Người dựng xây ngôi nhà xuất bản tại thành phố đã ra đi…

.

Chú Nguyễn Văn Giai - người nhen lên ngọn lửa, người ghi dấu công đầu trong việc thành lập Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1984, Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Nhà xuất bản - đã ra đi ngày 31-10 -2022 sau thời gian chống chọi với bệnh tật.

Chú Nguyễn Văn Giai (thứ tư, bên trái sang) và các thế hệ lãnh đạo Nhà xuất bản trong Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Nhà xuất bản. Ảnh: K.H
Chú Nguyễn Văn Giai (thứ tư, bên trái sang) và các thế hệ lãnh đạo Nhà xuất bản trong Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Nhà xuất bản. Ảnh: K.H

Vẫn biết chuyện ra đi khi tuổi cao, sức yếu, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến động vui buồn của con người là quy luật sinh tử của muôn đời nhưng khi nghe tin chú Giai qua đời, những ai biết, hiểu cuộc đời chú, đều không khỏi tiếc thương.

Chú Giai luôn tận tâm, bản lĩnh, chí tình, lúc nào cũng sôi nổi nói cười, bao dung cởi mở như trải hết lòng ra nhưng hết sức quyết đoán, quyết liệt trong công việc. Từ chú luôn lan truyền cảm hứng phấn khởi, tin tưởng, tinh thần xông xáo, nhiệt huyết cống hiến cho mọi người… Luôn sẵn sàng có mặt khi công việc cần là ký ức chú để lại trong tâm trí cán bộ, công nhân viên nhà xuất bản, cộng tác viên, bạn đọc cả nước. Nhà văn Hồ Duy Lệ nhớ lại: “…

Tháng 8-1984, Tỉnh ủy phân công anh Nguyễn Văn Giai làm Giám đốc Nhà xuất bản khi trong tay anh chỉ có một quyết định, không có nhà xưởng, không cán bộ, không nhân viên. Tức là bắt đầu từ con số zero!”. Chú Giai từng kể, từ sự quan tâm làm sao để tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phải có một “Tòa Nhà xuất bản” đúng nghĩa như Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh đặt vấn đề rồi Bí thư kế nhiệm Hoàng Minh Thắng triển khai việc thành lập, lúc đó chú đang là Phó Văn phòng Tỉnh ủy cùng Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng  Lê Nam Bằng và Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Thanh Sâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy “đặc cử” làm nên cỗ “xe tam mã” gầy dựng sự nghiệp xuất bản tỉnh nhà với… tâm huyết, niềm tin và sự học hỏi các nhà xuất bản bạn, trung ương.

Thuở ban đầu, khi mọi điều chưa hình thành ấy, chú Lê Nam Bằng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản ngày ấy từng khẳng định: “Đối với chúng tôi lúc bấy giờ, Giám đốc Nguyễn Văn Giai tượng trưng cho tư tưởng dám nghĩ, dám làm, cho quyết tâm xây dựng Nhà xuất bản Đà Nẵng nhanh chóng trưởng thành”. Với lòng quyết tâm ấy, chỉ thời gian ngắn sau đó, đội ngũ cán bộ, biên tập viên uy tín được các chú “lôi kéo” về làm việc tại Nhà xuất bản. Trong số đó có thể kể đến nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà văn Thái Bá Lợi, kế toán trưởng Nguyễn Đức Hùng (nhà văn Đà Linh, sau là Phó Giám đốc Tổng biên tập), Phó Giám đốc Võ Văn Đáng, Trưởng phòng biên tập Nguyễn Văn Khoa…

Và sau ba năm - năm 1987, từ chỗ cơ sở đi mượn, tạm bợ, sau khi Tỉnh ủy đồng ý cấp đất với đề nghị nhiệt tình của nhà văn Nguyễn Tuân, chú Nguyễn Văn Giai cho triển khai xây dựng trụ sở, khu nhà 5 tầng khang trang tại số 15 Quang Trung theo bản vẽ hình “cuốn sách mở” do kiến trúc sư Kazik thiết kế. Đồng thời đầu tư xây dựng Nhà máy in 24 Trần Phú, Nhà máy giấy Khuê Trung, Trung tâm dịch vụ sách tại 15 Lý Thái Tổ, xưởng bột giấy Hiên...

