Các cơ quan báo chí chuyển đổi số để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ làm báo đang là câu chuyện nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi chuyển đổi số tác động mạnh mẽ vào quá trình đổi mới mọi mặt của các cơ quan báo chí như phương thức sản xuất, quy trình sản xuất, nguồn nhân lực, điều kiện làm việc...
Báo chí thực hiện chuyển đổi số trước hết từ tư duy. Ảnh: Internet |
Các cơ quan báo chí có quá trình hình thành, phát triển với những đặc thù nhất định, trong đó nổi lên những vấn đề như mô hình tòa soạn đan xen giữa cũ và mới, giữa tư duy làm báo cũ và cách thức làm báo theo công nghệ mới, giữa đội ngũ nhà báo có tay nghề, có tuổi và những phóng viên trẻ năng động... Làm thế nào để dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt.
Đồng bộ quản lý trên nền tảng số
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Với các cơ quan báo chí, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ là một bước ngoặt cho các cơ quan báo chí trong thay đổi cách thức quản lý và thiết lập tòa soạn từ truyền thống sang môi trường số.
Trước hết, mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại phục vụ từ chỉ đạo, điều hành công đoạn biên tập, sản xuất nội dung đến xuất bản, kiểm soát và phân phối trên đa nền tảng. Sử dụng các nền tảng số trong giao việc, trao đổi triển khai công việc giúp hạn chế thấp nhất việc sử dụng giấy tờ, văn bản hay hội họp nhiều, giám sát có hiệu quả quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn.
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, VnExpress, Zing, VietnamPlus, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…, hay một số báo địa phương như Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, tiên phong trong chuyển đổi số.
Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương bên cạnh việc tích hợp nội dung trên nền tảng số, còn tích hợp cả nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin từ báo in, báo mạng điện tử, sản xuất nội dung video. Với những sự kiện lớn của địa phương, một số báo còn thường xuyên tổ chức các buổi tường thuật trực tiếp (như các đài truyền hình) trên báo điện tử của mình.
TS Nguyễn Tri Thức (Tạp chí Cộng sản) khi khảo sát một số báo Đảng địa phương đã thực hiện chuyển đổi số, cho rằng nhiều tờ báo địa phương hội tụ đầy đủ loại hình như báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh trên các hạ tầng kỹ thuật số.
“Tuy hội tụ các loại hình báo chí trong một tòa soạn báo Đảng địa phương, nhưng việc tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin không hề có sự trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực, tài nguyên, thông tin. Điều này thể hiện rất rõ các nhánh thông tin của một cơ quan báo chí, thường là thông tin mang tính chất thông tấn, thời sự, truyền hình sẽ dành cho báo mạng điện tử; thông tin chuyên sâu, chuyên biệt, bày tỏ quan điểm, chính kiến, bình luận sẽ dành cho báo in. Một nhà báo có thể vừa thu thập thông tin, vừa quay phim, chụp ảnh để độc lập sản xuất những sản phẩm báo chí đa phương tiện. Mặt khác, đội ngũ nhà báo ngày càng được trẻ hóa, nhất là đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương. Đó là điều cần thiết, quyết định đến công cuộc chuyển đổi số”, TS Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Theo chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân dân, quy trình sản xuất thông tin được tổ chức theo phương thức tích hợp, nội dung thống nhất (bao gồm cả định hướng về mặt chính trị) nhưng cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng. Theo đó, tòa soạn hội tụ sẽ điều phối luồng thông tin 24/7, phân luồng tin tức lên các nền tảng khác nhau và chỉ đạo sự hợp tác giữa các đơn vị để tạo ra những sản phẩm thông tin không trùng lắp, phù hợp với từng nền tảng và có sự hỗ trợ lẫn nhau (độc giả đọc tin trên báo điện tử và sẽ tìm kiếm bài chuyên sâu trên báo in sáng hôm sau, hoặc đang đọc dở trên máy tính thì có thể đọc tiếp trên điện thoại,…).
