Neo đậu hồn quê với Thương em chín đợi mười chờ

.

Sau bao năm tháng ấp ủ, nhạc sĩ Minh Đức vừa ra mắt tuyển tập Thương em chín đợi mười chờ (NXB Hội Nhà văn) gồm 55 ca khúc ghi dấu quãng đời gắn bó với âm nhạc của người con xứ Quảng luôn đong đầy tình yêu quê hương.

Trong chặng đường sáng tác âm nhạc suốt 55 năm với những đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam nói chung, xứ Quảng nói riêng, mùa xuân năm 2021, nhạc sĩ Minh Đức đã được Hội đồng Quốc gia xét đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là niềm vinh dự lớn lao của một nhạc sĩ đã gắn bó với âm nhạc trên dặm dài hơn nửa thế kỷ. Sinh ra trên mảnh đất Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đầy nắng lửa, anh sớm vào chiến khu cùng bao anh em cùng trang lứa; cũng từ đây, anh bắt đầu cảm tác những giai điệu đầu tiên khi độ tuổi vừa chớm đôi mươi.

Với trái tim hừng hực sức trẻ, dạt dào tình yêu đất và người quê hương, nhạc sĩ Minh Đức đã cho ra đời nhiều khúc hát hào hùng, thấm đẫm ân tình giữa lòng chiến khu gian khó. Theo cùng hành trang là cây đàn guitar thân thiết, anh rong ruổi từ miền xuôi đến miền ngược, vừa ca hát, vừa viết nhạc.

Bất kỳ vùng đất nào cũng khơi gợi trong anh mối hoài cảm sâu sắc, với những kỷ niệm được lưu giữ trong những thanh âm, cung bậc đầy rung cảm.

Đó là những ca từ khắc họa hình ảnh quê nhà - Bình Dương ơi đâu thể nào quên (Sắc xanh vườn mẹ)…, đến miền trung du xa xôi cùng đồng đội đóng quân trên dặm đường trường chinh gian khổ Mình anh dầm cơn mưa/ Dáng núi như ngày xưa đò chiều neo bến (Tiên Phước chiều mưa).

Sau ngày thống nhất đất nước, Minh Đức sáng tác những bài ca hưởng ứng phong trào thật kịp thời, và sáng tác cả về miền núi như A Vương thắp lửa mặt trời, Về Đông Giang..., rồi tiến dần về vùng duyên hải mặn mòi Ôi cát trắng miền Duy Xuyên đất mẹ (Âm vang đại dương) và đến phố cổ hiền hòa Hội An ơi một đời thương nhớ (Phố nhỏ tôi về). Rồi nơi này, mảnh đất Đà Nẵng đầy ắp kỷ niệm là nơi anh dừng chân cũng dệt thành những giai điệu Nhớ sông Hàn nhớ chuyến đò ngang/ Nhớ Sơn Trà thì thầm tiếng sóng (Nơi ấy một thời để nhớ)...

Có thể nói, phổ nhạc cho thơ là ưu thế của Minh Đức. Trong số 55 ca khúc thuộc tuyển tập Thương em chín đợi mười chờ, có đến 41 bài hát được anh phổ từ thơ của Hồ Sĩ Bình, Ngân Vịnh, Đông Trình, Lê Ngọc Nam, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Văn Soong...

Số lượng 2/3 ca khúc phổ từ thơ là mối đồng cảm sâu sắc giữa nhạc sĩ và thi sĩ, làm nên những giai điệu chắp cánh cho những vần thơ như: Mẹ quê hương, Về thăm đồng đội, Tan vào phố đêm, Thành phố đầu biển cuối sông, Ký ức một miền quê, Nơi ấy một thời để nhớ... Trong đó, Thương em chín đợi mười chờ đã đưa tên tuổi Minh Đức bay cao, bay xa. Ca khúc có giai điệu trữ tình, lời ca dung dị, thấm đẫm âm hưởng dân ca xứ Quảng mênh mang sâu lắng, da diết ân tình: Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Thương em chín đợi mười chờ... 

Phần lớn các ca khúc trong tuyển tập đều có khúc thức hai đoạn đơn, thủ pháp sáng tác với hòa âm, tiết tấu đơn giản theo nhịp điệu 2/4 dễ hát, điệu thức trưởng chiếm đa số với tính chất lạc quan, tin yêu. Vì thế, các ca khúc dễ đọng lại trong lòng người nghe.

Suốt 55 năm sáng tác, nhạc sĩ Minh Đức đã ghi dấu ấn ở từng giai đoạn khác nhau. Lần lượt hiện lên trong tuyển tập là những ca khúc từ rạo rực khí thế đấu tranh thời chiến đến khúc hát khải hoàn hòa chung với khí thế dựng xây đất nước đầy tự hào, ngợi ca cuộc sống với những giai điệu tươi trẻ, rộn ràng.

Giai đoạn 20 năm gần đây, âm nhạc của Minh Đức trở nên sâu lắng, trữ tình, đầy hồi tưởng, song vẫn nồng nàn tình yêu quê hương. Những ca khúc này khi ngân vang, người nghe vẫn nhận ra miền quê xứ Quảng với những âm điệu hò khoan mượt mà, lý tang tít đằm thắm, câu hát ru ngọt ngào... Nhà thơ Hồ Sĩ Bình viết trong lời giới thiệu tuyển tập: “Phải gắn bó sâu nặng, neo đậu thăm thẳm với hồn quê đến thế nào thì giai điệu mới bắt đúng hơi thở của sự thổn thức, tiếng lòng của vùng đất biển dâu bên sông Thu Bồn...”.

VĂN THU BÍCH

;
;
.
.
.
.
.