Bệnh viện Tây ở bán đảo Sơn Trà

.

Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của Việt Nam, nên từ các thế kỷ 17-19, các nước phương Tây trong hành trình đến các quốc gia Đông Á hoặc đến Việt Nam thường ghé vịnh Tourane (Đà Nẵng) để tìm cách mở rộng buôn bán, giao thiệp và tiến đến xâm lược. Trong đó, có một vấn đề lý thú liên quan là thông tin về bệnh viện Tây ở bán đảo Sơn Trà, hay chính xác hơn là một bệnh viện dã chiến phục vụ các tàu chiến phương Tây trong hành trình xâm nhập Việt Nam, vì họ đi trong điều kiện dài ngày và thời tiết nắng nóng xứ nhiệt đới.

Vị trí Hôpital Français (Bệnh viện Pháp) trên bản đồ các khu vực chức năng của liên quân Pháp - Tây Ban tại bán đảo Sơn Trà trong thời gian xâm lược Đà Nẵng (1858-1860). (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Vị trí Hôpital Français (Bệnh viện Pháp) trên bản đồ các khu vực chức năng của liên quân Pháp - Tây Ban tại bán đảo Sơn Trà trong thời gian xâm lược Đà Nẵng (1858-1860). (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

Thông tin đầu tiên về bệnh viện Tây ở bán đảo Sơn Trà được đề cập qua hành trình đến Trung Quốc của bá tước người Anh Macartney vào năm 1793 trên tàu H.M.S Lion, khởi hành ngày 26-9-1792 và 8 tháng sau tới vịnh Đà Nẵng vào ngày 25-5-1793. Tàu được trang bị 64 đại bác, do thuyền trưởng Sir Erasmus Gower chỉ huy. Đi cùng có Hindostan - tàu thuộc Công ty Đông Ấn, nặng 1.248 tấn, do thuyền trưởng William Mackintosh chỉ huy. Đi kèm hai tàu lớn này là thuyền hai buồm Jackall. Theo A. Lamb (2022) trong cuốn Con đường thiên lý - hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19 (NXB Hội Nhà văn, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, tr.26), đoàn tùy tùng “không dưới 95 người, bao gồm các phiên dịch viên Hán ngữ, các họa sĩ, một nhà thực vật học và các nhà khoa học khác”.

Nhật ký ngày 5-6-1793 của bá tước Macartney cho biết: “Khí hậu vịnh Đà Nẵng đặc biệt ôn hòa, mặc dù nằm ở 16,6 độ vĩ Bắc. Buổi tối mát mẻ và dễ chịu; từ 9 giờ sáng trở đi, không khí bí bức và ngột ngạt, nhưng gió biển sẽ đi vào và xoa dịu nó với khí mát, từ cả cửa vịnh và từ eo đất hẹp nối New Gibraltar với đất liền. Nhờ khí hậu trong lành và lương thực tươi mà những người bị ốm, bị thương nhanh chóng khỏe lại và chúng tôi dự kiến sẽ sớm tiếp tục hành trình. Sir Erasmus Gower, Đại tá Benson và tôi tới thăm nhà thương được bố trí tại một địa điểm duyên dáng của bán đảo mà chúng tôi đã đặt tên là New Gibraltar, vì sự tương đồng nó làm tôi nghĩ đến bến cảng nổi tiếng ở châu Âu (tức bến cảng Gibraltar, giáp ranh giới phía bắc Tây Ban Nha, nơi thuộc về người Anh vào thế kỷ 18).

Các nhà thương được dựng trên một vùng đồng bằng hơi dốc, đây đó được phủ bởi những cây bụi và bụi rậm đủ lớn tạo thành các vòm cây thuận tiện mà bên dưới, các thủy thủ đã dựng những túp lều bằng cột buồm, mái chèo, cột, cánh buồm và cờ cũ [...] để những người bị bệnh tiện tá túc và được chăm sóc. Ba dòng suối nhỏ chảy quanh năm từ trên đồi qua khu doanh trại là nguồn nước cho nhà thương, chúng chạy ra biển qua bờ cát mịn, nơi các con thuyền có thể cập bến mọi lúc, dễ dàng và an toàn”.

Như vậy, bệnh viện Tây dã chiến này được bố trí tại “một địa điểm duyên dáng của bán đảo”, khi đối chiếu với thực địa hiện nay chính là khu vực đối diện bên kia đường Yết Kiêu về phía bắc của Chi đội Kiểm ngư số 3 đóng trên bán đảo Sơn Trà.

Đến năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, họ cũng đã nghiên cứu và nhanh chóng thiết lập một khu đồn trú trên bán đảo Sơn Trà. Tác giả Benoist d’Azy trong cuốn L’expédition francaise en cochinchina (Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp), Sở Lưu trữ Lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp - Château de Vincennes, tr. 25, cho biết thông tin về bệnh viện như sau:

“Chúng tôi tiến thành xây dựng 800 mét cầu cống, làm một bến để dỡ hàng; người ta tiến hành đóng sà lan; dựng các lán gỗ để làm bệnh viện có sức chứa 200 giường. Người ta cũng xây một nơi trung chuyển hàng hóa, nhà bến, nhà kho, các nhà ở cho sĩ quan, các doanh trại dựng bằng tre nứa, phải mất 6.000 ngày để làm đường nối các địa điểm lại và sử dụng hằng ngày. Tất cả các công việc này được thực hiện trong 3 tháng ở một vùng đất khó thực hiện, buộc phải dùng thuốc nổ để phá đá. Mưa rơi không ngừng giữa tháng 9, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Những việc tay chân ở xứ nóng đối với người Âu rất nguy hiểm; đối với binh lính ngủ dưới lều, dầm mưa dãi nắng đêm ngày, nằm dưới bùn đất, và nguy hiểm hơn là bị bệnh dịch: tiêu chảy, kiết lỵ, scobut (bệnh do thiếu vitamin C, biểu hiện với những triệu chứng: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương)...”.

Sau mấy ngày đầu giao tranh, trọn bán đảo Sơn Trà cho đến đồn An Hải đều thuộc về quân Pháp, họ sắp xếp doanh trại, bệnh viện, nhà kho, mở đường sá, xây dựng pháo đài. Ngày 20-10-1858, “tất cả các vật liệu được vận chuyển đến các vùng cao của bán đảo Tien-Tcha (Tiên Sa, tức bán đảo Sơn Trà, theo cách ghi của người Pháp), đã được dọn sạch; chúng được sử dụng để xây dựng doanh trại cho bệnh viện, doanh trại lính và kho tàng. Từ pháo đài Bắc đến ụ pháo Labbe, những ngôi nhà mọc lên, một số nhà kho cung cấp thực phẩm đặt trên bãi biển. Các cạnh của phần phía đông của vịnh trông giống một thị trấn nhỏ”.

Bệnh viện này có ý nghĩa lớn đối với liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong những ngày đầu xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng trong những năm 1858-1860. Thông tin trên về bệnh viện Tây trên bán đảo Sơn Trà cùng với các địa điểm lịch sử khác như Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (thường gọi là I-pha-nho) minh chứng quá trình xâm lược của phương Tây vào Việt Nam, trực tiếp là Đà Nẵng; đồng thời cho thấy một góc nhìn rõ hơn về sự chuẩn bị kỹ lưỡng của liên quân trước khi xâm lược Việt Nam.

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.