Xuất phát từ sự đồng cảm và thấu hiểu về hoàn cảnh khó khăn của những người lao động, người có thu nhập thấp, nhiều bếp ăn thiện nguyện đã hình thành trên địa bàn thành phố để hỗ trợ và giúp đỡ hàng ngàn người.
Nhóm thiện nguyện “Bếp chay 0 đồng” của làng Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) trao các suất ăn tình thương cho người dân. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Từ rạng sáng, căn bếp của nhóm thiện nguyện “Bếp chay 0 đồng” rộng chừng 20m2 tại số 7 đường Nam Thọ 3 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) của chị Phạm Thị Hoa đã đỏ lửa; tiếng nói, cười của các chị em rộn ràng vang lên. Nửa tháng rồi mọi người mới có dịp cùng nhau nấu ăn, làm công tác thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa bàn.
Được biết, gần 1 năm nay, cứ tới mồng 1 và 15 âm lịch, các chị em trong nhóm thiện nguyện “Bếp chay 0 đồng” của làng Nam Thọ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) lại tất bật chuẩn bị những suất cơm 0 đồng. Mỗi người một nhiệm vụ, người sơ chế nguyên liệu, người canh lửa, ướp đồ ăn... Ai nấy cũng phải chuẩn bị từ tối muộn hôm trước đến sáng sớm hôm sau để kịp có hàng ngàn suất ăn giúp người khó khăn, neo đơn, tàn tật, thu nhập thấp...
Chị Đoàn Thị Hằng, mẹ đơn thân của 2 đứa con chia sẻ, hằng ngày chị làm công việc thu gom ve chai và đưa 2 con đi theo để tiện chăm sóc. Khi đi qua “Bếp chay 0 đồng”, chị được nhận 3 phần thức ăn đặc biệt. “Làm công việc nhặt ve chai, ngày ít thì kiếm được 30.000 - 50.000 đồng, nhiều thì khoảng 100.000 đồng. Những suất ăn 0 đồng giúp tôi tiết kiệm tiền để nuôi 2 con. Hy vọng những địa điểm như thế này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều ở Đà Nẵng để hỗ trợ những mảnh đời khó khăn như tôi”, chị Hằng trải lòng.
Chị Phạm Thị Hoa, Trưởng nhóm thiện nguyện “Bếp chay 0 đồng” cho biết, việc duy trì bếp ăn thường xuyên là điều khó bởi các chị em đều có gia đình riêng với nhiều nỗi lo toan. Thế nhưng, các chị em không nề hà khó khăn, vẫn đều đặn chế biến hàng ngàn suất ăn chay mỗi tháng. “Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa nên muốn chung tay cùng mọi người nấu những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Trước đây, khi mới hình thành “Bếp chay 0 đồng”, chúng tôi chỉ định nấu khoảng 300-400 suất, nhưng hiện tại lên tới hơn 1.000 suất. Những suất ăn này còn đến với những bệnh nhân ở nhiều bệnh viện như Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu... để tiếp thêm động lực cho mọi người”, chị Hoa tâm sự.
Bà Mai Thị Lai, Tổ trưởng tổ 94, phường Thọ Quang, thành viên nhóm thiện nguyện “Bếp chay 0 đồng” chia sẻ: “Tôi cùng chị em nấu ăn mấy tháng nay rồi, mệt nhưng vui lắm. Thấy bà con mừng khi nhận cơm miễn phí, chúng tôi cũng ấm lòng. Mong các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí nhiều hơn vì còn nhiều mảnh đời thật sự khó khăn cần giúp đỡ”.
Tương tự, tại quán cơm Yên Vui trên đường Lý Triện (phường An Khê, quận Thanh Khê), những ngày này có đông người lao động nghèo xếp hàng chờ mua cơm 2.000 đồng/suất. Quán mở cửa lúc 10 giờ 30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần.
Anh Nguyễn Duy Đức, chủ quán cơm Yên Vui cho hay, quán bán cơm giá 2.000 đồng/suất thay vì miễn phí để những người nghèo không mặc cảm về việc ăn cơm từ thiện. Tiêu chí của những người sáng lập và hỗ trợ quán cơm 2.000 đồng là “giúp đỡ chứ không cho”, nhưng với nhiều người không có tiền thì anh sẵn sàng miễn phí. Nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng, thực phẩm tươi ngon lấy từ các cửa hàng, trang trại. Các khâu sơ chế, chế biến được giám sát kỹ càng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài 2 điểm bán cơm 2.000 đồng được quán Yên Vui triển khai tại 282 Trưng Nữ Vương và 104 Hải Hồ (quận Hải Châu), anh Đức vừa mở thêm 1 “chi nhánh” tại số 68 Hoàng Minh Thảo (quận Liên Chiểu) - khu vực có nhiều người lao động nghèo ở trọ.
Những suất ăn được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với những người lao động có thu nhập thấp, những suất ăn tình thương như thế chính là những món quà chất chứa nghĩa tình, sự sẻ chia và đùm bọc của những tấm lòng.
CHIẾN THẮNG