Tháng ba! Tự dưng nhớ đến hoa gạo đỏ nhoi nhói cả bầu trời. Ở Tây Nguyên hoa gạo có tên mỹ miều là hoa pơ-lang. Tôi sinh ra và lớn lên ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố được mệnh danh là thủ phủ cà phê. Với tôi sống ở ngoại ô là một đặc ân, bởi khoảng cách không quá xa khi ngày cuối tuần, tôi có thể rong ruổi chạy xe lên ngắm phố xá, uống một tách cà phê đậm đà, bảng lảng sương mờ sau đó thong dong trở về căn nhà ngoại ô, nơi có hoa lá, cỏ cây, chim muông để tôi thả hồn, đắm mình vào không gian trong lành, bình yên. Để rồi sớm mai giật mình thức giấc bởi bầy sẻ ríu rít trò chuyện trên cành hoa pơ-lang mùa hạ.
Minh họa: HÀ CÁT |
Tôi bước ra sân. Cây hoa pơ-lang đã rực rỡ đỏ thắm, những cánh hoa rụng xác xơ trên mảnh sân đất đỏ bazan. Bầu trời tháng ba trong xanh không gợn chút mây. Thân cây pơ-lang khổng lồ, cao chót vót, thưa thớt lá, toàn cành đầy hoa rực rỡ. Gió lao xao, lá xào xạc, những cánh hoa bay bay trong gió se. Nhìn từ xa nền trời lốm đốm một màu đỏ rực lửa đầy nhựa sống.
Tôi chẳng biết cây hoa pơ-lang có từ bao giờ? Lúc gia đình tôi chuyển về Ban Mê Thuột, khai hoang và chọn an cư lạc nghiệp ở ngôi làng be bé đã thấy cây hoa hiên ngang chào đón. Tôi đặt biệt danh là cây cô độc, vì giữa ngôi làng heo hút này, cây hoa pơ-lang chỉ một mình, nhưng không vì cô độc mà cây khẳng khiu, tiều tụy. Cây vươn mình, đầy sức sống. Mỗi mùa tháng ba đến, hoa nở một vùng rực đỏ trên bầu trời đầy gió, tiếng ve oi ả, nhoi nhói cả mùa hạ. Tính về tuổi đời, cây hoa pơ-lang là cây cổ thụ ở làng.
Thân cây hoa pơ-lang chi chít gai nhọn hoắt nhưng mỗi lần đến tháng ba, hoa nở và rụng ngập sân như trải thảm rất thơ mộng. Những buổi sớm tinh sương mùa hạ. Mẹ dậy cặm cụi quét sân. Tôi nghe từng tiếng chổi khua của mẹ chập chờn trong giấc mơ, tiếng khua làm tôi thức giấc, tôi phụ mẹ gom lá khô và đốt, khói trắng nghi ngút bay trong gió se, cùng ánh bình minh vàng ươm mùa hạ. Mùi hoa pơ-lang thấm đẫm cả khứu giác lúc thoang thoảng, khi nồng nàn. Trong nhà bếp bập bùng lửa, cả không gian phảng phất hương hoa.
Một buổi chiều mùa hạ đầy gió, khi cánh diều ấu thơ tôi thả, không may vướng vào cành cây pơ-lang, bọn trẻ chúng tôi không ai dám leo lên để lấy diều vì thân cây cao lêu nghêu và chi chít gai, để rồi cánh diều buổi chiều thơ ấu ấy bay phất phơ trong gió lồng lộng. Rồi bao nhiêu cánh diều tuổi thơ đã vướng mắc trên cành pơ-lang? Nhiều không xuể và đếm không nổi. Những cánh diều nhiều màu sắc căng bay trên bầu trời tháng ba, no gió, đột ngột đứt dây, vô tình thả tuổi thơ tôi trôi xa mãi. Mỗi cánh diều là một dấu ấn kỷ niệm hoang dại lơ lửng trên cành, gửi lại trên bầu trời nắng, gió, nơi miền đất đỏ bazan đong đầy nỗi niềm thương nhớ.
Cánh diều rạng rỡ màu, hòa trộn với ánh hoàng hôn lấp lánh xen kẽ hoa pơ-lang đỏ thắm. Tạo nên bức tranh tâm cảnh, vũ điệu sắc màu.
Làng tôi bên bờ sông Sêrêpôk. Đến tháng ba, mùa khô lại về, con sông nông hơn, nước trong vắt. Thấy rõ đàn cá suối dạn dĩ bơi lội tung tăng. Mùa khô nước giếng cạn kiệt, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau đi tắm suối và nghịch ngợm, ngây ngô phơi mình trên tảng đá khổng lồ bên sông. Cây hoa pơ-lang bên bờ sông mơ mộng, rực rỡ. Những cánh hoa lả tả bay nhè nhẹ trong gió rụng xuống dòng nước và trôi đi. Từng con chim tu hú í ới gọi bầy, đồng nghĩa mùa hạ đã sang, chúng bay tán loạn trên cành pơ-lang, thảng thốt làm nhiều cánh hoa rụng xuống, dòng sông phẳng lặng lấp lánh một màu đỏ thắm.
Dọc bờ sông, một vài thiếu nữ người Thái đi nhặt củi khô về nhóm. Trên vai họ đeo “lếp” (một loại giỏ đan bằng tre của người Thái). Mùa khô, đất đai cằn cỗi, khắc nghiệt. Măng rừng hết mùa, nấm mối, rau rừng càng hiếm hoi. Họ duy trì sự sống bằng cách dùng “ca sa” (một loại dụng cụ xúc tôm tép của người Thái) lân la tới những khe suối nhỏ, xúc tôm tép. Chỉ một buổi chiều đã đầy một tô cả tôm lẫn tép. Con sông làng tôi cho sự sống. Con sông cho tôi thơ mộng.
Tuổi thơ tôi tuy thiếu thốn, lam lũ… nhưng tôi hạnh phúc vì mình giàu thơ mộng. Những kỷ niệm trong trẻo đã trôi theo sông. Giờ tôi trưởng thành, để rồi giữa mùa hoa pơ-lang mà chộn rộn thấy thương, thấy nhớ đến câu ca dao, mẹ ru tôi ngủ lúc nhỏ:
“Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”
Thương lắm! Mùa hoa pơ-lang ơi!!!
LÒ DUY BƯU