Qua đó, báo Nhân dân xây dựng một hệ thống công nghệ đồng bộ, giúp điều hành mọi quy trình sản xuất thông tin của các bản tin, các ấn phẩm cũng như từng cơ quan thường trú. Hệ thống này kết nối liên thông từ sản xuất báo in cho đến báo điện tử, quản lý các hệ thống cơ sở dữ liệu nội dung và người dùng cũng như hệ thống quản lý và phân phối quảng cáo.
Đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 3 nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số. Trong đó, đáng chú ý là nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, tương tác hai chiều với bạn đọc, đo lường số lượng bạn đọc, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Đây chính là cơ sở để các cơ quan báo chí tích hợp thêm nguồn lực trong quá trình đổi mới và thích ứng với xu thế phát triển.
Yếu tố con người
Câu chuyện chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí không còn là câu chuyện chỉ để bàn luận và trao đổi như một xu hướng thời thượng của công nghệ nữa, nó đang và sẽ hiện diện làm thay đổi hoàn toàn báo chí truyền thống lâu nay. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Chí Trung (Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), vấn đề của báo chí số hay báo chí đa phương tiện lại không hẳn nằm ở công nghệ, mà cốt lõi nằm ở con người.
Đồng quan điểm này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tại buổi tọa đàm, thảo luận về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan báo chí do Cục Truyền thông Công an Nhân dân tổ chức sáng 22-2 tại Hà Nội, cho rằng chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Tổng Biên tập Lê Quốc Minh đưa ra 4 lời khuyên hữu ích đối với những cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số là: phải hướng tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi đến từ cấp cao nhất và cần hiểu biết rõ về dữ liệu.
Hai yếu tố cốt lõi liên quan đến vấn đề con người trong chuyển đổi số nằm ở nhu cầu của công chúng và năng lực của nhà báo. Để nắm được nhu cầu công chúng có thể thông qua các khảo sát về nhu cầu theo dõi, thói quen xem tin tức của từng cá nhân. Vấn đề còn lại nằm ở năng lực, tư duy và thói quen của những người cung cấp thông tin, cụ thể ở đây là lãnh đạo cơ quan báo chí và chính các nhà báo, phóng viên cung cấp thông tin cho công chúng. Với những tin thông tấn cần yếu tố nhanh, gọn, tức thì sẽ được cung cấp trên báo điện tử thông qua các bản tin, tin tường thuật hay video clip; với những vấn đề chuyên sâu, cần sự phân tích, bình luận, cần có số liệu chứng minh thì những bài báo trên báo in ngày hôm sau là phù hợp nhất.
Để làm được điều đó, yếu tố đầu tiên là cần người chỉ huy chỉ đạo, phân bố thông tin sao cho phù hợp với từng nền tảng. Và phóng viên nào sẽ phụ trách thực hiện, tùy theo năng lực của từng người, trước tiên cần có sự hiểu rõ từ Ban biên tập để phân công công việc, thứ hai là mỗi cá nhân phóng viên phải tự học để trở thành những con người “đa năng”, có thể làm được nhiều việc trong guồng máy để thực hiện được tin, bài mà không cần tốn quá nhiều con người cho việc đưa tin hay viết bài về một sự kiện.
Để có thể chuyển đổi số thành công, bên cạnh việc đầu tư, đổi mới công nghệ thì cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có để có thể làm việc trong môi trường số; phát triển tư duy và đổi mới sáng tạo mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Để có một nhà báo chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển báo chí phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, các đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ và chính bản thân các nhà báo. Nghề báo là nghề có thể tự học, tự rèn luyện, nhưng nếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì người làm báo có thể học các kỹ năng làm nghề, khai thác thông tin, kỹ năng làm báo với công nghệ hiện đại.
Thay đổi phương thức vận hành, quản lý Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Việc hỗ trợ của Nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại. (Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông) |
HIỀN LƯƠNG