ở Singapore, cũng nói rằng giá thịt gà chắc chắn sẽ tăng.
Trong khi đó, ông Daniel Tan - sở hữu 7 cửa hàng cơm gà OK Chicken Rice ở Singapore - than thở rằng lệnh cấm của Malaysia là “thảm họa” với những người buôn bán như ông. “Chúng tôi sẽ không kinh doanh được nữa. Quán cơm gà mà không có gà tươi thì chẳng khác nào McDonald’s không có burger (bánh mì kẹp thịt - PV)”, ông Daniel Tan nói.
Trong nhiều thập niên, Singapore phải dựa vào láng giềng Malaysia về nguồn cung gia cầm. Theo Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), đảo quốc sư tử hằng tháng nhập khẩu từ Malaysia gần 3,6 triệu con gà sống - tương đương khoảng 1/3 gia cầm nhập khẩu (34%); 2/3 còn lại là hàng đông lạnh: 49% từ Brazil, 12% từ Mỹ. Song, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã công bố lệnh tạm ngừng xuất khẩu gà nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả tăng vọt.
Chuyên gia kinh tế Nungsari Ahmad Radhi cho rằng, Malaysia cấm xuất khẩu gà không phải vì thiếu gà. Sản lượng thịt gà lẫn trứng gà của quốc gia này thừa cung ứng cho người dân trong nước cũng như xuất khẩu. Nguyên nhân là Malaysia phụ thuộc vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và mặt hàng làm từ ngũ cốc này tăng giá trong những tháng gần đây do gián đoạn nguồn cung từ Nga và Ukraine - những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Lệnh cấm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Singapore, bởi gà là nguyên liệu cho món cơm đặc sản của đảo quốc và khó có thể dùng nguyên liệu đông lạnh để thay thế thịt tươi.
Chính phủ Singapore khẳng định sẽ có đủ nguồn cung thịt gà, nhưng các nhà buôn dự đoán giá gia cầm sẽ tăng cao. Hiện một con gà có giá 3 USD và mức giá này có thể tăng lên 4-5 USD/con khi lượng hàng dự trữ giảm.
Tìm giải pháp giảm phụ thuộc nguồn cung
Khủng hoảng “cơm gà quốc gia” là dịp để Singapore nhìn lại tình trạng dễ tổn thương khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung lương thực, thực phẩm. Bộ trưởng Phát triển Bền vững và Môi trường Singapore Desmond Tan cho biết, chính phủ đang làm việc với nhiều phía nhằm tăng nhập khẩu thịt gà từ những nguồn khác ngoài Malaysia. Bộ trưởng Tan nói rằng, Singapore sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm và kêu gọi người dân hợp tác để cùng vượt qua khó khăn.
Nhận định về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: “Lần này là thịt gà, lần sau sẽ là thứ khác, chúng ta phải làm quen dần”.
Mặc dù là một quốc gia giàu có ở châu Á nhưng Singapore chỉ sản xuất 1/10 nhu cầu thực phẩm trong nước và nhập khẩu mọi thứ từ gạo đến cá, thịt heo, rau, khoai tây... Từ năm 2019, Singapore bắt đầu thực hiện “Kế hoạch 30” nhằm sử dụng công nghệ, tiến hành các phương pháp mới để sản xuất, hướng đến mục tiêu đáp ứng 30% nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước trước năm 2030. Đến nay, chương trình vẫn chỉ ở giai đoạn đầu, với việc chính phủ đầu tư hàng triệu USD hỗ trợ tài chính cho các trang trại và dự án nghiên cứu sản xuất lương thực tại các đô thị.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngay cả khi đạt mục tiêu đáp ứng 30% nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước, Singapore vẫn phụ thuộc 70% nguồn lương thực, thực phẩm nhập khẩu, theo nhận định của ông Paul Teng - chuyên gia an ninh lương thực tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh phi truyền thống thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Vì vậy, về lâu dài, chính phủ cần tính toán những phương án dài hơi khi gần 6 triệu dân hầu như không có đất nông nghiệp. Đây hiển nhiên là bài toán khó.
KHÁNH LINH
(theo CNN, ABC News, Reuters, SCMP)