Vùng - văn - nghệ đầy sức sống diệu kỳ

.

Cùng với sông Tiền, sông Hậu của tạo hóa, từ 200 năm trước, danh thần Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại của quê xứ sông Hàn đến vùng đất An Giang chỉ huy dân binh đào đắp hai con kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế dài gần 120km, không chỉ góp phần vào công cuộc khẩn hoang lập ấp, mà còn mở ra một vùng văn hóa dân gian sông nước miệt vườn. Để rồi 190 năm qua - từ khi vua Minh Mạng chia trấn Vĩnh Thanh thành hai tỉnh An Giang và Vĩnh Long, dòng chảy ấy luôn bồi đắp phù sa, làm nên vùng - văn - nghệ đầy sức sống ở biên cương tây nam Tổ quốc…

Phong trào sáng tác ở An Giang có nền tảng vững chắc từ đời sống văn hóa dân gian và văn nghệ cơ sở.  TRONG ẢNH: Hội Văn học-Nghệ thuật huyện Tri Tôn làm việc với đoàn Nhà Xuất bản Đà Nẵng về hợp tác xuất bản. Ảnh: N.T
Phong trào sáng tác ở An Giang có nền tảng vững chắc từ đời sống văn hóa dân gian và văn nghệ cơ sở. TRONG ẢNH: Hội Văn học-Nghệ thuật huyện Tri Tôn làm việc với đoàn Nhà Xuất bản Đà Nẵng về hợp tác xuất bản. Ảnh: N.T

Dòng chảy từ ký ức

Tôi biết về miền đất An Giang lần đầu tiên khi đọc tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Những trang văn miêu tả về vùng sông nước nên thơ đầy vị ngọt phù sa ấy đã thấm đẫm trong tôi, làm rung động trái tim thơ dại của tôi những ngày còn trên ghế nhà trường. Những ngôi nhà sàn dọc theo bờ kinh, ẩn trong vườn cây xanh mướt quanh năm; những tên đất, tên làng, tên chợ; những giống cá tôm lạ hoắc ăn sâu vào giấc mơ tôi về một vùng đất trù phú, đầy sản vật lạ, nung nấu trong tôi một ngày được đến vùng đất ấy.

Để rồi, như một cơ duyên từ sâu thẳm của đất và người, tôi đến với vùng đất An Giang vào mùa nước nổi năm 2019; và nơi đặt chân là Cù lao Giêng - cù lao lớn đầu tiên trên sông Tiền khi dòng Mê-kông miệt mài chảy qua hàng ngàn ki-lô-mét để đi vào nước Việt trước khi đổ ra Biển Đông bao la.

Những ngày ở Cù lao Giêng - vùng đất được khai phá từ hơn 300 năm trước, tôi được đắm mình thật sự trong không khí của sông nước An Giang trù phú. Buổi sáng, dậy thật sớm cùng nhà văn Võ Diệu Thanh đi chợ quê. Những hình dung trong tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” ngày nào giờ hiển hiện ra trước mắt: Một cái chợ như bao cái chợ đầu ấp, chỉ hơn 10 người, đang bán những rổ cá linh non, cá chốt, cá sặc, con cua, con ốc… tươi rói, con giãy con bò lổm ngổm; những mẹt bông điên điển vàng ươm như nắng. Cô Thanh mua cá linh về làm chả, cá chốt về kho sả nghệ. Rau ăn kèm thì hái lá cốc non xanh xanh chua chua, đọt xoài tim tím chan chát đầy khắp trong vườn…

Tôi lang thang mấy ngày ở xứ Cù lao Giêng - gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, trên những con đường chạy ven kinh, một bên là vườn xoài xanh ngút ngát, một bên dòng nước đỏ nặng phù sa, ven bờ là những khóm hoa tươi với nhiều sắc màu vui nhộn. Đi trong nắng vườn trưa mà nghe mát lạnh. Chen giữa những khu vườn cây ăn trái xanh mát ấy, là những công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật.

