Người Ve huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) ngày nay không những chăm chỉ lao động, sản xuất, mà còn có khả năng cảm thụ âm nhạc, khéo léo chế tác và diễn tấu các nhạc cụ tre, nứa; trong đó có 3 loại sáo Pà bam, Đinh buôn và Tuốt léc.
Thanh niên người Ve huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) với sáo Tuốt léc. Ảnh: N.V.S |
Ba loại nhạc cụ Pà bam, Đinh buôn và Tuốt léc được bà con gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần, là điểm sáng nổi bật thể hiện cội nguồn, vẻ đẹp trong đời sống văn hóa làm nên bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Ve. Có rất nhiều thần thoại Ve chung quanh nguồn gốc của các loại sáo này, nhưng được lưu truyền và biết đến nhiều nhất là chuyện dưới đây.
Ngày xưa, ở tận đồi núi cao xa xôi của làng Bút Zriêng Dac Bloong có 4 người trong một gia đình Ve nghèo gồm cha mẹ cùng hai người con trai là Choong Unh và Choong Brol. Vì nghèo khó nên họ thường bị những người nhà giàu trong làng hắt hủi, xua đuổi. Đã vậy, họ còn vô cùng bất hạnh khi cha bị bệnh mất sớm, để lại ba mẹ con bơ vơ, không nơi nương tựa. Những người nhà giàu đầy quyền lực không cho họ than khóc bày tỏ sự tiếc thương cha mà cho rằng họ gây ồn ào, bắt phạt và không cho khóc.
Thương nhớ cha, hai anh em liền nghĩ cách thổi vào một đoạn ống nứa nhỏ bằng ngón tay. Từ đó, mỗi lần nhớ cha, họ lại lấy ống nứa ra thổi. Cây sáo Pà bam của người Ve ra đời từ đó.
Bất hạnh lại ập đến, không lâu sau, người mẹ cũng vội vã ra đi. Hai anh em không còn chỗ dựa nào khác. Quá đau buồn, họ gào khóc nhưng những người nhà giàu phạt nặng họ vì tội khóc lóc thảm thiết gây ồn ào trong làng. Không thể khóc thành tiếng, họ lại nghĩ ra cách lấy một ống nứa dài, một đầu để trống, còn một đầu đục lỗ xuyên qua mấu để thổi lên thành tiếng khóc nhớ mẹ. Gần đầu để trống đục 3 lỗ nhỏ, khi thổi dùng tay đóng/mở tạo những âm thanh đa dạng. Đó chính là sáo Đinh buôn của người Ve ngày nay.
Theo sự tích dân gian của người Ve huyện Nam Giang, mỗi lần âm thanh của Pà bam cất lên thoảng nghe tựa păm pồ pà pa... buồn não nề, như rên rỉ, hòa vào vô vàn âm thanh phong phú nơi núi rừng. Theo người Ve, Pà bam nghĩa là “tiếng khóc ngắn” khi cha mất. Còn tiếng Đinh buôn nghe còn não nề hơn, lúc trầm lúc bổng, nghe lẻ loi, cô độc. Cũng theo người Ve, Đinh buôn nghĩa là “tiếng khóc dài” khi mẹ mất.
Pà bam và Đinh buôn như tiếng than trách, rên rỉ “Cha cũng mất mà mẹ cũng mất, bỏ hai đứa con ở lại bơ vơ” - một câu hát trong làn điệu dân ca Ve tưởng nhớ về cha và mẹ giữa núi rừng bao la xanh thẳm, thấm vào từng gốc cây ngọn cỏ, lạnh lùng và cô độc.
Với người Ve, dù ý nghĩa ban đầu của Pà bam và Đinh buôn là bày tỏ lòng xót thương trước nỗi buồn và muốn nó bay theo gió nhưng về sau bà con nơi đây chủ yếu thổi hai loại sáo này trong các dịp lễ, Tết, ăn mừng được mùa, mừng nhà mới, tham dự những hoạt động văn hóa - văn nghệ do địa phương tổ chức.
Trong tình yêu, người con trai Ve thường tỏ lòng mình với bạn gái bằng tiếng sáo Tuốt léc, đây là lời tỏ tình da diết của chàng trai khiến cô gái Ve đứng ngồi không yên. Ngược lại, người con gái Ve tỏ tình bằng tiếng hát trong trẻo, rạo rực, tự tin: Em bổ cây giẻ liên này/ Em bổ cho chàng A Moó/ Em bổ cây giẻ lo này/ Em bổ cho chàng Ơ Mẩu. Nhưng trong tiếng hát của thiếu nữ Ve nhiều khi cũng có nỗi đau cháy lòng vì tình duyên cách trở, yêu nhau mà không thể đến với nhau: Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi/ Anh đã về bên kia con suối Tuk. Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi/ Anh đã về bên kia con sông Pring. Anh ơi anh/ Em nhớ anh không lúc nào nguôi.
Và cây sáo Tuốt léc của chàng trai cùng tiếng hát tình yêu của thiếu nữ Ve là chứng nhân cho bao câu chuyện tình yêu lãng mạn, đẹp đẽ, là nhịp cầu để họ nên duyên vợ chồng.
Các nghệ nhân Ve cho biết, cả ba loại sáo này nhìn bề ngoài khá đơn giản, nhưng việc chế tạo không dễ dàng. Muốn những loại sáo này khi thổi cho âm thanh hay thì công đoạn vào rừng tìm và chặt cây nứa rất quan trọng, tỉ mẩn, mất rất nhiều thời gian mà không phải đàn ông dân tộc Ve nào cũng làm được.
Đầu tiên, phải chọn ống nứa có lóng dài, già vừa phải, thân không quá dày cũng không quá mỏng. Ống nứa không bị kiến đục lỗ và không bị cụt ngọn. Khi chặt nứa về, phải cắt bỏ hai mắt, để rỗng hai đầu gác trên gác bếp từ 1-2 tháng cho thật khô. Sau đó, để hoàn thành một cây sáo phải mất từ 5-7 ngày...
Để tìm hiểu thêm về người Ve (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng), chúng tôi đã có những chuyến đi điền dã dân tộc học thực hiện tại huyện Giằng cũ (nay là huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Người Ve có khoảng hơn 2.500 nhân khẩu, cư trú tập trung ở hai xã Đắc Pre và Đắc Pring. Đây là một trong những địa phương nằm trong vùng địa hình hiểm trở của Nam Trường Sơn, đồi núi chia cắt mạnh và là đầu nguồn của nhiều con suối, trong đó có sông Pring.
Cũng như nhiều thôn/làng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam, cư dân Ve ở huyện Nam Giang có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng được giữ gìn từ đời này qua đời khác. Người Ve có rất nhiều nhạc cụ dân tộc độc đáo, trong đó sáo được sử dụng thường xuyên trong đời sống sinh hoạt là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Ve trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
NGUYỄN VĂN SƠN