Việc gìn giữ giá trị văn hóa đình làng chính là kế thừa, phát huy dòng chảy văn hóa dân tộc. Cùng với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng đã đầu tư trùng tu, tôn tạo nhiều đình làng, nhà thờ có kiến trúc cổ độc đáo và có giá trị văn hóa, từ đó phục dựng, gìn giữ nhiều lễ hội văn hóa và phong tục truyền thống, góp phần gắn kết cộng đồng làng xã, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
Nhà thờ chư phái tộc làng Quá Giáng sau khi được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Đ.G.H |
Đến nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 32 di tích - lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp thành phố. Từ năm 2016-2020, nhiều di tích trên địa bàn huyện đã được thành phố quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo gần như hoàn chỉnh, khang trang từ ngoại vi đến công trình trung tâm, làm nổi bật được giá trị, tạo cảnh quan hài hòa cho tổng thể di tích. Trong thời gian này có 16 di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí 49,194 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là 47,954 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của huyện.
Nhìn chung, các di tích được trùng tu, tôn tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng công trình; tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn; không làm sai lệch, biến dạng các đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích; qua đó góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, nét đẹp các đình làng; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Có thể thấy rõ điều này khi về xã Hòa Phước, nhiều đình làng và nhà thờ được thành phố và huyện đầu tư trùng tu, tôn tạo khang trang, cảnh quan thôn, làng có nét đẹp thôn quê, dân dã. Mặc dù bị ảnh hưởng Covid-19, nhưng trong năm 2021, thành phố đã đầu tư trùng tu, tôn tạo Đình làng Quá Giáng 4 tỷ đồng, Nhà thờ chư phái tộc làng Quá Giáng 8 tỷ đồng; huyện đầu tư Nhà thờ tộc Đinh 4,6 tỷ đồng; từ đó gìn giữ nhiều văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, dân ca, trò chơi dân gian… phục vụ cộng đồng. Đình làng trở thành nơi con cháu trong làng và nhiều người đi làm ăn xa về tham gia lễ hội, thăm hỏi người thân…
Đặc biệt, với người dân Trà Kiểm (xã Hòa Phước), miếu Ông ngay giữa làng là nơi gắn liền với lễ hội Tắt bếp. Vào tối 11-2 âm lịch hằng năm, cả làng trên xóm dưới của thôn Trà Kiểm quây quần về miếu Ông làm lễ tế rước tiền hiền, tổ tiên. Tối đến, thanh niên quây quần hát hò, biểu diễn văn nghệ, còn người lớn tuổi thì rộn ràng hô hát bài chòi. Ngày hội chính của lễ hội diễn ra vào sáng sớm 12-2 khi cả làng tập trung tại nhà văn hóa thôn để tổ chức lễ chính tế thần, thành hoàng với cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập trong việc bảo tồn và gìn giữ di tích như: Ban quản lý/Tổ bảo vệ di tích đa số đều kiêm nhiệm, chủ yếu là người dân địa phương và là người cao tuổi; hoạt động theo hình thức tự nguyện, chưa có cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ nên chưa phát huy được hiệu quả công việc. Các sắc phong, hiện vật của di tích chưa được bảo quản, giữ gìn đúng kỹ thuật, khoa học, phù hợp với quan điểm bảo tồn nên có khả năng gây nguy hại cho hiện vật trong tương lai.
Một số di tích sau khi trùng tu, tôn tạo vẫn chưa trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn liền cộng đồng, hay những điểm tham quan, du lịch được đông đảo du khách biết đến. Việc gắn kết phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch chưa đồng đều. Ngoài một số lễ hội được tổ chức quy củ như lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản… thì các lễ hội dân gian khác chưa được phát triển về quy mô, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí và đối tượng tham gia còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, đa số các lễ hội đình làng đều giống nhau, ít nhiều làm mất đi tính phong phú, đa dạng của lễ hội.
Để làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ di tích, thành phố cần kiện toàn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý của Ban quản lý/ Tổ bảo vệ di tích trên địa bàn để bảo đảm hoạt động hiệu quả. Song song với việc tu sửa cấp thiết di tích là bảo quản các hiện vật di tích một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng hư hỏng, thất lạc; đồng thời khai thác phát triển các sản phẩm du lịch tại một số điểm di tích có khả năng thu hút để phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ, gìn giữ di tích trước các hành vi xâm hại di tích văn hóa. Muốn vậy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa - lịch sử.
ĐOÀN GIA HUY