Nhà thờ Cù lao Giêng với nét kiến trúc Roman, được xây dựng bằng vật liệu mang từ nước Pháp qua từ cuối thế kỷ 19 mà vẫn còn tươi mới; Tu viện Chúa Quan phòng thâm u, trầm mặc, cổ kính... Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn Phật giáo ở miền Tây Nam Bộ, hòa lẫn với tín ngưỡng dân gian như chùa Bà Vú (chùa Phước Minh), chùa Đạo Nằm (chùa Thành Hoa), chùa Đạo Chim (chùa Phước Thành)… Rồi đến Phủ thờ Tộc Nguyễn, Phủ thờ Tộc Dương… để nghe về những người có công khai canh lập ấp, những cuộc đấu tranh bảo vệ nhân dân và đất nước trước họa xâm lăng…

Đêm đến, tại ngôi nhà của anh Phước Cho giữa vườn xoài mênh mông trên Cù lao Giêng, các anh chị lớn tuổi thuộc Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trong ấp như anh Hai Phô, anh Ba Lít, chị Út Đào… sau một hồi í ới réo gọi nhau, tập trung đông đủ. Lời ca tiếng đàn thay nhau cất lên, không chỉ là những câu ca từ thuở cha ông mở cõi, mà cả những bài được viết lời mới, đậm chất miệt vườn, ca ngợi con người và vùng đất mới.

Say trong men rượu ngút ngàn, sáng ra, anh Hai Phô lại trở về với dáng hình ngư ông nâu bóng, chắc nịch, chèo ghe băng qua những con rạch mà hai bên đầy ắp bông điên điển vàng ươm, đưa chúng tôi ra sông Tiền gỡ lưới. Những ngón tay đêm qua điêu luyện lướt trên phím đàn, sáng nay thoăn thoắt thu lưới và gỡ những con cá tươi đang giãy đành đạch, quẳng xuống khoang thuyền. Tôi nhìn anh gỡ lưới, mà mờ mịt giữa dáng hình người nghệ sĩ tài tử miệt vườn với một ngư dân chất phác, lăn lộn chuyện áo cơm…

Chở nặng phù sa đắp bồi vùng - văn - nghệ

Vậy rồi mấy năm sau, tôi lại có cơ duyên về vùng đất An Giang trong vai trò mới. Đó là ký kết hợp tác giữa Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh An Giang và Nhà xuất bản Đà Nẵng trong xuất bản các ấn phẩm văn học - nghệ thuật của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Vẫn là vùng đất cũ, nhưng có cả người mới và người cũ để ân tình sâu đậm thêm, để hiểu thêm về vùng - văn - nghệ nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ những cuộc chuyện trò với các anh lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, tôi hiểu thêm vùng đất đầu nguồn sông nước trù phú ấy cũng là mảnh đất màu mỡ của văn nghệ đâm chồi nảy lộc bao đời. Và ngạc nhiên vô cùng khi biết, hiếm địa phương nào trong cả nước có đến 11 Hội Văn học - Nghệ thuật ở tất cả các huyện, thị, thành như tỉnh An Giang, hoạt động đều đặn và mạnh mẽ; là tỉnh hiện có số lượng hội viên Trung ương nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với gần 200 hội viên các chuyên ngành; hơn 500 hội viên trực thuộc tỉnh...

Chủ tịch Liên hiệp Hội Bùi Quang Vinh cho hay: Để có được kết quả đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống văn hóa - văn nghệ. Cùng với đó, Liên hiệp Hội luôn tìm tòi, phát hiện, tạo điều kiện cho những tác giả trẻ phát triển tài năng và bồi dưỡng để kết nạp vào Liên hiệp Hội. Từng lớp kế thừa nối tiếp nhau, từng thế hệ sáng tác chung tay nhau góp phần đưa phong trào văn học - nghệ thuật tỉnh nhà không ngừng phát triển, tạo nên nhiều sản phẩm tinh thần phục vụ cho nhân dân trong tỉnh và công chúng yêu nghệ thuật trên cả nước. Lực lượng sáng tác thường xuyên hiện nay khá đông đảo, tiếp cận nhanh với cái hay cái mới, đam mê nghề nghiệp, đang khẳng định mình…

Nghe lời anh Vinh tâm sự, lại thêm những buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng các nhà văn trẻ như Võ Diệu Thanh, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng…, tôi mường tượng về một vùng sông nước đầu nguồn, con nước sau tiếp con nước trước, cần mẫn qua bao mùa, chở nặng phù sa bồi đắp nên vùng đất văn nghệ nổi tiếng này.

