Cây chà là của ba

.

Một dạo, ba đi đám cưới tận đâu bên Phú Ninh, lúc về chiều trời đã ngã màu xám xịt của mây và mưa bủa giăng. Lọ mọ trong tấm choàng, bước xuống chiếc xe cũ kỹ, ba cẩn thận xách cái bị đi thẳng ra góc phía chuồng heo rồi dựng vào đó. Nhìn vào cái bị ni-lông quấn đến mấy lớp chỉ thấy lố nhố lên vài cái lá nhọn hoắt. Ba nói, đó là cây chà là.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sáng hôm sau, ba tỉ mỉ, tẩn mẩn đào một cái hố vuông vức phía bên đường ra giếng, lựa phân bọt mịn, ba đổ vào và cẩn trọng mang cây chà là ra trồng. Chưa bao giờ thấy ba trồng cây gì mà chăm chuốt đến vậy. Dường như ba trồng bằng tất cả niềm yêu. Đậy đệm, che chắn và tưới nước từng ngày một, cây cũng dường hiểu ý người nên thoắt đã nảy những bẹ lá mới màu xanh bạc, tua tủa những mũi lá nhọn vít như gân gáo, như sưng sỉa với đời.

Chà là, cái thứ cây mọc hoang vùng trung du miền Trung đầy nắng, cát và gió, cái thứ cây thoạt mới nhìn đã lo né xa bởi quanh chúng chơm chỉa những gai là gai. Cả lá cũng như bị ép nhịn lại, nhỏ thó, cứng ngắc, chơm ra như thầm bảo, chớ dại đến gần ta. Cái giống cây ấy kiên trì chắt chiu từng giọt dinh dưỡng vùng gò đồi trọc để rồi tới mùa lại cho từng chùm quả chi chít trái. Mỗi buồng quả có tới hàng trăm quả nhỏ sát nhau, nương tựa nhau và náu mình nép vào sát bẹ thân như thể thân mẹ đang chơm gai bảo vệ cho lũ con non bé bỏng. Tháng Sáu nắng tròn, chà là chín. Trái xanh chuyển dần sang màu hườm hườm vàng, rồi đỏ bầm và kết thức cuộc hành trình kết tinh là từng chùm tím đen đậm.

Đã hơn bốn mươi năm định cư trên vùng đất mới, chưa khi nào ba thôi nhắc về cố hương với niềm khắc khoải. Nhà tranh phên đất liền một dải nối nhau ngó ra cánh đồng làng. Xa hơn là hàng tre chống càn, mà cũng là hàng tre giữ đất. Tiếp đến là con sông Thất Lục xanh ngắt bện từ đầu xóm Núi tới tận cuối xóm Làng và trôi về dưới xuôi xa lắc. Bên kia sông là rẫy tranh mênh mênh, gồ lên như tấm lưng con cá voi xanh. Sau làng là những đồi gò đầy sim, mua, ngũ sắc. Và dĩ nhiên không thể thiếu chà là.

Đó là những ngày hè con sông gởi hơi nước vào gió, gió lại lang thang trên các gò đồi của vùng đất Kỳ Trà cũ, khi lũ trẻ nhỏ dáo dác đi tìm thức ăn của riêng mình, từng bụi dủ dẻ, mâm xôi, mua, sim… đều được sục sạo chẳng sót bụi nào. Chà là dễ thấy nhất nhưng cũng là đối thủ khó xơi nhất. Hái chà là là cả một nghệ thuật. Này nhé, thấy chùm chà là chím đen sậm, căng bóng, đừng nghĩ lao vào bứt được ngay. Lá nhọn, gai nhọn không để yên cho kẻ thù xâm phạm đến những đứa con của chúng đâu. Cẩn trọng ngồi sát xuống gốc, trườn tay đưa cái mê nón, hay ngửa cái mũ đưa vào tận sát gốc. Sau khi đã hứng chính xác phía dưới buồng chà là, tay còn lại cầm cây roi nhỏ mà gõ gõ vào cuống buồng, những cu cậu chà là chín căng mọng rơi ngay vào mê nón để sẵn. Nếu muốn ăn những quả chà là ươm thì chỉ việc làm một cái móc nhỏ mà cào, mà rung mạnh vào buồng, bởi chà là ươm không hề dễ rụng.

Sim ngọt chát, dủ dẻ ngọt thơm, chôm chôm rừng ngọt chua và lắm hạt, còn chà là ngọt thanh, nếu trái nào vừa ươm thì có thêm vị bùi bùi… Tụm năm tụm mười lại, vừa ăn rau ráu, vừa kể chuyện ma. Dọa nhau có đứa tham lam lén đi hái chà là một mình, bị ma giấu vào giữa bụi chà là rậm rịt, đầy gai. Khi người ta xua chó đi tìm mới phát hiện, người ngồi thù lù, miệng ngậm một mớ cứt bò đen thui. Tới đó, cả lũ ngó nhau, đứa nào miệng cũng đen, nhưng là màu đen của sim, của mua, của chà là chín. Gió thổi xuống đồi đưa tiếng nghé gọi mẹ về chiều. Từng đứa cắp nón đứng lên nhìn nhau cười, nụ cười lấp lánh cả tuổi thơ.

Con người ta ai cũng đi qua quá khứ và quá khứ của một người chắc chắn sẽ giắt rất nhiều những nhớ nhung. Ba thường nhắc lại cái làng cũ bằng một giọng điệu u hoài. Đó là nỗi nhớ cũ kỹ về mái tranh xam xám, về cánh đồng nà, bờ tre chống càn, về con sông Thất Lục, về cây lùm tum giữa đồng có nhiều ông kiềng bình vôi… Cái ký ức ấy với ba dù năm tháng cuộc đời có bão tố nhưng nó vẫn vẹn nguyên. Và có một cơ hội hãn hữu nào đó, ba liền sống lại ký ức của mình bằng câu chuyện đều đều không hồi kết.

Thỉnh thoảng ba vẫn đan rổ, đan cái sàng, đan chỉ để đan, cũng chẳng phải để đựng nhiều. Đan treo đó thi thoảng nhìn để nhớ về những gì đã quá vãng. Rồi từ khi có cây chà là, ba chăm sóc nó cẩn trọng như một bảo vật. Đôi lúc má càm ràm sợ gai chích mấy đứa cháu. Ba lại làm cái rào tre nhỏ nhỏ bao quanh bụi cây. Mỗi sớm mai, mỗi chiều muộn ba đều tưới nước, nhổ những cây cỏ mọc quanh gốc. Thỉnh thoảng xới gốc ra và cho vào đó vài xẻng phân chuồng hoi mục.

Ba đậy đệm quá khứ mình bằng những kỷ vật mang tên hoài cổ. Để rồi một ngày nào đó, có lẽ, ba sẽ bày cho thằng cu cháu con của chị ra phía gốc chà là, sẽ bày nó cẩn trọng trườn mình đưa cái nón mê vào hứng phía dưới, rồi ông sẽ khẽ khàng cầm cái cây dài mà rung phần cuống cho từng trái chà là rụng lăn lông lốc. Lúc đó ông sẽ nhặt nụ cười rộn vang của thằng cháu để vá đắp vào nụ cười của tuổi thơ mình mà ông đã vô tình đánh rơi phía mùa cũ, nơi cố hương sâu thẳm giữa muôn trùng nước hồ Phú Ninh…

THANH TUÂN

;
;
.
.
.
.
.