Làm mới sách xưa bằng minh họa nay

.

Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng được xuất hiện với diện mạo mới, nổi bật là các minh họa của những họa sĩ đương đại có tên tuổi như: họa sĩ Thành Chương, Hoàng Phượng Vỹ, Đào Hải Phong…

Bức tranh minh họa “Dấu cũ hồn xưa” của họa sĩ Đào Hải Phong được chọn làm bìa ấn phẩm Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường. Ảnh: THƯ HOÀNG
Bức tranh minh họa “Dấu cũ hồn xưa” của họa sĩ Đào Hải Phong được chọn làm bìa ấn phẩm Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường. Ảnh: THƯ HOÀNG

Không phải họa sĩ nào cũng sẵn sàng vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học nổi tiếng. Nhiều người biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, nên đã từ chối ngay khi được mời. Tuy vậy, một số họa sĩ coi đó là cơ hội, cơ duyên để đọc lại, đọc kỹ tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng và đến gần hơn với công chúng đương đại.

Trong số những người bước vào “cuộc chơi” vẽ minh họa, họa sĩ Đào Hải Phong là cái tên mới được nhắc đến. Đào Hải Phong vốn là một thương hiệu ăn khách. Tranh của ông với bảng màu rực rỡ, bắt mắt, thường xuất hiện ở nhiều khách sạn hạng sang, nhiều phòng tranh lớn, nhiều bộ sưu tập uy tín trong và ngoài nước. Thế nhưng, mảng tranh minh họa là sân chơi mới đối với ông.

Đào Hải Phong nhận lời mời của Công ty sách Đông A vẽ minh họa cho hai tác phẩm Gió đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường của nhà văn Thạch Lam. “Văn chương Thạch Lam có sự gần gũi, tương đồng với quan niệm nghệ thuật của tôi… Tôi vẽ những bức minh họa này bằng bột màu, là chất liệu đã làm nên tên tuổi của tôi những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi cảm giác nhà văn Thạch Lam gợi lại cho tôi những gì đã là giá trị của tôi, những gì mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng mang lại nhiều điều thú vị”, họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

Trước đó, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cũng tạo ấn tượng với bộ tranh minh họa cho tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Là con trai của nhà thơ Hoàng Trung Thông, từ nhỏ, Hoàng Phượng Vỹ đã có dịp gặp tác giả của Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ… Lại thêm có duyên với việc vẽ tranh minh họa cho báo chí từ những năm 1980 nên khi được mời vẽ minh họa cho tập truyện Bỉ vỏ, Hoàng Phượng Vỹ đã “vắt kiệt trong một thời điểm” để vẽ. Ông minh họa cho Bỉ vỏ không chỉ từ cảm nhận trước tác phẩm, mà còn từ những ký ức và niềm cảm mến, trân trọng với nhà văn Nguyên Hồng - một người bạn quý của cha ông.

Với họa sĩ Thành Chương, ông được Công ty sách Đông A mời vẽ cho tác phẩm của chính cha mình - nhà văn Kim Lân. Thành Chương vốn được cha khuyến khích theo hội họa từ nhỏ. Chính nhà văn Kim Lân từng động viên con trai mình coi mỗi lần minh họa trên báo chí là một cuộc triển lãm. Vì thế, họa sĩ Thành Chương đã dồn tâm huyết vào nghề vẽ minh họa. Khi nhận lời mời vẽ minh họa cho tuyển tập Người kép già của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Thành Chương cho biết, ông đã cố gắng tìm một cách vẽ mới, khác lạ với chính mình. Bộ tranh bột màu gồm 19 bức được chọn lựa in trong sách được ông tập trung vẽ với bút pháp và nội lực rất mạnh.

Có thể nói, việc các họa sĩ vẽ minh họa cho các danh tác văn chương của những nhà văn tên tuổi đã tạo ra một diện mạo mới, mang tới cho độc giả đương đại những ấn phẩm vừa hay, vừa đẹp. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, những bức tranh minh họa cho các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam có thể ví như cây cầu, họa sĩ là người bắc cây cầu đó để nối kết tác giả và độc giả đương đại.

“Giữa hai văn bản khác nhau của chữ và màu sắc, hình khối, giữa hai thế hệ khác nhau nhiều điều nhưng ta vẫn thấy một cây cầu bắc qua sự khác biệt. Đó chỉ là sự khác biệt của thời gian và hình thức, còn những trụ cầu để bắc cây cầu ấy là Cái đẹp và Tư tưởng”, ông Thiều nhấn mạnh.

Những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng vẽ minh họa cho Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), Người kép già (Kim Lân), Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam) là những tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Nhiều trường hợp, những minh họa này có thể tách khỏi văn bản để trở thành tác phẩm độc lập. Vì vậy, khi được đưa ra đấu giá, 19 bức bột màu trên giấy của họa sĩ Thành Chương trong ấn phẩm Người kép già đã thu về 602 triệu đồng. Mới đây, 17 bức tranh bột màu của họa sĩ Đào Hải Phong trong ấn phẩm Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường được đấu giá tới 649,6 triệu đồng. Trong đó, riêng bức tranh minh họa truyện Gió lạnh đầu mùa đã được một nhà sưu tập đấu giá thành công lên tới 85 triệu đồng.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.