VĂN CHƯƠNG TRẺ

Mong chờ những bứt phá

.

Từ ngày 18 đến 19-6, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của 119 cây bút trẻ được chọn lựa từ 63 tỉnh, thành. Hội nghị là cú hích để thúc đẩy sự sáng tạo của các cây bút, qua đó làm nên một diện mạo mới cho văn học trẻ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (bên trái) tặng hoa chúc mừng tác giả Yang Phan với tập truyện dài “Vụn ký ức” đoạt giải Nhì - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII.  (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (bên trái) tặng hoa chúc mừng tác giả Yang Phan với tập truyện dài “Vụn ký ức” đoạt giải Nhì - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)

Theo Hội Nhà văn Việt Nam, đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ hội nghị gần đây. Tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh (SN 2007) hiện là học sinh một trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chiếm số lượng đông đảo là các tác giả độ tuổi từ 22-30. Địa phương có đại biểu đông nhất là Hà Nội với 27 đại biểu, đứng thứ hai là Thành phố Hồ Chí Minh với 22 đại biểu.

Cần những cú hích mạnh mẽ

Dù có nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ được xuất bản trong thời gian qua, lên tới hàng ngàn cuốn sách ở các thể loại, nhưng rất khó điểm những tác phẩm nổi bật, hoặc tạo được những tranh luận học thuật. Tác phẩm có chiều kích lớn, phá vỡ những giới hạn thẩm mỹ, gây tranh cãi trong cộng đồng đọc và các nhà phê bình càng không có. Ngay cả Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII do NXB Trẻ tổ chức, sau gần 3 năm phát động, nhưng kết quả cũng không tìm ra tác phẩm đoạt giải Nhất.

Mặc dù có tới 511 tác phẩm của các cây bút trong cả nước gửi tham dự, thậm chí có cả tác phẩm của các tác giả đang sống ở nước ngoài, nhưng chỉ có hai giải Nhì được trao cho Yang Phan (Phạm Anh Tuấn) với tập truyện dài Vụn ký ức và Duy Ân với truyện ngắn Nửa lời chưa nói. Giải Ba thuộc về Lê Quang Trạng với tác phẩm Vệt sáng của bụi và Nguyễn Thu Hằng với tác phẩm Chuồng cọp trên cao.

Điều đó cho thấy phần nào bức tranh của văn học trẻ hiện thời. Vì vậy, cần thêm những cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy các cây bút trẻ bung tỏa bút lực thông qua những tác phẩm văn chương thật sự mới mẻ.

Vì sao chúng ta viết?

Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhấn mạnh hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này là dịp để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi của các cây bút trẻ trên cả nước về công việc viết văn. Đây cũng là dịp để Hội Nhà văn Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cây bút trẻ, hiểu được những người trẻ đang viết gì, có thái độ và trách nhiệm như thế nào với việc cầm bút. Từ đó, Hội Nhà văn Việt Nam, các thế hệ đi trước có thể trợ giúp, đồng hành với họ trên chặng đường sáng tác, đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.

Chọn chủ đề “Vì sao chúng ta viết”, hội nghị một lần nữa gửi gắm thông điệp về trách nhiệm cũng như thái độ của các nhà văn trẻ trước khi viết bất cứ tác phẩm nào. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” không mới, không phải bây giờ mới được đặt ra, mà đặt ra từ khi văn chương xuất hiện, từ khi nhà văn đặt bút viết. Nền tảng cuối và duy nhất của nhà văn phải dựa trên chủ nghĩa nhân đạo nhân văn. Vì thế, câu hỏi này ở thời điểm này vẫn là cần thiết và cấp bách, không chỉ đối với các nhà văn trẻ, mà còn với tất cả các nhà văn mỗi khi họ viết.

“Chưa bao giờ các giá trị về đạo đức, tinh thần, văn hóa, nhân tính có nguy cơ bị đe dọa và phá vỡ nhiều như bây giờ và con đường duy nhất mà nhà văn cầm bút là phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Tại hội nghị lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó. Văn học phải bảo vệ con người, thiên nhiên, nền văn hóa, là sự chia sẻ với con người khổ đau và tạo ra những giấc mơ đẹp đẽ…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng, tại hội nghị lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi về sự hiển lộ lương tri nhà văn trước cuộc đời và trang viết. “Sự phong phú và đa dạng trong các thể loại, khuynh hướng trong nghệ thuật viết văn mỗi lúc một đa dạng. Kỹ thuật viết văn của các nhà văn hiện nay rất cao. Nhưng họ phải trả lời rằng họ mang nghệ thuật ngôn từ để làm việc gì. Đó là bảo vệ thiên nhiên, con người, nền văn hóa…”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X có 138 đại biểu tham dự, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ nhiều vùng, miền. Trong khuôn khổ hội nghị có 2 hội thảo thơ, văn xuôi, tập trung bàn về thái độ và trách nhiệm của người cầm bút với cuộc sống, xã hội, đồng thời trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết”; tọa đàm “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bên cạnh đó, các đại biểu còn thăm, tặng quà thầy trò Trường Hy Vọng - nơi nuôi dạy các em nhỏ mồ côi sau đại dịch Covid-19; đi thực tế tại địa phương…

Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu 2 tập sách tuyển chọn nhiều sáng tác của các tác giả là đại biểu chính thức gồm tập truyện ngắn Mắt lửa và tập thơ - tiểu luận phê bình Mạch rồng.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.