* Các tên làng trong câu ca xưa “Xuân Thiều, Hóa Ổ ba bốn chỗ giáp ranh/ Quan Nam, Trường Định không thành nơi mô” hiện nay thuộc địa danh hành chính nào? Hóa Ổ có phải là Nam Ô ngày nay và vì sao có sự thay đổi địa danh như thế? (nguyenvantam@...).
Chùa Ba (Hoa) Sơn tự ở Nam Ô lưu dấu tích tên gọi của Hoa Ổ xưa. Ảnh: V.T.L |
- Các làng trong câu ca này đều nằm trong địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày nay. Xuân Thiều, Hóa Ổ nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Quan Nam, Trường Định nay là hai thôn thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Hóa Ổ là tên gọi trước đây của Nam Ô (ngày nay) nhưng chưa phải là tên gọi đầu tiên. Ở mục Sông Cu Đê, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa - Huế) chép: “... đến đây có nước sông Hoa Ổ (còn đọc là Ba Ổ - NV) chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”. Tiếp đến thời Tự Đức thứ 16 (1864), cụ Tú tài Trần Nhật Tĩnh, người xã Quan Nam (nay là thôn Quan Nam, xã Hòa Liên) soạn cuốn Hòa Vang huyện chí đã gọi sông này là Hóa Ổ.
Bấy giờ, vùng đất ven sông Hoa Ổ có tên là Ba Ổ Xuân Sơn xã, cũng đọc là Hoa Ổ Xuân Sơn xã mà di tích còn lưu lại đến nay là chùa Ba (Hoa) Sơn. Xuất phát từ việc kỵ húy dưới thời Nhà Nguyễn, từ Hoa đã biến thành Hóa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong cuốn Chuyện các bà trong cung Nguyễn (NXB Thuận Hóa - Huế), chuyện kiêng cữ và chuyển đổi Hoa thành Hóa nói trên là do kiêng kỵ tên của bà Hồ Thị Hoa.
Năm 1806, vua Gia Long và hoàng hậu Thuận Thiên đã chọn bà Hồ Thị Hoa (con gái của công thần Hồ Văn Bôi) cưới cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm. Hồ Thị Hoa có đủ các đức tính thục, thận, hiền, trinh; sống hết đạo hiếu kính. Bà được hoàng đế và hoàng hậu dành cho nhiều tình cảm yêu thương.
Năm 1807, bà Hoa sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Miên Tông, và mất ở độ tuổi 17 sau khi sinh con 13 ngày. Miên Tông được gửi cho bà nội là hoàng hậu Thuận Thiên nuôi cho đến trưởng thành. Thương xót cô con dâu bất hạnh, vua Gia Long xuống dụ cấm triều đình và bá tánh từ nay không được nhắc đến từ “hoa” nữa. Những từ có chữ “hoa” thì phải chuyển đổi thành ba, huê, bông, hóa… để khỏi phạm húy.
Năm 1820, Hoàng tử Đảm lên nối ngôi, lấy niên hiệu Minh Mạng. Năm 1841, Miên Tông (người con mất mẹ lúc 13 ngày tuổi) lên ngôi, niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị đã làm nhiều việc để làm tròn đạo hiếu đối với người mẹ bạc mệnh. Đặc biệt nhất là triều đại của ông và con cháu của ông sau này đã triệt để kiêng kỵ tên “Hoa”, tên húy của mẹ ông. Việc kiêng kỵ ấy còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.
Từ đầu triều Nguyễn, tất cả các danh từ có từ “hoa” đều phải đổi. Vì thế mà chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa, cầu Hoa bắc qua rạch Thị Nghè đổi thành cầu Bông, điệu hát “hoa tình” thành “huê tình”, “hoa lợi” thành “huê lợi”, “hoa viên” thành “huê viên”,…
Do kỵ húy, làng Hoa Ổ ở phía Nam đèo Hải Vân cũng phải đổi thành Hóa Ổ. Về sau, Hóa Ổ lại được đổi thành Nam Ổ. Địa danh Nam Ổ còn lưu lại trong câu ca xưa: Thiếp nguyện cùng chàng bàu sen chưa trổ/ Chàng nguyện cùng thiếp chợ Nam Ổ chưa đông/ Tàu Tây chưa lại ba gông/ May mô thiếp gặp chàng rông về Hàn. Cho dù về sau, Nam Ổ đã biến thành Nam Ô, nhưng trong câu ca này, phải là Nam Ổ mới hiệp vần với câu trên.
Việc Nam Ổ trở thành Nam Ô, các nhà nghiên cứu cho rằng, khi người Pháp sang đô hộ Việt Nam, địa danh Nam Ổ đã được ghi không dấu trong tiếng Pháp là Namo.
ĐNCT