Điều đọng lại sau thiên tai

.

Bước vào mùa mưa bão năm 2022 chưa lâu, Đà Nẵng đã gặp phải những hình thái thời tiết bất lợi, mở đầu là cơn bão số 4 (Noru) và sau đó là trận mưa lịch sử ngày 14-10. Hậu quả của thiên tai khá nặng nề. Điều muốn nói là qua những “trận càn” về thời tiết, chúng ta rút ra nhiều bài học “xương máu”, không để lặp lại những hậu quả đáng tiếc.

Sau cơn bão số 4 là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương với tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp nghiêm và mạnh, tất cả vì sự an toàn của người dân. Nhân đây, người viết liên tưởng đến chuyện bão lụt ở một số nước mà hậu quả rất thảm khốc. Đơn cử như mới đây, mưa lũ hoành hành tại các nước Nam Á đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Tất nhiên, bất kỳ đất nước nào, khi có thiên tai, bão lụt thì chính quyền phải có những biện pháp phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất... nhưng để huy động tổng lực và được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của  mọi tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị như ở nước ta thì không phải ở đâu cũng có được.

Sự dự báo từ xa, từ sớm khi bão chưa vào Biển Đông đi kèm các kịch bản ứng phó được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và chủ động với phương châm an toàn cho nhân dân là trên hết. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sát của các cấp thông qua những công điện, chỉ thị rất kịp thời; những cuộc họp khẩn trực tuyến và trực tiếp cùng với việc thành lập ban chỉ đạo tiền phương tại điểm nóng mà bão có thể đổ bộ cũng như việc đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo sâu sát và kịp thời của lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, lãnh đạo địa phương các cấp. Tất cả luôn trong thế chủ động để ứng phó với thiên tai.

Hình ảnh sâu lắng và sinh động nhất là sự tham gia chủ động của các lực lượng vũ trang, ở đâu cũng có sự góp mặt của các cán bộ, chiến sĩ, nhất là tại những điểm xung yếu, những nơi có nguy cơ thiệt hại lớn do bão lũ... Bên cạnh đó còn có những đường dây nóng để người dân liên hệ lúc khẩn cấp từ quân đội đến y tế, giao thông, điện lực...

Tất cả những điều này tạo sự yên tâm và tin tưởng cho nhân dân. Đã có trường hợp sản phụ trở dạ ngay thời điểm bão đang quần thảo, sau khi điện báo, sản phụ lập tức được xe đặc chủng của quân đội chở đến bệnh viện kịp thời. Hay như một trường hợp ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), khi nhà bị tốc hết mái tôn, gia đình gọi điện thoại đến UBND phường thì ngay lập tức các cán bộ phường có mặt kịp thời để giúp đỡ gia đình.

Thông qua mạng xã hội, gia đình bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương. Chủ hộ viết rằng: “Em và gia đình chân thành cảm ơn các cán bộ, anh em dân quân tự vệ phường An Hải Đông, anh Thành công an khu vực và các đồng chí chiến sĩ quân đội quận Sơn Trà đã giúp đỡ gia đình em khắc phục hậu quả sau bão kịp thời và nhanh nhất. Em và gia đình rất cảm kích vì điều này!”.

Trận mưa lịch sử ngày 14-10 với những tác động không lường hết được nhưng công tác khắc phục hậu quả thể hiện sức mạnh của cả hệ thống chính trị; sự chăm lo, hỗ trợ, đùm bọc kịp thời và chu đáo của chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang đối với những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn. Điển hình nhất là việc hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Quân khu 5 và thành phố tham gia khắc phục sạt lở tại nghĩa trang Hòa Sơn. Đó là những hình ảnh đẹp và ý nghĩa của tình quân dân, của Bộ đội cụ Hồ.

Có thể khẳng định rằng, điều đọng lại sau những trận bão lũ xảy ra trong thời gian qua ở Đà Nẵng là tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn, tình đồng bào, đồng chí của cả hệ thống chính trị. Một khi có sự chỉ đạo sâu sát, đoàn kết và đồng lòng thuận chí của nhân dân thì sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua bất kỳ cơn bão, trận ngập lụt nào.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.