GIỮ GÌN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Thúc đẩy bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ tu

.

Bảo tồn văn hóa Cơ tu được UBND thành phố Đà Nẵng triển khai năm 2018. Từ đó đến nay, cộng đồng người Cơ tu sinh sống tại xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống với hy vọng tạo thành nguồn lực phát triển kinh tế.

Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí Đinh Văn Như chăm chuốt cây nêu mô hình, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ tu. Ảnh: T.Y
Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí Đinh Văn Như chăm chuốt cây nêu mô hình, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ tu. Ảnh: T.Y

Gian nan phục dựng nghề truyền thống

Cách đây 5 năm, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1990), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Lang trở thành Tổ trưởng Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ tu. Tổ có 20 thành viên, được UBND xã thành lập trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 22-2-2018 của UBND huyện Hòa Vang về khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu trên địa bàn huyện.

Như nhiều phụ nữ Cơ tu khác, chị Lan xem đây là cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống, kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình. Lớn lên khi nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng dân tộc Cơ tu sinh sống nơi thượng nguồn sông Cu Đê đã mai một, chị Lan hiểu, để xây dựng được nhóm thợ lành nghề rất khó khăn. Chưa kể, nhiều phụ nữ Cơ tu không mấy mặn mà việc quay lại bên khung cửi. Trong vai trò tổ trưởng tổ hợp tác, chị Lan cùng cán bộ xã đến từng nhà vận động, động viên chị em tham gia đầy đủ các buổi tập huấn. Để mỗi thành viên gắn bó với nghề dệt, bên cạnh việc tổ chức lớp học miễn phí, UBND xã Hòa Bắc đứng ra làm cầu nối, tiếp nhận các đơn hàng.

Theo chị Lan, phải mất hơn 1 năm, những người phụ nữ Cơ tu - vốn quen với việc vào rừng đốn củi, vác gùi lên nương - mới tự tin với tấm vải thổ cẩm mình dệt ra. “Những ngày đầu tham gia lớp dệt vải thổ cẩm do nghệ nhân từ huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) truyền dạy, không ít chị em có ý định bỏ cuộc vì công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, biết đính cườm, dệt chữ, dệt hoa văn, chim, thú… Tuy nhiên, trong mỗi buổi học, dưới mái nhà Gươl, ngồi bên khung cửi nghe nghệ nhân kể chuyện nghề, tình yêu dành cho thổ cẩm của những cô gái trẻ cứ lớn dần. Sau thời gian luyện tập, hiện chúng tôi có thể dệt thổ cẩm có hoa văn, kích thước theo yêu cầu”, chị Lan nói.

Không dễ đưa sản phẩm giỏ đựng, gùi đeo của đồng bào Cơ tu trở thành sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, từ năm 2015, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng mở lớp đào tạo nghề mây tre đan cho người Cơ tu ngay tại địa phương. Mỗi học viên tham gia lớp học được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Đây là cơ sở giúp người Cơ tu phát triển kinh tế từ nghề đan lát truyền thống. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các sản phẩm làm ra phục vụ chủ yếu cho hoạt động trưng bày, biểu diễn văn nghệ tại địa bàn thôn, chưa tạo được thu nhập thường xuyên cho người dân. Theo ông Thanh, ngoài mẫu mã chưa đa dạng, chưa thông dụng, sản phẩm giỏ đựng, gùi đeo làm bằng phương pháp thủ công nên giá thành cao, khó quảng bá rộng rãi.

Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu” tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được UBND huyện Hòa Vang triển khai năm 2015. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu được các cấp chính quyền quan tâm triển khai, phục dựng.

Ông Hồ Phú Thanh cho biết, nhằm phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, địa phương bước đầu phục dựng các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật múa cồng chiêng, múa tung tung da dá, tìm hiểu các loại cây thuốc, kể chuyện bản làng. Đặc biệt, một số món ăn đặc sản của đồng bào Cơ tu như ốc suối, cá liên, rượu cần, bánh sừng trâu, cơm lam, thịt trâu gác bếp, gỏi hoa chuối rừng, măng chua… đã có mặt trên các mâm cơm đãi khách.

“Với mục tiêu tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, UBND xã Hòa Bắc đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch (có 62 hộ), gồm các nhóm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh; đồng thời lập 2 tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí với hàng chục hộ dân tham gia. Các nhóm được hỗ trợ công cụ, tham gia lớp tiếng Anh giao tiếp miễn phí, lớp tập huấn, nâng cao năng lực làm du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh đẹp”, ông Thanh cho hay.

Trong khi đó, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí Đinh Văn Như khẳng định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo sinh kế bền vững. Đó cũng là lý do khiến anh mạnh dạn vay hàng trăm triệu đồng xây dựng homestay phục vụ khách lưu trú. Hơn 2 năm qua, trong không gian lưu trú rộng chừng 700m2 nằm cạnh khe suối, anh Như trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ tu như giỏ đựng, gùi đeo bằng mây tre, cây nêu, măng chua và chè dây thành phẩm…

Khi khách có nhu cầu, anh Như kết nối các nhóm phục vụ trên địa bàn, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đồng bào Cơ tu. Ngoài giá trị kinh tế, điều anh Như hài lòng nhất chính là phục dựng được các giá trị văn hóa truyền thống cũng như kích thích người dân tham gia hoạt động bảo tồn. “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng vừa tạo công ăn việc làm cho người dân Hòa Bắc, vừa gắn với công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là hướng đi phù hợp, lâu dài, xuất phát từ vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng người Cơ tu”, anh Như chia sẻ.

Có thể nói, tuyến đường ĐT601 đoạn từ UBND xã Hòa Bắc lên hai thôn Tà Lang, Giàn Bí được nâng cấp, mở rộng mở ra hy vọng phát triển kinh tế cho người dân Cơ tu. Ở thôn Giàn Bí, mô hình homestay của gia đình chị Zơ Râm Thị Hồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mỗi khu tiểu cảnh, mỗi gian nhà sàn là tâm huyết của chị Hồng trong giữ gìn, lưu trữ nét văn hóa bản địa. Chị cho hay, ngay khi gia đình có ý định xây dựng homestay phản ánh lối sống chân thực của đồng bào Cơ tu, chị được UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ các thủ tục hành chính, vay vốn, tư vấn thiết kế, hỗ trợ trồng hoa, làm bảng hiệu. Thời gian tới, khi homestay của chị Hồng đi vào hoạt động, du khách đến Hòa Bắc du lịch sẽ có thêm sự lựa chọn, trải nghiệm thú vị liên quan đến bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc Cơ tu.

Để công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa Cơ tu tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Hồ Phú Thanh khẳng định, lãnh đạo xã sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối, tạo điều kiện cho các mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn hoạt động; trong đó, khuyến khích người dân khôi phục nghề truyền thống, xây dựng hoạt động trình diễn, bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp dịch vụ giới thiệu ẩm thực. Theo ông Thanh, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn, UBND xã Hòa Bắc sẽ tiếp tục tìm hiểu mô hình tắm lá thuốc, xông hơi cổ truyền và đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách trong thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.