Giả bộ đi làm

.

Bây giờ, ngồi nhớ lại, Khương thấy có những khoảng thời gian vô cùng khó khăn, không những về kinh tế mà cả niềm tin luôn bị chất vấn, mà đối tượng bị chất vấn là mình, người chất vấn là vợ mình.

Khương đọc lại những dòng tin nhắn cũ: “Anh có đi qua những chỗ này không?”.

Điện thoại ting ting khi Khương vừa về đến nhà, chưa kịp cởi khẩu trang để thở một cái cho nhẹ nhõm, cởi chiếc mũ bảo hiểm cho mồ hôi trên tóc bay đi, Khương đã nhận câu hỏi ngoài mong đợi, một câu hỏi mà mười năm vợ chồng chưa hỏi nhau, không có quyền hỏi nhau, nay được phép hỏi. Khương đá chân chống xe, xách đồ vào nhà, miệng làu bàu chỉ để cho mỗi mình nghe.

Ngoài kia vắng lặng tiếng người, thỉnh thoảng có tiếng xe máy rồ rồ và nghe tiếng còi xe cấp cứu. Khương nhìn màn hình, vợ Khương còn chụp nguyên những địa điểm mà bệnh nhân mắc Covid-19 đã đến, gửi cho chồng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khương đập mạnh tay vào yên xe. Con chó Ố Ồ trong nhà “quắc” lên một tiếng.

Khương nhìn nó, ánh mắt tròn xoe. Khương mỉm cười, mỗi khi vợ to tiếng trong nhà, Khương đứng chỗ nào, con Ố Ồ đứng chỗ đó với Khương. Và khi sự chịu đựng hết cỡ, anh buông hai tiếng “đủ rồi”, con Ố Ồ cũng nhảy lên “quắc” một tiếng khiến cả nhà bật cười, hòa giải.

Khương mở cửa, ném bao thức ăn vào trong nhà. Hơn một năm qua, Khương rối bời vì không có việc làm cụ thể. Khương vẫn nói với vợ rằng, Khương làm việc ở thành phố.

Vợ Khương luôn bận tâm mỗi khi Covid-19 trở lại thành phố này. Nhưng không bao giờ Khương bận tâm, anh không đọc các bản tin đó. Không việc làm, cả nhà đói, con Ố Ồ cũng đói theo. Thỉnh thoảng vợ Khương hỏi, anh làm bên đó có thấy xa không? Bên đó, họ không cho người tỉnh khác đến, anh làm sao đi được? Khương ôn tồn nói với vợ, anh cảm thấy thoải mái khi chạy xe máy một mạch theo đường bờ biển ra thành phố. Mỗi lần đi như vậy, trong đầu ngân nga một bài hát là đã đến chỗ làm.

Vợ Khương không xác nhận đã nghe. Khương đoán, vợ cho rằng mình không thuộc con người của nghệ thuật, làm gì có thơ mà hát, lấy đâu ra nhạc mà ngân rung. Những người trước tán tỉnh cô ấy, họ có điều đó, còn Khương lầm lì, ít nói mà lại thành chồng cô.

“Anh đã thay đổi hồi nào mà thơ nhạc ngân rung?”

“Ô, hay. Hiện tại không nghĩ về bài hát thì nghĩ về cái gì?”, Khương giải thích với vợ.

Mỗi buổi chiều về, không phải vì lao động mệt nhọc mà thiếu những ngân rung. Khương không nói tiếp cho vợ biết, vì lẽ, vợ anh hay phát sinh nhiều câu hỏi nhằm bắt anh phải giải trình những việc đã làm trong ngày hôm nay, có kín thời gian không, hay đôi khi vẫn gặp gỡ người cũ, ôn kỷ niệm xưa, hiện giờ đầy rẫy những nhóm hẹn hò trên mạng, không bến nọ cũng bờ kia.

Ở một thế khó khăn khi trả lời, Khương đáp, bình thường, mọi việc bình thường.

Thế rồi, Khương nhận ra câu trả lời của mình lặp lại, cộc cằn, không thỏa đáng. Khi vợ anh không hỏi nữa, anh lại tìm cách kể cho vợ nghe. Khương luôn sắp xếp câu chuyện có tính logic để không bị lộ ra rằng, hôm trước nói này, hôm nay nói khác, mà chuyện của Khương chỉ xoay quanh bữa cơm trưa canh mặn, cơm nguội, cá khô rang cứng quá. Thế rồi, Khương rơi vào trạng thái lo sợ rằng anh không thể mạnh mồm, không nói thẳng ra địa chỉ nơi anh làm, và tiền lương cũng không có vì lâu nay vẫn nói đi thử việc chỗ này, chỗ khác.

Thực tế, sáng nào Khương cũng mang cặp lồng cơm cho bữa trưa ra ngoài resort bỏ hoang bên bờ biển. Sau những đợt giãn cách, cộng với những trận bão cuối năm, nhiều resort, khách sạn, nhà hàng bỏ hoang, nơi đó như một điểm trú ẩn tuyệt vời cho những con người chán nhà ra chỗ vắng. Mà thôi, kể chuyện đó ra, vợ lại hỏi ra đó với em nào, rồi bồi thêm không lẽ ở một mình mà được mười tiếng mỗi ngày.

