* Tôi được biết “tam nguyên” nghĩa là đỗ đầu 3 kỳ thi dưới thời phong kiến. Những kỳ thi này được quy định ra sao và trong lịch sử khoa bảng nước ta có những ai đã xuất sắc đỗ cả ba kỳ thi đó? (Trần Ngọc, quận Hải Châu, Đà Nẵng)
- Dưới thời phong kiến nước ta, hệ thống thi cử gồm 3 kỳ: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương được tổ chức tại địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường (khoa thi liên tỉnh) với mục đích kén chọn người tài để vào dự thi Hội và thi Đình. Người đỗ đầu thi Hương gọi là Giải nguyên.
Các tân khoa thi Đình được ban tặng áo mũ. (Ảnh bưu thiếp do nhiếp ảnh gia Pháp chụp thời vua Khải Định) |
Trong sách Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả Đào Duy Anh cho biết, năm 1397, triều nhà Trần, Hồ Quý Ly lại bắt đầu định phép thi Hương, nếu trúng tuyển cử nhân mới được dự thi Hội năm sau và ai trúng thi Hội thì thi một bài văn sách nữa để định cao thấp qua kỳ thi Đình.
Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi Hương có khi thi 3 vòng (tam trường), có khi thi 4 vòng (tứ trường). Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thi Hương có thể xem như thi vòng loại. Trong kỳ thi ở địa phương này, sĩ tử nào chỉ đỗ 3 trường thì được học vị tú tài; sĩ tử nào vượt qua cả 4 trường thì được học vị cử nhân, được ban cấp áo mão, ban yến (đãi tiệc), rồi vinh quy bái tổ. Điểm xét đỗ được lấy từ cao xuống thấp, số lượng do triều đình quy định cho từng địa phương.
Ai đỗ vòng loại sẽ được vào thi Hội, tức được thi vòng bán kết theo cách nói hiện nay. Thi Hội là khoa thi ở cấp trung ương do triều đình, trực tiếp là Bộ Lễ tổ chức. Cũng như thi Hương, thi Hội được tổ chức 3 năm một lần. Theo quy định (áp dụng từ đời Lê Thánh Tông), thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu thì thi Hội được tổ chức vào các năm sau đó Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên. Đó là danh hiệu vinh dự, không phải là học vị chính thức, vì sau khi thi Hội, thí sinh chưa được ban cấp học vị gì.
Vòng chung kết là thi Đình do hoàng đế đích thân tổ chức ngay tại cung điện của vua. Khoa thi Đình là phần tiếp nối của thi Hội. Nhiệm vụ của thi Đình không phải là lấy đỗ thí sinh mà chỉ là xếp loại người đã đỗ thi Hội. Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên hoặc Điện nguyên - danh hiệu vinh dự cho thủ khoa tiến sĩ. Học vị tiến sĩ có 3 loại (tam giáp), riêng loại thứ nhất gồm 3 bậc, nên tùy theo khoa thi Đình năm đó lấy đến học vị nào là cao nhất mà người ta gọi Đình nguyên Trạng nguyên, Đình nguyên Bảng nhãn, Đình nguyên Thám hoa hay Đình nguyên Hoàng giáp, thậm chí Đình nguyên Đồng tiến sĩ.
Trong lịch sử khoa bảng ở nước ta, có 3 người xuất sắc đỗ đầu cả ba kỳ thi, gọi là Tam nguyên.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) được người đời sau nhắc đến với mỹ danh “Tam nguyên Yên Đổ”, bởi ông người làng Yên Đổ (nay là làng Vị Hạ, xã Trung Lương), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ Giải nguyên khoa Giáp Tý (1864); đỗ Hội nguyên và Đình nguyên khoa Tân Mùi (1871).
Trần Bích San (1838-1878), người xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, đỗ Giải nguyên khoa Giáp Tý (1864) và năm sau đỗ Hội nguyên, Đình nguyên khoa Ất Sửu.
Vũ Phạm Hàm (1864-1906), người xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ Giải nguyên khoa Giáp Thân (1884) và Hội nguyên, Đình nguyên khoa Nhâm Thìn (1892).
ĐNCT