Anh Trần Sang, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội cung cấp thêm, hơn trăm năm qua, cùng với nét văn hóa dân gian độc đáo của những dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…, An Giang để lại dấu ấn khó phai trong đời sống văn nghệ nước nhà với những tên tuổi đã làm nên dáng đứng như cây thốt nốt giữa đồng bằng chữ nghĩa, sắc màu và âm điệu. Đó là từ thế hệ các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, học giả Nguyễn Hiến Lê…đến các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, nhà thơ Viễn Phương, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phan Nhân, họa sĩ Nguyễn Thiêm, soạn giả cải lương Hoa Phượng (Lương Kế Nghiệp), Hà Nam Quang (Hà Thị Mỹ Dung)… Và hôm nay, trên vùng đất ấy hình thành lớp nhà văn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Trịnh Bửu Hoài, Phạm Nguyên Thạch, Trần Tùng Chinh, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng…

Để có những tên tuổi đó, không chỉ là từ thiên bẩm và sự học hỏi, sức sáng tạo của mỗi cá nhân, mà tôi nghĩ đến một nền tảng thật vững chắc từ đời sống văn nghệ đã ăn sâu vào tận hồn cốt, vào máu của mỗi người dân vùng đất này từ thuở khai canh lập ấp; từ những nỗi cô đơn của cõi người giữa thiên nhiên rộng lớn hoang vu và đầy huyền bí; từ khát vọng kết nối những tâm hồn lãng mạn, bay bổng mà kiêu hùng để đi qua ngày rộng tháng dài trong cuộc chinh phục thiên nhiên, ngăn bước ngoại bang... Đó là mảnh đất dày đặc, đầy ắp truyền thuyết, giai thoại về các bậc anh hùng, thần thánh thời mở mang bờ cõi; của những tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo…

Đời sống văn hóa văn nghệ dân gian ấy chính là mảnh đất phù sa nuôi dưỡng tâm hồn, làm nẩy mầm và thôi thúc những con người nghệ sĩ bừng lên trong sáng tạo nghệ thuật cùng những tác phẩm để đời; hay chính những con người và tác phẩm xuất chúng ấy truyền lửa và giữ ấm đam mê nghệ thuật trong đời sống văn nghệ dân gian ở xứ này? Khó mà lý giải nổi suy tư ấy, nhưng có một thực tế rằng, ở vùng đầu nguồn sông nước An Giang này, có một dòng văn nghệ chảy suốt chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc, định hình nên một vóc dáng, để mỗi người nghệ sĩ tự hào và tự nhủ phải cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên này...

Buổi chiều, bên dòng kinh Thoại Hà soi bóng thành phố Long Xuyên mỗi ngày một mới, tôi lại nhớ đến tiền nhân từ xứ sông Hàn, đi vào vùng đất hoang sơ từ 200 năm trước, để góp công không chỉ khai phá một vùng đất trù phú, mà còn mở ra một vùng - văn - nghệ đầy sức sống diệu kỳ…

Tháng 10 năm Minh Mạng thứ 13 (tháng 11-1832 dương lịch), sau khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất (tháng 7 năm Minh Mạng thứ 13), Minh Mạng hoàn thành công cuộc cải cách hành chính lớn nhất triều Nguyễn, chia ngũ trấn thành lục tỉnh, riêng trấn Vĩnh Thanh chia làm 2 tỉnh (Vĩnh Long, An Giang), 4 trấn còn lại giữ nguyên tên gọi, chỉ đổi trấn gọi là tỉnh. Cả thảy có sáu tỉnh, tên gọi chung là Nam kỳ lục tỉnh, gồm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). (Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang)

 Bút ký NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.