Rồi những ngày xuân chậm rãi lùi dần, hoa cỏ đã khoác lên mình màu áo dậy thì non mởn, đang vào độ đượm nồng của hương sắc. Và nắng, những tia nắng óng vàng, mỏng manh như tơ lụa cứ mơn man, tung tẩy trước hiên nhà, dịu dàng giăng mắc xuống khu vườn đẫy đà sức sống…
Màu nắng tháng ba đung đưa dịu nhẹ trong gió xuân như một lời tình tự. Không oi ả, gay gắt như nắng hè, không khô khốc như nắng thu hanh gầy heo may, nắng tháng ba trong trẻo, đỏng đảnh như thiếu nữ xuân thì. Ấy là những sợi nắng mềm mại, hây hây nhạt vàng quyến rũ.
Minh họa: HÀ CÁT |
Khu vườn cuối xuân đợi nắng về để đẩy đưa, mời gọi bướm ong dập dìu trẩy hội. Này là hoa bí vàng tươi, hoa cà tim tím, bên thềm giếng đã điểm li ti những chùm hoa khế, mỗi sớm chíu chít tiếng chim sâu rung rinh trong từng kẽ lá. Màu nắng thanh tân thêu thùa trong khu vườn tháng ba, lả lướt trên từng bông bưởi trắng muốt đã vào độ đẫy hương, nhuận sắc, thi thoảng nhờ cơn gió mang vào tận phòng, cứ thế dịu dàng bung hương.
Những chiếc áo bông, áo len, chăn nệm qua những ngày rét đài rét lộc Giêng hai đã được mang ra phơi phóng trong màu nắng mới thơm tho để xua đi ẩm mốc. Tôi thích cái cách mà xưa mẹ thường đặt cho màu nắng vào độ này, ấy là nắng non. Bởi thế, tôi cũng thường hay ví von: nắng non nên mùa rất trẻ. Cái non trẻ ấy là hiện thân của sự tươi mới, khỏe khoắn để ta gửi vào đó biết bao hy vọng, cơi nới nghĩ suy để càng thêm mến yêu cuộc sống này và dưỡng nuôi sự lạc quan, tích cực.
Qua rồi những ngày dài rét mướt, cần mẫn cắm bàn tay buốt giá xuống đồng cấy mạ. Tháng ba về, mùa trả ơn cho người sau bao vất vả cuốc bẫm cày sâu bằng những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, đợi ngày làm đòng trong một màu nắng thanh bình mà đầy kiêu hãnh. Người nông dân xưa nay thường quan niệm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” cho mỗi mùa gieo cấy mà dường như quên đi sự hiện diện của nắng, phải chăng họ cho rằng mưa nắng là quy luật tự nhiên của đất trời nên không thể can thiệp? Nhưng chắc chắn rằng, nắng là một phần không thể thiếu cho thành quả của mỗi vụ mùa.
Đi trong màu nắng tháng ba, bất chợt nhớ đến câu ca dao xưa “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”. Ở chốn đồng quê chiêm trũng, tháng ba đã thắp lửa nồng nàn trên những chùm hoa gạo. Từng cánh hoa au đỏ vắt ngang vòm trời quê đầy xao xuyến. Loài hoa mộc mạc nhưng không kém phần khuê các khi sở hữu nhiều tên gọi mỹ miều khác như mộc miên, pơ-lang như một cách để người ta tán dương vẻ đẹp của một loài hoa đa cảm. Nhiều nơi, trong tâm tưởng hồn người, cây gạo còn linh thiêng như một mảnh hồn làng, cưu mang bao nỗi nhớ thương quay quắt của những đứa con xa mỗi khi nghĩ về quê xứ. Nhắc đến tháng ba, có thể nào quên hoa gạo, làm sao không gợi nhớ đến một màu hoa trữ tình, thấm đẫm hồn quê, điển hình cho tính cách người quê…
Ngồi với phố hôm nay, chầm chậm bên ly cà phê mỗi sáng, ngắm bầy sẻ nhỏ thoăn thoắt ùa về nhặt nắng bên hiên, bỗng thấy lòng bình yên đến lạ. Nắng gọi những chùm hoa thức dậy đầy cành, nắng tinh nghịch nhảy nhót trên vai, nắng thơm vào tà áo ai dập dìu qua lại… cứ thế bâng khuâng rót xuống một giai điệu thật dịu dàng.
Yêu sao màu nắng óng ả, mượt mềm trong hương sắc tháng ba!
LÊ GIANG