* Tôi về thăm người thân ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nghe nói ở đây cũng từng có một chợ tên là chợ Cồn, trùng tên với chợ Cồn ở Đà Nẵng. Hai ngôi chợ này ra đời như thế nào và phát triển ra sao? Ở Việt Nam còn có những ngôi chợ nào cũng có tên như thế? (Nguyễn Thị Bảy, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Chợ Cồn Đà Nẵng (ảnh tư liệu) |
… và chợ Cồn Điện Ngọc với tên gọi mới. Ảnh: V.T.L |
- Cồn, từ điển tiếng Việt giảng là “dải đồi cát do tác động của gió tạo thành”. Đặc tính chung của các chợ có tên Cồn là chúng được lập trên cồn.
Ở phía nam ngã tư Điện Ngọc, nay thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), nơi giáp với phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), ngày trước có một ngôi chợ được dân gian gọi là chợ Cồn vì được lập trên một cồn cát. Các vị cao niên nơi đây không rõ chợ được hình thành từ bao giờ, chỉ biết là về sau được đổi tên thành chợ Điện Ngọc, nằm phía đông đường ĐT607 (nay trùng với đường Trần Hưng Đạo). Khi mở rộng đường ĐT607, chính quyền sở tại đã cho dời chợ Điện Ngọc về phía đông tầm 300m (trên đường Thái Thị Bôi) và mang tên mới là chợ Đầu mối - chợ đêm Điện Ngọc.
Chợ Cồn Đà Nẵng, có từ thập niên 40 của thế kỷ trước, do chợ nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Thời đầu, chợ được xây dựng trên một cồn cát đầy lau sậy và lạch nước, các gian chợ là những nhà chòi tre. Theo thời gian, người kinh doanh tu bổ bằng những vật liệu kiên cố hơn. Chợ Cồn Đà Nẵng tọa lạc trên khu đất hai mặt tiền, phía nam giáp đường Rue de la République (đường Cộng Hòa), nay là đường Hùng Vương, phía tây giáp đường Rue Sabiella (sau năm 1954 đổi thành đường Khải Định, sau năm 1975 đường Khải Định đổi tên thành đường Ông Ích Khiêm).
Một số người nhiều đời truyền nhau buôn bán ở chợ, xem chợ như là nhà mình với biết bao kỷ niệm buồn vui. Và cũng có rất nhiều đời người xem chợ Cồn là nơi mình có thể “chọn mặt gửi vàng” trong chuyện mua sắm. Tháng 12-1984, chợ Cồn được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho xây dựng lại gồm 3 tầng và đặt tên là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Tuy mang tên mới nhưng người dân thành phố Đà Nẵng từ trước đến nay vẫn quen gọi là “chợ Cồn”.
Theo bản tin trên Báo Đà Nẵng ngày 23-7-2012, để phù hợp với tên gọi quen thuộc, HĐND thành phố đã quyết định đổi tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng thành chợ Cồn theo Nghị quyết kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 về đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 1, năm 2012.
Ngoài hai ngôi chợ ở Quảng Nam và Đà Nẵng, ở Việt Nam còn có một số chợ được lập trên cồn đất cao. Chợ Cồn ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được báo phapluatplus.vn mô tả: “Chợ Cồn nằm trên một mô đất cao, có lịch sử lâu năm”.
Chợ Cồn ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, theo mô tả của trang namdinh.ban-do.net (Bản đồ Nam Định), đã nổi tiếng từ xưa và là trung tâm thương mại của cả vùng phía nam huyện Hải Hậu. Cồn là thị trấn nhỏ nhất huyện nhưng nhờ chợ Cồn nên kinh tế khá phát triển với thành phần kinh tế chủ yếu là tiểu thương và tiểu thủ công nghiệp. Cồn là thị trấn đầu tiên của tỉnh Nam Định, được thành lập vào năm 1958 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như thế, với tỉnh Nam Định, “dải đồi cát do tác động của gió tạo thành” không chỉ làm nên một ngôi chợ mà còn hình thành địa danh của một thị trấn.
ĐNCT