Trên vùng đất Amarāvatī (Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay) có các “pura” (thành phố) của người Chăm-pa xưa: Indrapura - kinh thành Thần Sấm sét (Đồng Dương, Thăng Bình); Simhapura - thành phố Sư tử (Trà Kiệu, Duy Xuyên); Čampāpura - thành phố Chiêm Bà (Thanh Chiêm, Điện Bàn). Ở vùng đất Cẩm Lệ xưa cũng có “thành phố Thần Bão tố” mà có lẽ ít người biết đến.
Tấm bia 4 mặt được khai quật tại Cồn Dàng. Ảnh: Tập san số XI, Viện Viễn Đông Bác Cổ, năm 1911 |
Đầu thế kỷ XX, ông Rougier, tham tá hạng hai Tòa Công sứ Hội An đã tìm ra một di chỉ Chăm-pa nổi tiếng tại “Cồn Dàng” - tên gọi vùng đất Hóa Quê xưa của người Chăm-pa, nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Di chỉ tìm được là phế tích tháp Hóa Quê và một tấm bia đá 4 mặt được viết bằng tiếng tiếng Phạn. Nội dung của tấm bia đá 4 mặt tại Cồn Dàng đã hé lộ nhiều chi tiết thú vị về vùng đất Cẩm Lệ ngày nay.
Về phế tích tháp Hóa Quê, ông Bùi Ngọc Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Cẩm Lệ cho biết, năm 2012, ông Minh cùng Thạc sĩ Đinh Bá Truyền (cựu sinh viên Đại học Sorbonne, Pháp) trực tiếp nghiên cứu thực địa điền dã tại các địa điểm trên địa bàn quận Cẩm Lệ để khảo cứu về các di tích Chăm-pa. Kết quả của các cuộc điền dã đã xác định chính xác vị trí tháp Hóa Quê nằm ngay dưới chân nền móng của Am Bà, còn gọi là Miếu Bà, nằm trên địa bàn tổ 40, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ .
Tấm bia đá 4 mặt tìm thấy tại Cồn Dàng - Hóa Quê, làm bằng đá sa thạch, cao 120cm, rộng 63cm và dày 30cm. Ngay sau khi viên tham tá hạng hai Rougier tìm ra di chỉ bia đá thì GS. Edouard Huber ở Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO - École française d'Extrême-Orient) tổ chức tìm hiểu và nghiên cứu, phiên âm nội dung tấm bia bằng tiếng Phạn sang tiếng Latinh và dịch ra Pháp ngữ. Bốn mặt của văn bia được GS. Edouard Huber đánh dấu các mặt A, B, C, D và toàn bộ nội dung tấm bia được đăng trên Tập san của trường Viễn Đông Bác cổ, số XI, năm 1911 (mục 6 - La Stèle de Hóa-Quê, trang 285-298).
Theo đó, mặt A (hướng Đông) có 17 dòng chữ Phạn ngữ, hành văn theo thể thi kệ. Mặt B (hướng Tây) gồm 19 dòng chữ Phạn ngữ, hành văn theo thể thi kệ và văn xuôi. Mặt C (hướng Bắc), gồm 17 dòng chữ Phạn ngữ, theo thể văn xuôi. Mặt D (hướng Nam), gồm 19 dòng chữ bằng Chăm ngữ cổ đại, hành văn theo thể văn vần. Nội dung của văn bia do quan Thượng thư triều Đồng Dương Jayendrapati, một học giả uyên bác soạn.
Theo văn bia, vào cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X, một gia đình người Chăm quyền quý đã dựng nên cụm gồm 3 ngôi tháp, trong đó 1 ngôi tháp tại địa điểm dựng bia, 2 ngôi tháp còn lại tại các vùng đất lân cận xung quanh đó. Trên bia khắc 4 mốc thời gian, đó là các năm 820, 829, 830, và 831 niên lịch Saka. Theo ông Bùi Ngọc Minh, người Chăm dùng lịch Saka, một loại lịch cổ Ấn Độ; kỷ nguyên Saka bắt đầu sau Thiên Chúa giáng sinh 78 năm. Theo đó, 4 mốc thời gian trên tấm bia ứng với các năm 898, 907, 908 và 909 Công Nguyên.
Trong tấm bia, ngoài những lời khấn dài đến thần Siva và ca ngợi công đức của vị vua đang trị vì Bhadravarman, vị vua được sánh ngang với vua Yudhisthira trong thiên hùng ca Mahābhārata của người Hindu, tấm bia còn ca tụng gia đình của một hoàng thân dựng nên cụm tháp Hóa Quê. Cụm ba tháp gồm: tháp Śrī-Mahārudra (Cẩm Bắc) thờ Hoàng thân Sārthavāha vào năm 898, tháp Śrī-Mahāśivaliṅgeśvara (Phong Lệ) thờ Parameśvara vào năm 907 và tháp Bhagavatī (Hóa Quê) thờ Nữ Thánh chủ Rudrapura vào năm 908.
Trên văn bia có ghi người chồng của gia đình này có tước hiệu là Ājñā (Hoàng thân), tên là Sārthavāha, kết hôn với bà Pu Po Ku Rudrapura - bà có tước hiệu Pu Po Ku (Nữ Thánh chủ) và có tên là Rudrapura (thành phố Thần Bão tố).
Vào đầu thế kỷ X, trên vùng đất Amarāvatī (Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay) có các thành phố: Indrapura - kinh thành Thần Sấm sét (Đồng Dương, Thăng Bình); Simhapura - thành phố Sư tử (Trà Kiệu, Duy Xuyên); Čampāpura - thành phố Chiêm Bà (Thanh Chiêm, Điện Bàn). Như vậy, ngoài những “pura” (thành phố) trên, từ nội dung văn bia được tìm thấy tại Cồn Dàng cùng với những khảo cứu thực tế của Thạc sĩ Đinh Bá Truyền và ông Bùi Ngọc Minh, có thể xác định thêm một thành phố nữa dưới triều Đồng Dương là “thành phố Thần Bão tố” (Rudrapura) tại vùng đất Cẩm Lệ ngày nay.
Về quy mô và diện mạo của thành Rudrapura, ông Bùi Ngọc Minh cho biết, sau khi xâu chuỗi các dữ liệu lịch sử thu thập được, “sông Thiêng” của thành Rudrapura là sông Cẩm Lệ, “núi Thiêng” của thành là núi Phước Tường; trung tâm tôn giáo đặt tại Hòa An và trung tâm chính trị đặt tại khu vực Cẩm Bắc, Phong Lệ, Hóa Quê thuộc các phường Hòa Thọ Đông và Khuê Trung ngày nay.
NGUYỄN TRẦN