Những thay đổi tâm, sinh lý tuổi dậy thì khiến nhiều đứa trẻ rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng, đặc biệt với bé gái khi đối mặt kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Chị Nguyễn Thị Trà, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm khai vấn, giáo dục giá trị sống Happy House (quận Sơn Trà) cho rằng, ba mẹ cần bên cạnh, động viên, đồng hành và nói với con những gì sẽ xảy ra và có thể xảy ra trong tương lai như sự thay đổi về thể chất, tình cảm, tình dục…
Chị Nguyễn Thị Trà (người cầm mic) đang chia sẻ các thông tin về tuổi dậy thì mà cha mẹ cần lưu ý. Ảnh: H.L |
* Theo chị, những thay đổi tâm, sinh lý nào ở tuổi dậy thì mà cha, mẹ cần lưu ý?
- Giai đoạn dậy thì là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của con, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm. Đây là giai đoạn con sẽ thay đổi rất nhiều về cơ thể. Dưới tác động của các hormone tăng trưởng và hormone sinh dục, cơ thể trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ; phân biệt rõ ràng các bộ phận nam, nữ. Cha mẹ cần thực sự quan tâm đến con trong giai đoạn này.
Ngoài phát triển nhanh về thể chất, tuổi dậy thì cũng làm biến đổi tâm lý, đặc biệt là cảm xúc. Nhiều em dễ cáu gắt, nóng nảy, khó chịu. Đây là giai đoạn con thể hiện cái tôi cao nhất, muốn được khẳng định mình, muốn bảo vệ ý kiến của mình, muốn xác lập quyền riêng tư. Vì vậy, cha mẹ cần tôn trọng con, không nên áp đặt ý kiến một chiều, chấp nhận việc con có những thay đổi và quan điểm chưa phù hợp.
Tuy vậy, cần quan sát và định hướng nếu con có những suy nghĩ, quan điểm lệch lạc. Đây cũng là độ tuổi trẻ dễ phát sinh tình cảm với bạn khác giới nên rất cần cha mẹ bình tĩnh, khéo léo trong trò chuyện, ứng xử. Bởi lẽ, tình cảm là thứ rất tự nhiên nên không thể cấm đoán hoặc ngăn cấm một cách thô bạo.
Cha mẹ cần hướng cho con làm sao để duy trì ở mức độ phù hợp, giúp đỡ nhau học tập, giáo dục con về những hậu quả khi yêu đương quá sớm, đồng thời tăng cường thêm những trải nghiệm cho con, như gặp gỡ, giao lưu nhiều người hơn, đi những địa điểm mới, chơi thể thao…, tránh quan tâm quá mức vào một đối tượng. Thực tế, nhiều trẻ yêu sớm, lơ đãng học tập, nhưng nếu bị cha mẹ cấm đoán, trẻ dễ chống đối khiến mối quan hệ con cái vớicha mẹ xa nhau. Ở lứa tuổi này, trẻ nhạy cảm với sự phê bình của người khác, do đó cha mẹ lưu ý khi phê bình con, kể cả nói không tốt với bạn con, người yêu hay thần tượng của con.
* Khi nào ba, mẹ cần nghiêm túc nói chuyện với con về giới, tình yêu, tình dục?
-Thời gian qua, nhiều vụ xâm hại tình dục rất đau lòng đã xảy ra. Vì vậy, cha mẹ cần giáo dục về giới tính sớm cho con. Tất nhiên, nội dung truyền tải thì mỗi độ tuổi sẽ khác nhau. Ví dụ với các con 4-6 tuổi, cha mẹ lấy hình ảnh trực quan như quy tắc 5 ngón tay để giải thích cho trẻ về các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội. Khi trẻ 8 tuổi, cha mẹ cần nghiêm túc nói chuyện với con về giới tính, tình yêu, tình dục, nhất là khi con bắt đầu phát sinh tình cảm với bạn khác giới.
* Tình trạng trẻ đến tuổi dậy thì trở nên ngang bướng, dễ nóng giận, ít kết nối, chia sẻ với ba mẹ. Khi đối mặt những tình huống này, cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua?
- Đầu tiên, cha mẹ cần hiểu và chấp nhận con ở giai đoạn này. Bởi khi đã chấp nhận, cha mẹ sẽ bình tĩnh hơn khi ứng xử với con. Ở trường hợp con không nghe lời, cha mẹ hãy xem xét, đánh giá xem những điều đó có vượt quá giới hạn cho phép không; nếu vấn đề vẫn trong chừng mực nào đó (dẫu không đồng thuận với quan điểm của cha mẹ) thì cha mẹ vẫn nên tôn trọng.
Tuy nhiên, cần đặt ra những giới hạn để con biết khuôn khổ cho phép. Khi con có phản ứng tiêu cực, ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân thực sự và đặt ra những câu hỏi gợi mở, như: Có thể học gì từ sự việc này? Có gì tốt ở đây? Có thể làm gì để tốt hơn?... Ngoài ra, cha mẹ cần làm bạn, làm đồng minh của con. Thực tế, trẻ chỉ chia sẻ với những ai bản thân cảm thấy tin tưởng và hào hứng với chủ đề mình đề cập. Vì vậy, có những chuyện có vẻ nhảm nhí, hoang đường nhưng nếu con chia sẻ, cha mẹ cần lắng nghe và dành thời gian cho con để tăng sự gắn kết.
* Nếu đúc kết 3 vấn đề cần nói và 3 vấn đề cần tránh khi con tuổi dậy thì, thì đó là những vấn đề gì?
- Theo tôi, 3 vấn đề cần nói với con tuổi dậy thì, đó là nói với con những gì sẽ xảy ra và có thể xảy ra trong tương lai như sự thay đổi thể chất, tình cảm, tình dục…, nhằm giúp con tăng sức đề kháng về mặt tinh thần cũng như có thái độ ứng xử phù hợp. Hai là, nói với con về những điều tốt đẹp con đang có và giai đoạn rất đẹp con đang sống, qua đó, giúp con ý thức được giá trị bản thân để không phải thể hiện, đua đòi với ai hay tự ti về mình. Ba là, giúp con biết rằng gia đình là nơi tuyệt vời nhất, cha mẹ luôn tin tưởng con và cũng là nơi con tin tưởng để chia sẻ bất cứ điều gì, dù đó là niềm vui hay khó khăn, thất bại.
Để con trải qua giai đoạn dậy thì bình yên, nhiều tiếng cười, cha mẹ không nên buông lỏng, thiếu sự quan sát, định hướng nhưng cũng không quá nghiêm khắc, áp đặt, thiếu tôn trọng con. Cuối cùng, cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, thay vì nhanh chóng gạt đi những đề xuất hay những tâm sự của con.
*Xin cảm ơn chị!
HUỲNH LÊ (thực hiện)