Năm 2013, khi ông David Cameron, thủ tướng Anh lúc đó, tới thăm Đức và hội kiến người đồng cấp Angela Merkel, bà Merkel giới thiệu ông Cameron với “một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất của Đức”. Điều bất ngờ và thú vị khi vị kiến trúc sư đó lại chính là người sinh ra và lớn lên tại London (Anh) - ông David Chipperfield.
Những lối cầu thang bên trong bảo tàng Neues ở Berlin, một trong những công trình do kiến trúc sư Chipperfield thiết kế. Ảnh: Alamy |
Không hổ danh là người được Thủ tướng Merkel trân trọng giới thiệu như một niềm tự hào của đất nước, ông David Chipperfield thiết kế nhiều bảo tàng tại Đức, nhiều trụ sở tòa án tại Barcelona và một thư viện tại Des Moines (bang Iowa, Mỹ)... Mới nhất, ông vừa được trao tặng giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới Pritzker, năm 2023 - được ví như giải Nobel kiến trúc.
Tuy nhiên như ông chia sẻ với báo Guardian (Anh): “Là một kiến trúc sư trẻ tại Anh vào những năm 1980, bạn không có cơ hội”, ông đã phải tìm kiếm sự nghiệp ở nước ngoài. “Tôi đã làm ba tòa nhà đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó là các cuộc thi ở Ý và Đức. Thành thực mà nói, điều đó cũng không thực sự thay đổi gì. Tôi đã luôn nay đây mai đó kể từ khi ấy”, kiến trúc sư Chipperfield nhớ lại.
Khác với nhiều người lựa chọn những biểu tượng kiến trúc hào nhoáng, ông theo đuổi phong cách giản dị của chủ nghĩa hiện đại toát lên vẻ trang trọng, nghiêm ngắn. Ban giám khảo giải thưởng Pritzker nhận xét các tòa nhà do ông thiết kế “luôn có nét đặc trưng của sự thanh lịch, tiết chế, cảm giác của sự vĩnh cửu và những chi tiết trang trí tinh tế”. Cũng theo họ, “ở một thời đại của sự thương mại hóa quá mức, thiết kế quá đà và phóng đại thái quá, ông ấy luôn có thể đạt được trạng thái cân bằng”.
Sinh năm 1953 tại London, David Alan Chipperfield lớn lên trong một trang trại ở vùng Devon và suốt thời thơ ấu ông mơ ước trở thành một bác sĩ thú ý. Hồi học ở trường nội trú Wellington, ông tự nhận “khá vô vọng về khả năng học thuật” nhưng rất xuất sắc về thể thao và nghệ thuật. Vì không đỗ đại học nên ông vào trường nghệ thuật Kingston ở London, sau đó tham gia Hiệp hội kiến trúc - nơi khởi phát rất nhiều những ý tưởng tiên phong vào thời ấy.
Trong những năm tháng định hình sự nghiệp này, David Alan Chipperfield có cơ hội được làm việc tại văn phòng của hai kiến trúc sư nổi tiếng ở Vương quốc Anh là Richard Rogers và Norman Foster. Thông qua họ, ông “học được cách để khiến nhiều thứ trở nên quan trọng hơn mức chúng có thể cần như vậy”. “Ở cả hai văn phòng đó, họ hoàn toàn bị ám ảnh với việc cần phải làm nhiều hơn những gì bạn được yêu cầu”, ông nói. Sự chăm chút tới mức ám ảnh với các chi tiết - đôi khi cũng vì những mong muốn của khách hàng và cả sự hạn chế của ngân sách - đã trở thành một trong những nét tính cách định hình con người ông.
Lập văn phòng kiến trúc riêng từ năm 1985, kỷ niệm đặc biệt mà ông Chipperfield sẽ không bao giờ quên là hợp đồng đầu tiên nhận được. Đó không phải một công trình kiến trúc truyền thống mà là thiết kế cửa hàng cho nhà thiết kế thời trang Issey Miyake ở khu Sloane Street (London, Anh). Sau đó là 18 tháng làm việc tại Nhật chỉ để thiết kế một số phần thô cho các cửa hàng trong các tiệm tạp hóa.
Tuy nhiên, từ các mối quan hệ của ông Issey Miyake, kiến trúc sư Chipperfield có những hơp đồng lớn hơn sau này, trong đó có Bảo tàng Gotoh bằng bê-tông tại tỉnh Chiba, Nhật Bản hay tòa nhà văn phòng trông như một boong-ke cho hãng xe hơi Toyota ở Kyoto (Nhật Bản). Tài năng của ông thuyết phục chính quyền Ý trao tặng ba giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế lớn cho một nghĩa trang ở Venice, một bảo tàng ở Milan và một tòa án ở Salerno.
Kiến trúc sư Chipperfield hiện có khoảng 250 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở London (Anh), Berlin (Đức), Milan (Ý) và Thượng Hải (Trung Quốc), nhưng dường như trái tim ông chỉ thực sự dành cho Corrubedo - một làng chài nhỏ ở vùng tây bắc Tây Ban Nha, nơi ông có nhiều bất động sản và có mở một quán bar ở đó.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Guardian)