Ở resort nhìn ra bờ biển, thỉnh thoảng Khương bắt gặp một hoặc vài người đi dọc theo bờ nước, đi trong trạng thái ngóng chờ, phấp phỏng. Một vài vợ chồng già, sáng nấu cho nhau ăn, trưa ra nằm phơi nắng.

Ố Ồ đứng đối diện, nhìn Khương với câu hỏi, chuyện gì đang xảy ra?
Và trong suốt hơn năm qua, nhìn vào ánh mắt của ai cũng bật lên câu hỏi như vậy. Chuyện gì đang xảy ra, tạm ổn không?

Khách sạn không khách, bộ phận đầu bếp như Khương bị nghỉ việc đầu tiên. Khương ở nhà nấu ăn cho vợ con nhưng chỉ được thời gian, vợ anh ca cẩm các món của anh không đậm chất Việt, không ngon. Khương biết, anh là đầu bếp Tây nên nấu cái gì cũng có thói quen dùng nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng ở nhà không sẵn có, mua cũng rất đắt tiền nên anh nghĩ cách chế biến theo phiên bản gần giống, gần đúng. Món ăn do con người nghĩ ra, chế biến nó và được công nhận chứ đâu phải thánh thần ban phát. Cao điểm, khi Khương nấu món mì ống, vợ anh nếm qua buông lời rằng do anh nấu vụng nên người ta mới cho nghỉ việc.

Khương nhìn bàn ăn trong âm vang ê chề. Cuộc sống gia đình đang có những âm ỉ khó chịu. Và điệp khúc tiền dầu nấu ăn, tiền gas, tiền điện, tiền nước... cứ vang lên.

Khương từ bỏ ước mơ làm đầu bếp gia đình.

Hết giãn cách đợt đầu, Khương đi làm, đến chỗ nào cũng nhận được câu trả lời, họ đang có bếp cũ. Khương đi chán, rồi qua homestay của người bạn. Bạn Khương nói, chưa tìm được việc làm thì đến đây, nước lọc uống miễn phí, wifi miễn phí, bể bơi cũng miễn phí luôn nhưng bước vào phòng nghỉ là mất phí đấy. Ánh mắt hoang mang, nỗi lo tiền bạc vùi dập năng lượng sống của con người. Bạn phàn nàn, bây giờ tôi “giật gấu vá vai” ngày một, tiền trả nhân viên lễ tân, người quét dọn, tiền điện... Ông không kinh doanh, không phải vắt tay lên trán suy nghĩ, sướng chán.

Khương khựng người trên yên xe máy, ở nhà bà vợ than, tới đây gặp đứa trút giận. Khương nghĩ và rồ ga chạy tuốt ra bờ biển.

Biển vắng, Khương bước xuống bờ cát, kệ sóng xô, nước đổ vào ống quần. Ngửa cổ hít thật sâu, thở từ từ để lấy lại cân bằng cho mình. Khương nghĩ, khi không bên cạnh ai, đời cũng nhẹ nhàng. Đi dọc bờ biển, Khương hát nghêu ngao: “Những con chó không ăn rau, những con trâu không ăn thịt, những con vịt không ấp trứng và những thiên hướng không lôi thôi, tôi đi tìm lò vôi, tôi đi tìm lò gạch... Ò í e, o ò”.

Một cái ghế dưới cái dù được tết bằng lá, bỏ hoang đã lâu, chủ nhân không kinh doanh, Khương ghé mông, chụp loạch xoạch vài bức hình, định đăng zalo, nhưng thôi. Gần đây, trên facebook của vợ luôn kích hoạt triết lý đạo nghĩa vợ chồng, dẫn những lời răn, câu dạy toàn sự hoài nghi, khiến niềm yêu thương tin tưởng chênh vênh vực thẳm. Họ rảnh, vợ mình rảnh, rồi đến mình cũng rảnh luôn ha? Thôi, bỏ đi cho yên thân. Vợ Khương hay đọc chuyện bịa các tình huống gia đình chồng nọ vợ kia với những tham vấn trầm trọng, và cô ấy cứ vơ vào như chuyện của mình, đang xảy ra với mình, điều này khiến Khương không thoải mái.

Khương không like cũng không còm-men (comment). Chúng ta là vợ chồng, hỉ nộ ái ố... có đủ. Việc chi phải tương tác trên phây. Facebook của vợ Khương trích dẫn: “Sống ở trên đời, không nên có tâm hại người nhưng cần phải có tâm phòng người”. Một trích dẫn khác: “Người chồng tốt là người đi đâu cũng hỏi ý kiến của vợ, vợ vui thì đi, vợ không vui thì ở nhà với vợ”. Một trích dẫn khác nữa: “Cái khổ của đàn ông là lấy phải người vợ đua đòi, cái khổ của đàn bà là lấy phải người chồng lười biếng”. Và một câu khác nữa: “Phải nhớ con Covid phòng được người ngoài nhưng người thân quen, làm việc chung, ăn ngủ chung, phòng không được”...