Văn phòng đại diện Nhà xuất bản tại phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) và phía Bắc (Hà Nội) được triển khai hoạt động. Số lượng cán bộ, công nhân viên của Nhà xuất bản Đà Nẵng bao gồm cả trung tâm và các nhà máy, cửa hàng sách thời kỳ này lên đến 250 người - nhiều nhất trong mọi thời kỳ của Nhà xuất bản... Và số lượng, chất lượng các đầu sách đều có những bước tăng đáng kể, từ 30 đầu sách năm 1985 tăng lên trên 100 đầu năm 1987 với hàng trăm vạn bản và hàng chục triệu trang in, trong đó có những đầu sách phát hành số lượng lên đến hàng trăm ngàn cuốn, được bạn đọc khắp nơi hoan nghênh đón chờ...

Thời kỳ hoàng kim sôi động và ấn tượng ấy của Nhà xuất bản luôn gắn liền với hình ảnh xông xáo, quyết liệt, đầy sức thuyết phục của chú - Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên Nguyễn Văn Giai!

Ba mươi năm hơn đã trôi qua, chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chú Giai sau một ngày đi công tác cấp tập trên xưởng bột giấy Hiên, tối chú vẫn đến cơ quan làm việc, rồi đêm hôm xoay trần ra cùng anh em hối hả dập lửa khi khu nhà năm tầng đang xây đột ngột xảy ra hỏa hoạn. Hình ảnh chú cùng anh Úy lái xe chở tôi đi làm thủ tục hoàn tất hồ sơ chuyển công tác, đến các cơ quan tổ chức tỉnh làm thủ tục cho tôi về Đà Nẵng khi tôi chân ướt chân ráo từ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được chú nhận về Nhà xuất bản.

Những việc tưởng chừng như “bất khả thi” trong hoàn cảnh lúc bấy giờ mà chú chỉ làm xong trong một buổi sáng! Và chuyến công tác tất bật tại Thành phố Hồ Chí Minh sau đó, cả ngày liên tục gặp gỡ cộng tác viên, buổi tối hai chú cháu vẫn say sưa biên tập và đọc duyệt bản thảo “Nữ Bá tước Đờ Mông-xơ-rô”, cứ hết xấp này lại ngồi uống rượu chờ dịch giả đem xấp khác đến, xong trang nào cho người chạy đến nhà in sắp chữ ngay trang đó. Hai chú cháu thức suốt đêm cũng vừa xong hai tập bản thảo mấy trăm trang và… hết sạch hai chai Remy Martin Saigon cay xè, đắng ngắt! Quả thật, những ngày làm việc với chú thở không ra hơi nhưng vô cùng phấn chấn khí thế, không thể nào quên.

Thời gian chú nằm trên giường bệnh khi chúng tôi đến thăm, chú vẫn lạc quan cười nói vui vẻ, hỏi thăm anh em khắp lượt rồi còn dặn đi dặn lại: “Ráng lên, cố giữ cho được Nhà xuất bản nghe các con, chú biết giờ khó khăn lắm nhưng các con cố gắng gắn bó làm việc để Nhà xuất bản mình ổn định, phát triển!”.

“Những gì chúng ta làm để có được cơ ngơi Nhà xuất bản hôm nay thật đáng giá ngàn vàng. Ta phải cố gìn giữ và phát huy nó”, chú đã viết và dặn dò điều đó trong tập Kỷ yếu 30 năm thành lập Nhà xuất bản. Có lẽ, đó là tâm nguyện lớn lao của đời chú - người đã thắp lên ngọn lửa, đã tận tâm xây dựng ngôi nhà xuất bản tại thành phố quê hương.

Hôm nay chú Nguyễn Văn Giai thanh thản ra đi sau một cuộc đời trọn vẹn đam mê, cống hiến nhưng ngọn lửa tình yêu nghề chú đã thắp sẽ còn lan tỏa mãi trong lòng những người đang nối tiếp công việc đầy ý nghĩa của chú…

NGUYỄN KIM HUY

;
;
.
.
.
.
.