Đăk Bla vơi đầy nỗi nhớ...

.

Nếu mọi dòng sông ở Tây Nguyên đều đổ nước về Biển Đông thì riêng sông Đăk Bla lại tuôn chảy về hướng Tây, ngược với cách nghĩ lâu nay của con người. Vì thế, con sông lạ lùng này được mệnh danh là “dòng sông chảy ngược”.

Gắn với dòng sông Đak Bla huyền thoại, nhà rông Kon Klor (ảnh trên) và cầu treo cùng tên là hai trong những địa chỉ gây thương nhớ đối với du khách khi đến Kon Tum. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Gắn với dòng sông Đak Bla huyền thoại, nhà rông Kon Klor (ảnh trên) và cầu treo cùng tên là hai trong những địa chỉ gây thương nhớ đối với du khách khi đến Kon Tum. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

1. Lần đầu tiên lên Kon Tum vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước dáng dấp hoang sơ, e ấp qua những trầm tích huyền thoại của vùng đất có địa hình lòng chảo này. Năm đó có một sự kiện báo chí diễn ra tại đây do Báo Kon Tum đăng cai tổ chức tại Khách sạn Đakbla (có hình mái nhà rông Tây Nguyên) với gần trăm khách mời đến từ các vùng miền của dải đất miền Trung - Tây Nguyên. Khách không thôi “mắt chữ A, mồm chữ O” trước những nét đáng yêu “vẹn nguyên quê mùa” của vùng địa lý hành chính được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên.

Chiều xuống, tản bộ trên con đường dọc bờ sông Đăk Bla, thoáng nghe khúc hát Tình yêu bên sông Đăk Bla vẳng ra từ quán cà phê Bến Sông Xưa nơi đầu đường Bạch Đằng, chợt cảm thấy nơi này sao diễm tình đến thế: “Dòng Đăk Bla, Đăk Bla vẫn ôm ghì thị xã. Như núi ôm mây, như mây ôm núi. Như vòng tay của anh dịu êm, dịu êm...”. Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác thời Kon Tum còn là thị xã, giờ đã là thành phố nhưng cái quyến rũ vẫn réo gọi khách quay về, rong chơi cùng Đăk Bla bằng những bước chân mê mải.

Lần đó, níu chân tôi là màu hoa rực đỏ của cây pơ-lang bên sông. Gần chục người trong đoàn cứ quanh quẩn bên gốc cây cổ thụ, hết chụp hình lại quay sang nhìn ngắm cái màu hoa lạ lẫm ấy, chưa ai xác quyết nó là cây pơ-lang hay cây kơ-nia của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Cuối cùng, phải nhờ đến cô gái có lúm đồng tiền lúng liếng ở Bến Sông Xưa, mới biết cái cây có hoa đã đi vào câu thơ “thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo” của Đoàn Thị Tảo ấy đích thị là hoa pơ-lang. Cái hoa chấm những cánh đỏ tươi lên bầu trời xanh biếc của Tây Nguyên nắng gió ấy, người miền núi rừng phía Bắc còn gọi một cái tên khác rất điệu đà là hoa mộc miên.

Mấy năm sau quay lại, dù có đi đâu tôi vẫn có ý đi tìm màu hoa đỏ tươi trên đường Bạch Đằng ấy. Nơi đó, “khách sạn mẹ” Đăk Bla bỗng trở nên lặng lẽ, nhường sự náo nhiệt, đầy sức sống cho “đứa con” là khách sạn Indochine vừa ra đời gần đó. Từ trên sân thượng của Indochine nhìn bao quát về phía Tây Nam, dòng sông Đăk Bla hiện ra như một chữ S mềm mại ôm lấy thành phố Kon Tum. Một chút rượu cần trong bữa tối ở khách sạn hiện đại này tan nhanh giữa cơn gió cao nguyên khi nhiệt độ ngoài trời xuống còn 14 độ. Ánh đèn đường nghiêng xuống trên những lối đi dọc theo triền sông. 

2. Không xa đầu cầu Đăk Bla về phía Bắc là Công viên Giọt Nước. Một đồng nghiệp ở Báo Kon Tum kể rằng, cái tên “Giọt Nước” được dùng để chỉ nơi bà con dân tộc Ba Na đầu tiên đến lập làng hàng trăm năm trước thường đến lấy nước sinh hoạt ở mạch nước ngầm. Xưa, nơi đây là một khu rừng nhỏ giữa lòng phố thị. Ngay tại điểm trũng nhất của khu rừng, người ta xây một bể nước khá lớn để gom nguồn nước tuôn chảy từ mạch ngầm của rừng cây bên trên. Ngoài bể có 2 vòi nước không có van khóa, quanh năm suốt tháng phun nước ra con mương nối với sông Đăk Bla. Từ đó, cư dân quanh vùng nhận ra sự quý hiếm của nguồn nước sạch ngay giữa trung tâm phố thị. Hằng ngày trẻ con đến tắm rửa, nô đùa. Người lớn đến để lấy nước sạch về dùng trong nhà hoặc giặt đồ tại chỗ.

Bẵng đi một thời gian, phần do tốc độ đô thị hóa, phần do người dân không còn cần đến nguồn nước nơi đây nên “Giọt Nước” dần rơi vào quên lãng. 10 năm trước, UBND thành phố Kon Tum khởi công xây dựng mới Công viên Giọt Nước. Tại lễ khánh thành một năm sau đó, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: “Công viên Giọt Nước là công trình nằm trong phê duyệt Trung tâm Du lịch, dịch vụ, giải trí Đăk Bla, thành phố Kon Tum, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân thành phố và khu vực lân cận”. Đêm đó, bà con người Ba Na quanh vùng đã quay về chốn xưa, cùng tái hiện cảnh lấy nước qua Lễ hội “Mừng Giọt Nước” mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng dân tộc mình.

