Tìm sự bình an, tĩnh lặng trong tâm hồn

.

Xuất bản lần đầu vào năm 1924 tại Ấn Độ, “Hành trình về phương Đông” với tựa đề tiếng Anh“Journey to the East” của giáo sư Blair T. Spalding (1857-1953), được đánh giá là một trong những tác phẩm đương đại hay và độc đáo nhất về văn hóa phương Đông. Bản tiếng Việt do dịch giả Nguyên Phong phóng tác từ năm 1974, xuất bản năm 1987.

“Hành trình về phương Đông” gồm 10 chương, kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa học Hoàng gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, diện kiến nhiều pháp thuật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo của nhiều pháp sư, đạo sĩ, họ được tiếp xúc với những vị chân tu thông thái sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn. Nhờ thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như yoga, thiền định, thuật chiêm tinh, các phép dưỡng sinh và chữa bệnh. Cả  những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết…

Không cầu kỳ, hoa mĩ nhưng nhịp văn của “Hành trình về phương Đông” vẫn đem lại cho người đọc bức tranh với những gam màu độc đáo và ấn tượng với các chi tiết có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Cùng với cốt truyện biến hóa khôn lường, đầy tính nghệ thuật, càng về cuối càng đặc biệt, chúng ta không chỉ cảm thấy thích thú về những điều bí ẩn được ghi lại trên hành trình của giáo sư Spalding mà còn kích thích tìm về bản nguyên cội nguồn thực sự của con người. Rằng “Chúng ta là ai?”, “Chúng ta từ đâu đến?”, “Mục tiêu con người đến với thế giới là vì cái gì?” hay “Con đường nào sẽ đưa con người thoát khỏi sự khổ đau?”, “Làm thế nào để đạt đến hạnh phúc?”… Không mang những lý thuyết truyền bá điều mê tín dị đoan, trái lại tất cả những lập luận, giải thích của tác phẩm đều rất khoa học, để độc giả từ đó có cái nhìn sâu hơn và chân thật nhất về thế giới tâm linh.

“Hành trình về phương Đông” là cuốn sách bổ ích giúp bạn đọc hiểu hơn về giá trị tâm linh của văn minh Ấn Độ và tầm quan trọng của đời sống tinh thần ở mỗi cá nhân. Xã hội hiện đại có nhiều thay đổi về vật chất, nhưng dường như việc xây dựng và làm phong phú đời sống tinh thần đang dần bị lãng quên và xem nhẹ. Vì vậy, đến với cuốn sách này, độc giả có thể tìm ra cho mình một phương pháp riêng, để tìm về sự tĩnh lặng và bình an trong tâm hồn.

Dịch giả Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du, SN  1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây. Trong số đó, có thể kể đến như: “Hành Trình về phương Đông”, “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Bên rặng Tuyết sơn”, “Hoa sen trên tuyết”, “Hoa trôi trên sóng nước”, “Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng”, “Trở về từ cõi sáng”, “Minh Triết trong đời sống”, “Đường mây qua xứ tuyết”…

LÊ VY

;
;
.
.
.
.
.