Vì sao ngân hàng Silicon Valley sụp đổ?

.

Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với tài sản 209 tỷ USD - đã sụp đổ vào ngày 10-3. SVB giờ đây có tên mới là ngân hàng Silicon Valley Bridge, nhưng vụ việc đặt ra câu hỏi về cách nền tài chính Mỹ hoạt động hiện nay.

Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters
Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters

Theo tờ New York Times, hệ thống ngân hàng Mỹ đã được siết chặt hơn kể từ vụ ngân hàng Washington Mutual sụp đổ năm 2008 trong bối cảnh đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự ra đi của ngân hàng này cho thấy hệ thống tài chính của Mỹ có vấn đề và chính phủ Washington đã phải thắt chặt các quy định của ngành. Giờ đây, thêm SVB đóng cửa gây chấn động nước Mỹ.

“Ngân hàng của năm”

Hơn một tuần trước khi SVB sụp đổ, khi tham dự một hội nghị ở Los Angeles (Mỹ), Giám đốc điều hành ngân hàng này - ông Greg Becker - còn nói: “Chúng tôi tự hào là đối tác tài chính tốt nhất trong những thời điểm khó khăn nhất”. Một ngày sau đó, SVB được vinh danh là “Ngân hàng của năm” tại một sự kiện khác ở London (Anh).

Vậy mà “vựa tiền” Thung lũng Silicon đã sụp đổ chóng vánh bắt đầu từ ngày 8-3 khi Tập đoàn Tài chính SVB (SVB Financial Group) - công ty mẹ của SVB - thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản chứng khoán trị giá 21 tỷ USD và dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để tăng năng lực tài chính, bù đắp các khoản lỗ.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh tụt hạng SVB khiến giá cổ phiếu giảm 60%. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn hoảng loạn, thúc giục các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của các quỹ này rút tiền khỏi SVB. Đến sáng 10-3, cổ phiếu SVB tiếp tục mất giá thêm 60%. Vì vậy, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) quyết định chấm dứt hoạt động của SVB ngay trong phiên giao dịch 10-3.

SVB được thành lập năm 1983, trụ sở chính tại Santa Clara, California, có các chi nhánh trên khắp nước Mỹ và có vài chi nhánh ở nước ngoài. Khách hàng chủ yếu của SVB là các công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ.

Theo trang web của SVB, gần một nửa số start-up công nghệ và y tế đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2022 sau khi được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ đều là khách hàng của SVB.

Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD vào SVB để điều hành công ty và trả lương nhân viên. SVB sử dụng một phần nguồn tiền này để đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ với kỳ hạn dài.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trên nền tảng đổi mới sáng tạo, lượng tiền gửi tại SVB tăng nhanh, từ 60 tỷ USD vào quý 1-2020 lên đến 175 tỷ USD cuối năm 2022. Tổng tài sản của SVB tính đến cuối năm 2022 là 212 tỷ USD.

Rủi ro mang tính hệ thống?

Sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ một sai lầm đơn giản: Ngân hàng này phát triển quá nhanh bằng cách đem nguồn tiền gửi ngắn hạn đầu tư vào những tài sản dài hạn.

Khi lãi suất tăng lên nhanh chóng, SVB gánh chịu những khoản lỗ lớn tới mức ngân hàng phải huy động vốn mới, khiến người gửi tiền ồ ạt rút tiền chỉ trong 2 ngày, dẫn đến việc ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Ông Becker và các nhà lãnh đạo khác của SVB không kiểm soát được rủi ro khi ôm vào những khoản tiền lớn từ các dự án công nghệ non trẻ không ổn định, đồng thời đánh giá sai về diễn biến lãi suất từ khía cạnh tài sản. SVB là ví dụ điển hình nhất về việc Phố Wall không lường được mức độ rủi ro lạm phát, dẫn tới khả năng biến động của lãi suất.

Điều đáng nói là vài ngày trước khi SVB sụp đổ, Silvergate Capital - một trong những ngân hàng lớn nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử có trụ sở ở California (Mỹ) - cũng thông báo ngừng hoạt động.

Vì vậy, có những lo ngại rằng “một quả táo hỏng có thể làm hỏng cả chùm táo” và tình trạng “bank run” (khách hàng đổ xô rút tiền cùng lúc) sẽ diễn ra ở các ngân hàng khác như hồi năm 2008, thời điểm ngân hàng Washington Mutua bị chính phủ liên bang tiếp quản do không còn khả năng thanh khoản và nhanh chóng được bán cho JPMorgan Chase với giá 1,9 tỷ USD.

Song, các nhà chức trách Mỹ cam kết không để vụ việc SVB tạo thành hiệu ứng domino. Trong bài viết trên Financial Times, ông Huw van Steenis - cựu Giám đốc nghiên cứu ngân hàng toàn cầu của Morgan Stanley - nhận định sự kiện này sẽ không mang tính hệ thống.

Theo phân tích của ông Steenis, SVB phụ thuộc lớn một cách bất thường vào các nguồn vốn công ty và các quỹ đầu tư mạo hiểm. 93% tiền ký gửi không được bảo hiểm, trong khi tỷ lệ này ở các ngân hàng lớn khác chỉ khoảng 33%. SVB sụp đổ sẽ khiến các ngân hàng nhạy cảm hơn nữa trước đe dọa, tranh thủ thanh toán những khoản vay và thắt chặt các điều kiện tài chính.

Chính phủ Mỹ đã lập một ngân hàng bắc cầu mới có tên Silicon Valley Bridge Bank (SVBB) do Văn phòng Tổng kiểm toán tiền tệ (OCC) quản lý để thay thế hoàn toàn Silicon Valley Bank (SVB). Theo đó, khách hàng có thể gửi và rút tiền bình thường trở lại. Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) bổ nhiệm ông Tim Mayopoulos làm Giám đốc điều hành (CEO) của SVBB.

KHÁNH LINH (theo Financial Times, Bloomberg, CNN)

;
;
.
.
.
.
.