Đêm đó chúng tôi dạo quanh công viên, nhìn những ghè rượu, giọt nước... thoắt ẩn thoắt hiện dưới ánh đèn trang trí của đài phun nước mà mường tượng đến không khí lễ hội của người Ba Na, cộng đồng dân cư sống ven sông Đăk Bla. “Mừng Giọt Nước” là đêm của men rượu ghè (rượu cần) nồng say, điệu múa xoang mê hoặc, tiếng cồng chiêng rộn rã...

Chị Đào Ánh Ngọc, công tác tại Bảo tàng Kon Tum, có lần mô tả cái cách uống rượu ghè rất chi là... bình đẳng của người Ba Na. Tùy thuộc vào ghè to hay nhỏ mà họ dùng nhiều hay ít cần uống rượu. Dùng cái canh bằng tre như cái phao hình chữ T thả nổi trên mặt rượu để kiểm tra, ai ngậm cần mà không chịu uống là cái phao nó nằm y một chỗ. Hoặc dùng sừng trâu có khoét một lỗ nhỏ nơi mũi sừng, dùng ngón tay bịt lỗ rồi đổ đầy nước vào, xong mở nhẹ tay cho chảy nước từ từ vào ghè, nếu đến lượt ai đó cầm cần mà không uống, nước sẽ tràn ra khỏi miệng ghè. Vậy đó, một khi hòa mình vào hội vui là ai nấy đều uống một lượng rượu như nhau để chếnh choáng men say trong tiếng cồng chiêng đưa nhịp múa xoang...

3. Một đồng nghiệp hơn 40 năm rời quê nhà Đà Nẵng lên làm báo ở Kon Tum. Mới đây, anh hai lần, chiều hôm trước và sáng hôm sau, cho tài xế đưa nhóm khách từ Đà Nẵng về thăm làng cổ Kon Ktu cách không xa cầu treo Kon Klor. Cây cầu nối liền hai bờ của dòng Đăk Bla huyền thoại này được xếp vào hàng “danh kiều” của vùng đất Kon Tum. Cách cây cầu có màu cam độc đáo này tầm 50 mét là nhà rông Kon Klor, nằm cuối đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi. Đây là một trong những nhà rông lớn nhất Tây Nguyên được du khách đến tham quan, chọn làm địa điểm check-in lý thú.

Vừa rồi, có đoàn khách chạy xe từ đường Trần Hưng Đạo thẳng qua đường Bắc Kạn để ghé thăm một loạt các địa điểm gây thương nhớ trải dài theo dòng sông Đăk Bla, bỗng thoáng nghe tiếng “canh cách” đều đặn như phát ra từ chiếc máy đếm nhịp trong âm nhạc. Xe chạy đến đâu vẫn nghe mồn một tiếng kêu lạ lùng ấy, như là đuổi theo bên lưng. Một cô đến từ Đà Nẵng bảo đó là tiếng kêu của con ễnh ương. Chồng cô đùa rằng, ễnh ương nó đâu có kêu như thế, hay là từ đồng bằng lên đây nó kêu bằng giọng khác... ?! 

Cuộc bàn luận chỉ đến hồi kết khi anh Nguyễn Thế Vinh, một cư dân Kon Tum chính gốc, nhà bên kia cầu treo Kon Klor, lên tiếng. Anh bảo, đó là con chuột sành, còn có tên khác là vạc sành. Dọc đường Trần Hưng Đạo qua đường Bắc Kạn một bên trồng sao đen, một bên trồng me tây, vỏ cây cả hai loại đều có mủ nên chuột sành bám vào đó vừa ăn vừa kêu “canh cách”. Tiếng ve, tiếng chuột sành ở đây kêu ra rả suốt ngày, cư dân quanh đó nghe riết một hồi trở nên quen thuộc, như người sống gần sân bay quen với tiếng máy bay gầm rú hay người sống dọc đường ray quen tiếng tàu lửa xình xịch.

Đêm đó, “chiếc máy đếm nhịp” vạc sành lại “canh cách” cùng với tiếng ghi-ta chập chùng trong khu vườn nhỏ bên sông. Một nàng sơn nữ đưa khúc hát “Mưa trên sông Đăk Bla” bước ra ngoài đời thực: Chân chúng ta cùng gặp theo một điệu/ Tay chúng ta cùng uốn theo một nhịp/ Đôi má ta chạm vào nhau… và nhận ra nhau.

Huyền thoại Đăk Bla tan chảy trong từng nhịp chân song hành giữa đêm chùng hơi sương. Ngước nhìn dòng nước lặng lờ dưới trời đêm, chợt nghĩ đến ở đâu đó, nơi ba con sông Sê San, Pô Kô và Đăk Bla hòa nhịp cùng nhau trong điệu chảy vô cùng, hẳn thanh âm của đại ngàn phải sâu lắng, thâm trầm, và đầy vơi nỗi nhớ...

Theo truyền thuyết dân tộc Ba Na, sông Đăk Bla xưa là nơi sống quần tụ của một làng dân tộc người Ba Na. Về sau, khi trở nên thịnh vượng, các buôn làng quanh đó gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai người con trai của làng người Ba Na không thích cảnh chiến tranh, rời làng làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăk Bla.

 

Cư dân các nơi kéo về đây sinh sống ngày một đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập của người Ba Na, cạnh dòng Đăk Bla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước,...).

Bút ký VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.