Nhưng hôm nay, rõ ràng Khương ra thành phố, mua một bao thức ăn cho con chó. Sau đó, anh gọi điện thoại hẹn một người bạn đi uống cà phê. Anh ta có một cái xưởng đóng đồ gỗ rẻ tiền, sản phẩm là giỏ hoa, thùng đựng rau... cho các siêu thị, quầy hàng ở chợ. Công việc của công nhân, ráp đinh cho những thanh gỗ dính vào thành hình khối đã được định sẵn, không cần học nghề, bắt tay vào làm được ngay. Làm cái đầu tiên xấu xí, cái thứ hai đỡ xấu, cái thứ ba sẽ tròn trịa ăn tiền. Công việc không tính thời gian mà tính sản phẩm. Mỗi sản phẩm được trả 7 ngàn đồng, sản phẩm khó hơn, to hơn thì được trả 10 ngàn đồng, bình quân mỗi người đóng được từ 30-50 sản phẩm cho một ngày công, thu nhập cũng hơn 200 ngàn đồng mỗi ngày. Khương tính sẽ làm việc đó kiếm tiền tiêu. Không có tiền khổ thân lắm, đầu óc hoang mang, tay chân rã rời. Nhưng gặp, bạn Khương thông báo, từ đợt giãn cách hồi năm ngoái, xưởng bị cháy rụi. Anh ta cũng đang lo kiếm vốn, tìm địa điểm để lập xưởng mới.

Có được bảo hiểm đền bù gì không? Bạn Khương đáp, không! Mấy tấm tôn lợp, ít gỗ tận dụng, năm bảy công nhân, đất thuê giá rẻ, may không chết người, chỉ tiếc cái máy bào gỗ vài trăm triệu đồng.

Tóc bạn bạc đi khá nhiều. Và ánh mắt thất thần như phía sau có người đòi nợ, phía trước có người gọi ông chủ có việc làm không? Khương vớt một cục đá lạnh lên rồi thả keng vào trong ly. Nhìn ly cà phê nhạt màu, Khương nói vui, đá đang tan chảy trong nước, mọi thứ đang mất thành phần, màu nhạt, tình tan. Rồi, Khương nhếch mép cười, bạn không có cơ hội làm ông chủ của tôi.

Về đến nhà lại nhận thêm tin nóng, cảm giác như bắp chân chạm vào pô xe, bỏng rát, cuộc sống sao cứ liên tục nhỡ nhàng thế này nhỉ.

Khương ngồi phịch xuống góc nhà. Con chó mà cả nhà đồng ý đặt tên Ố Ồ vui như thể, nó bị cả nhà bỏ rơi, bây giờ đoàn tụ. Nó ngửi giày, quần, áo, cánh tay và nằm phịch xuống cạnh Khương.

Khương xoa đầu nó.

Khương muốn nhắn cho vợ, đón con ở trường rồi về bên ngoại. Nhưng rồi Khương buông điện thoại, bình tĩnh đặt câu hỏi, có cần thiết phải nhắn từ bây giờ không?

Khương rà soát lại mình, trước khi ngồi cà phê với bạn, anh có đi thọc sâu vào cửa hàng bán thức ăn cho chó, trước đó anh có vào tiệm chơi Keno Vietlott làm mấy ván kiếm vận may. Toàn địa điểm người ra, người vào, có biết cái con virus xanh đỏ ra sao đâu mà tránh...

Khương định thần, đang còn thời gian để nói rằng mình có thể có nguy cơ hoặc không có nguy cơ. Khương đưa cánh tay áo vào mũi mình ngửi xem nó có mùi lạ không, rồi anh lại dùng lòng bàn tay xoa vào hai ống quần và đưa lên mũi ngửi tiếp. Nó chỉ có mùi mồ hôi, mùi khét của khói xe, của nắng nóng, không có mùi lạ để khẳng định có con virus bám vào áo quần. Con chó cũng ngơ ngác ngửi theo những chỗ chủ nó đã ngửi và ngửi bàn tay Khương, ánh mắt nó hân hoan rằng, anh vẫn là chủ, vẫn mùi quen thuộc. Ngửi xong, nó ngoan ngoãn nằm cạnh Khương, như thể nó muốn nói rằng, tôi không bận tâm, đừng lo.

Nền nhà mát, tiếng quạt êm cũng đủ để con chó vui và một con người nén nghĩ suy mông lung. Khương tính toán, con đã có vợ đưa đi và đón về vì cô ấy làm việc trong trường học. Và con Ố Ồ, Khương mua, Khương sẽ mang nó đi cùng mình.

Nhưng đi đâu? Khương tự hỏi chính mình. Khương đứng dậy nhìn tờ lịch rồi lật nó lên, tháng ngày trên đó, Khương đáp với chính mình, kệ đi, ngày mai mình đưa con Ố Ồ đi theo, mình vẫn tiếp tục đến chỗ đó.

Khương phác tay vào không khí, quả quyết. Mình vẫn giả bộ đi làm.

NGUYỄN NINH

;
;
.
.
.
.
.