Mật của mùa màng

.

Nếu trời xanh có mây trắng kỳ ảo thì dưới tán cây dịu mát là thế giới sinh tồn lặng lẽ nhưng diệu kỳ. Nào là lộc biếc, hoa thơm, trái ngọt, nào là tiếng chim và cả những cánh ong bay xây tổ, tìm mật. Một hôm, khi thấy mệt với những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, tôi tìm về ngao du trên những lối mòn bằng nếp nghĩ quen thuộc ấy…

Tuổi thơ cũng là mật ngọt. Cảm giác lần đầu tiên được nếm giọt mật ong còn đọng trên đầu lưỡi đến tận bây giờ. Chỉ những đôi cánh bé nhỏ kia mới tìm thấy dưới vòm xanh mát, trong kẽ lá reo, trong hương hoa, thứ ngọt ngào nhất mà không loài to lớn, mạnh mẽ nào tìm nổi, để kết lại xây tổ. Tổ ong cũng là sự lắng kết những điều kỳ diệu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhớ ngày xưa, bà tôi bảo, trong một khu rừng luôn có muôn vàn thú vị, điều quan trọng là ta cần đến nó để làm gì và nó giúp ta vào lúc nào?

Tôi nhớ tháng Ba, khi măng đắng đội đất nhô lên. Nếu đến khi nó thành ngọn tre, chọc cái giáo nhọn hoắt của mình lên nền trời xanh, nó sẽ chẳng khác gì các loại tre trúc khác. Nhưng lúc này, cái vị đắng của nó như một thứ kháng sinh thấm vào đầu lưỡi đậm đà, ngấm vào dạ dày mà lan ra khắp thân thể một sự khoan khoái dễ chịu.

Tôi đã đứng dưới tán cây vườn nhà, một vòm xanh chưa bao giờ cũ đi dù năm tháng đã qua. Mưa, nắng chỉ đủ sức khắc vào lớp vỏ cây từng nhát cứa chứ đâu thể làm nhạt đi màu lá, vị quả. Những cái rễ phong lan cứ thế bám vào lớp vỏ kia mà đọng lại thành những bông hoa chẳng bao giờ lẫn với những loài trên mặt đất. Phải chăng, phong lan đã cất lên từ vỏ cây thô nhám ấy một thứ mật bền bỉ của thời gian mà bấy lâu ta không nhận ra…

Nhớ ngày tôi chuyển đến sống ở khu đô thị mới. Màu sơn trắng mới tinh của ngôi nhà khiến đàn sẻ, đàn ong bỡ ngỡ chưa dám đến gần. Hình như loài vật luôn mẫn cảm với những hóa chất được con người tạo nên - thứ mùi vị nằm ngoài quy luật sinh tồn của chúng. Cho đến khi màu sơn hoang hoải, lớp ngói lợp phía trên đã phai màu mới bắt đầu thấy những tiếng vo ve. Cái tổ ong nằm ngay trong tầm kiểm soát của camera an ninh phía đầu hồi, nó cứ lớn dần lên trong khuôn hình vô cảm.

Bác bảo vệ lo lắng vì có người từng bị ong đốt. Có người ngỏ ý gọi thợ đến bắt lấy mật. Tuy ở đây đàn ong chẳng có hoa rừng để hút nhụy nhưng  chúng đã làm ra thứ mật đáng tin cậy. Những ngày ấy không hiểu sao mỗi khi kiểm tra camera, tôi cứ thấp thỏm lo cho trăm ngàn côn trùng bé nhỏ ấy. Những con ong không có tên gọi riêng, không có những nhịp đập trong lồng ngực nhưng luôn chứa một thứ nọc và khi cần sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình. Trước khi cái tổ bị cắt đi, hình như đã có vài con ong kịp chích vào người anh thợ dù anh đã rất cẩn thận. Những cái xác nằm phơi dưới đất cứ khô dần bên vệ đường xi-măng, vật vờ trong cơn gió hanh hao.

Người đời chỉ dùng một từ “mật” nhưng để chỉ hai thứ đối lập ngọt và đắng. Chúng đều được lắng kết sau một đời hoa, đời cây và cả đời người.

Tôi về nhà ngồi dưới mái hiên. Bà tôi và những người trong làng cùng trang lứa đã đi xa, họ đi xa mãi mãi như một lần vác cuốc ra đồng, một lần cầm dao phát lên nương. Hình như những gì còn lại dưới mái hiên nhà là tiếng những cánh ong vo ve đi tìm nhụy hoa - thứ chất sống cho riêng mình. Mỗi loài đều nương theo mùa màng, đều có con đường riêng, đôi khi cả thứ nọc đăng đót và cả những gai góc cũng là mật lắng kết của mùa màng trong cuộc đời này...

KIẾN VĂN

;
;
.
.
.
.
.